1. Trần Minh Chiến, Đặng Thanh Phương và Trần Anh Khoa là những trường hợp thương tâm của bóng đá Việt Nam khi đều phải giải nghệ từ rất sớm vì chấn thương gối liên quan đến dây chằng.
Minh Chiến - tiền đạo một thời được đánh giá là tài hoa nhất của bóng đá Việt Nam, phải từ giã sân cỏ ở tuổi 22, độ tuổi mà tương lai rạng rỡ đang chờ anh phía trước. Thanh Phương - cầu thủ xuất sắc cùng thời Văn Quyến, phải từ giã ước mơ của mình ở tuổi 24 - bằng Xuân Trường hiện tại, và Anh Khoa ở cái tuổi "chín" nhất của sự nghiệp - 26, đã phải giải nghệ sau cú vào bóng triệt hạ đầy ác hiểm của Quế Ngọc Hải.
Họ không chỉ mang trong mình nỗi đau tinh thần khi phải bỏ lại sau lưng những ngày tháng vinh quang, cả tuổi thanh xuân "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" trên sân tập, sân đấu, mà còn phải gánh cả nỗi đau thể xác mãi về sau.
Cựu tiền vệ tài hoa của đội tuyển Việt Nam - Hồng Sơn, từng chia sẻ: "Ngày còn thi đấu, những chấn thương ấy đã hành hạ mình khủng khiếp, mỗi khi trái gió trở trời là đau. Rồi có khi đang bước đi thì bị hẫng mà ngã xuống... Đến bây giờ, những cơn đau nhức diễn ra rất thường xuyên".
Công Vinh cũng là nạn nhân của chấn thương đứt dây chằng đầu gối. Ngày ấy, tiền đạo xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam này từng suýt nữa thì như Minh Chiến, Thanh Phương: "Khi nhận tin đứt dây chằng, tôi cảm giác như đất trời sụp đổ. Một cầu thủ đứt dây chằng khác nào ca sỹ đứt thanh quản hay họa sỹ bị mù".
Nhưng Công Vinh không giải nghệ vì chấn thương, thậm chí anh còn thi đấu thêm 5 mùa bóng nữa sau khi điều trị khỏi chấn thương, và kết thúc sự nghiệp thi đấu đầy huy hoàng của mình trong sự tiếc nuối của người hâm mộ, sau trận cầu đầy cay đắng của đội tuyển Việt Nam trước Indonesia ở AFF Cup 2016.
Vậy sự khác nhau giữa Công Vinh và Minh Chiến, Thanh Phương là gì, khi chấn thương của tiền đạo người Nghệ An thậm chí được đánh giá là nặng hơn so với hai người đồng nghiệp. Đấy cũng chính là điều mà Xuân Trường, Đình Trọng và những học trò trong tay thầy Park hẳn phải lưu tâm, để không còn những nỗi buồn, sự xót xa nào thêm nữa.
2. Ngày ấy, cũng như Xuân Trường, Công Vinh được dự kiến sẽ có thể đá lại sau 6-7 tháng, nhưng rốt cuộc anh mất hơn 10 tháng để trở lại với sân cỏ. Nhưng chính quãng thời gian mất thêm đấy đã giúp cho tiền đạo này kéo dài sự nghiệp của mình đến hơn 5 năm nữa, và giải nghệ không phải bởi chấn thương, mà là để "tìm con đường khác" cho mình.
Đúng 2 tháng trước, "thần y" Choi Ju-young từng nhận định về sự phục hồi chấn thương của Đình Trọng: "Đình Trọng đang hồi phục tốt, có khả năng cầu thủ sinh năm 1997 này sẽ kịp tham dự SEA Games 30 vào cuối năm nay cùng đội tuyển U22 Việt Nam".
Sau đó, trong tay của ông, những chấn thương của Trọng Hoàng và Văn Hậu trong tay ông đều có sự phục hồi thần kỳ, để rồi cả hai tuyển thủ này đều kịp hồi phục để tham gia trận "đại chiến" với Thái Lan ở vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, dù trước đó chẩn đoán ban đầu cho thấy thời gian cần thiết để trở lại lâu hơn nhiều.
Với mục tiêu là chức vô địch, hẳn HLV Park Hang-seo cần Đình Trọng hơn bao giờ hết ở SEA Games 30. Nếu Đình Trọng có thể trở lại trong đội hình U22 Việt Nam ở giải đấu Đông Nam Á này, cơ hội lần đầu tiên bóng đá Việt Nam đoạt được tấm huy chương vàng SEA Games sau mấy chục năm chờ đợi hẳn sẽ tăng lên nhiều. Chắc hẳn nếu Đình Trọng bình phục kịp, HLV Park Hang-seo sẽ điền tên anh vào danh sách tham dự.
Nhưng hãy nhớ lại trận đại thắng đến 4-0 trước U23 Thái Lan của U23 Việt Nam ngay tại Mỹ Đình. Trước đó, Đình Trọng vẫn chưa bình phục chấn thương, song vẫn được HLV Park Hang-seo tung vào sân chơi hết trận. Sau khi trận đấu kết thúc, thầy Park đã tạo nên một hình ảnh tuyện đẹp khi dành cho trung vệ thép này cái ôm thay lời cảm ơn cậu học trò đã xả thân vì mình, vì bóng đá Việt Nam.
Không lâu sau đó, Đình Trọng gục ngã trên sân mà không cần tới bất cứ sự va chạm nào. Chấn thương đầu gối. Dây chằng. Với dự kiến ít nhất sẽ phải nghỉ thi đấu 6 tháng.
Sự khác nhau giữa Công Vinh và những danh thủ Việt Nam từng phải đau đớn giã từ sự nghiệp là gì? Công Vinh bỏ ra hơn 10 tháng để điều trị dứt điểm và tập luyện để phục hồi cho một chấn thương đáng lý ra chỉ cần 6 tháng là điều trị xong, dù phải "bơi" một mình ở tận Bồ Đào Nha xa xôi.
Bóng đá Việt Nam đang trên đỉnh của những ngày tháng vinh quang. Tất cả các tuyển thủ từ Văn Hậu, Trọng Hoàng cho đến Đình Trọng, Xuân Trường đều khát khao được cống hiến để những ngày tháng ấy dày thêm nữa, để được vinh dự được HLV chọn ra sân, khoác trên mình chiếc áo đấu làm rạng danh đất nước.
Nhưng để đổi lại bằng những gì mà Thanh Phương, Minh Chiến từng phải đánh đổi, liệu có đáng? Liệu có đáng để rồi phải "nhanh một thoáng, chậm một đời"?
Câu hỏi này, đừng hỏi Xuân Trường, Đình Trọng. Mà hãy hỏi thầy Park!