Sau ông Minh Mẫn, 1 bà 79 tuổi tổ chức họp báo

TUYẾN PHAN |

Bà Nguyễn Thị Luật (79 tuổi, trú Bắc Giang) tổ chức họp báo tại Hà Nội, thông tin về việc đề nghị giám đốc thẩm một bản án dân sự.

Ngày 10-11, bà Nguyễn Thị Luật (79 tuổi, trú phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) ủy quyền cho Công ty Luật TNHH Everest tổ chức buổi họp báo với nội dung: Công bố lý do, căn cứ pháp lý mà gia đình bà kiên trì đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang vào tháng 6-2016 vừa qua.

Đây là trường hợp thứ hai sau ông Nguyễn Minh Mẫn (Quyền Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ), một công dân đứng ra tổ chức họp báo với tư cách cá nhân tại Hà Nội trong vòng hai tháng qua.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là buổi họp báo lần này của bà Luật chưa được sự đồng ý bằng văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội.

Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Everest, cho biết ngày 19-10, công ty đã gửi công văn qua đường bưu điện đề nghị được tổ chức họp báo tới Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội.

Các ngày sau đó, công ty trực tiếp nộp các văn bản, tài liệu theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội liên quan đến buổi họp báo.

Ngày 30-10, sở này có công văn trả lời, khẳng định nội dung bà Nguyễn Thị Luật đề nghị thông tin tại buổi họp báo đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Căn cứ Luật Báo chí năm 2016, việc bà Nguyễn Thị Luật đề nghị tổ chức họp báo là không phù hợp với quy định của việc họp báo.

Ngày 31-10, Công ty Luật TNHH Everest có đơn khiếu nại gửi Sở Thông tin và Truyền thông về văn bản nói trên, đồng thời tiếp tục đề nghị để bà Luật được tổ chức họp báo (có thời gian, địa điểm kèm theo).

Đến ngày 10-11, công ty cũng như bà Luật không nhận được phản hồi nào từ phía Sở. Buổi họp báo diễn ra theo dự kiến.

"Khoản 5 Điều 41 Luật Báo chí quy định cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm trả lời cơ quan, tổ chức, công dân về việc họp báo trong thời gian quy định tại khoản 3 điều này; trường hợp không có văn bản trả lời, tổ chức, công dân được tiến hành họp báo, do đó chúng tôi tổ chức họp báo.

Chúng tôi có mời các cơ quan tố tụng của TP và tỉnh Bắc Giang nhưng họ không đến dự” - ông Minh nói.

Tại buổi họp báo, bà Luật cùng gia đình và Công ty Luật TNHH Everest đã cung cấp một số thông tin về việc đề nghị giám đốc thẩm một bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang.

Cụ thể, từ năm 2003 đến 2005, bà Luật cùng hai vợ chồng người con trai góp tiền mua ba mảnh đất liền kề và xây dựng một ngôi nhà năm tầng (trong đó bà Luật góp khoảng 170 cây vàng).

Gia đình thống nhất để giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hai vợ chồng người con trai.

Tháng 1-2015, Chi cục Thi hành án dân sự TP Bắc Giang ra thông báo về việc kê biên và thỏa thuận giá, tổ chức thẩm định giá tài sản kê biên, tiến hành kê biên đối với toàn bộ tài sản trên đất của gia đình bà Luật để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của hai vợ chồng người con trai trong một vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Không đồng ý với việc này, bà Luật có đơn khởi kiện vì cho rằng nghĩa vụ thi hành án chỉ thuộc về hai vợ chồng con trai bà, còn các thành viên khác trong gia đình không liên quan.

Bà yêu cầu xác định số tài sản trên thuộc sở hữu chung theo hướng chia ba phần bằng nhau, bà cùng hai vợ chồng con trai mỗi người một phần.

Tháng 4-2016, TAND TP Bắc Giang mở phiên sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Luật. Bà kháng cáo.

Tháng 8-2016, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên phúc thẩm, sửa một phần bản án sơ thẩm, xác định bà có công sức gây dựng nên số tài sản trên là 200 triệu đồng.

Tiếp tục không đồng ý với bản án này vì cho rằng “mang tính chủ quan, có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật”, bà Luật nhiều lần gửi đơn đến TAND Cấp cao và VKSND Cấp cao tại Hà Nội, đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại