1. Giống như Việt Nam, phong tục ăn thịt chó đã có từ lâu đời và ghi dấu ấn đậm nét trong văn hóa ẩm thực của người Hàn Quốc - quê hương của HLV Park Hang-seo.
Bosintang - món lẩu thịt chó của người Hàn Quốc vốn là một món ăn cao cấp. Đây là một món ăn cực kỳ bổ dưỡng, giúp cơ thể phục hồi rất nhanh. Trung bình một bữa lẩu thịt chó dành cho 4 người ăn phải tốn ít nhất 1.000 USD.
Sau thất bại thảm thương trong tay HLV Hữu Thắng ở SEA Games 29, làn gió mới mà HLV Park Hang-seo đem đến cho bóng đá Việt Nam chẳng khác nào món lẩu chó huyền thoại của xứ sở Kim chi, chẳng những giúp U23 Việt Nam "đứng dậy" nhanh chóng, mà còn vươn tới chiến tích lịch sử mà chẳng mấy người có thể ngờ tới được.
Bosintang - lẩu thịt chó là một trong những món ăn cao cấp của người Hàn Quốc.
Cũng ngần ấy cầu thủ, nhưng U23 Việt Nam dưới tay HLV Park Hang-seo trở thành một tập thể đối lập hoàn toàn với sự yếu đuối, thất vọng mà HLV Hữu Thắng suốt 2 năm trời ghi dấu ấn trong lòng những người yêu bóng đá nước nhà.
Ở đấu trường châu Á, thay thế bộ mặt bạc nhược từng thất thủ đến 0-3 trước Thái Lan ở SEA Games là một U23 Việt Nam với tinh thần quyết thắng, ưỡn ngực đối đầu với những đội bóng hàng đầu châu lục và chỉ chịu gục ngã ở trận đấu cuối cùng - trận chung kết, ở những giây cuối cùng, làm vỡ òa rồi thổn thức biết bao trái tim của cả dân tộc Việt Nam.
Với riêng các cầu thủ trẻ, có cầu thủ chỉ mới 19 tuổi của U23 Việt Nam, những gì HLV Park đem lại quả là một nồi lẩu Bosintang thượng hạng. Những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Xuân Trường... nhận về mình sự tôn vinh của toàn dân tộc. Các thành viên trong đội tuyển ấy giờ đã là những người hùng dân tộc, với tiền đồ sáng rực rỡ phía trước.
Tết này, ngoài sự tôn vinh dành cho mình, mỗi cầu thủ U23 Việt Nam đều có được niềm vui đời thường hơn, nhưng chẳn kém phần quan trọng - tiền thưởng. Món tiền tỷ được thưởng ấy giúp họ rất nhiều trong cuộc sống, là tiền sửa nhà, trả nợ, mua quà cho bố mẹ, là sự dành dụm cho tương lai...
Bên cạnh đó, bản thân giá trị của từng cầu thủ sẽ được nâng cao, từ mức lương, tiền thưởng của CLB, cho đến giá trị hình ảnh, thương hiệu, cùng tương lai nghề nghiệp chói sáng phía trước. Nói một cách đơn giản, nó đưa các cầu thủ trẻ bước lên một bậc trong sự nghiệp của mình.
Nồi Bosintang mang đậm phong vị Hàn Quốc mang tên Park Hang-seo quả là một bữa tiệc vừa no, vừa sang, vừa "mát lòng mát ruột" cho cả các cầu thủ, cũng như người hâm mộ Việt Nam.
2. Từng cùng đội tuyển Hàn Quốc bước lên đỉnh vinh quang với ngôi thứ tư thế giới ở World Cup 2002, để rồi sau đó trôi dạt trong sự nghiệp huấn luyện, hẳn HLV Park Hang-sei biết rõ cái chân lý "lên không dễ, nhưng xuống thì dễ" của nghiệp bóng đá. Chiến tích vừa qua mà thầy trò HLV Park đạt được không hề dễ dàng, nhưng con đường phía trước mới là điều quan trọng.
Khi sự kỳ vọng chỉ là con số 0 tròn trĩnh, như thứ mà U23 Việt Nam từng sở hữu khi đặt chân đến sân chơi châu Á cùng HLV Park Hang-seo, sự kích động, ủng hộ của người hâm mộ sau mỗi thành quả qua từng trận đấu là thứ men say, là nguồn cảm hứng giúp các cầu thủ U23 Việt Nam chơi tốt hơn. Nhưng giờ đây, khi đã ở trên cao, sự kỳ vọng lại trở thành gánh nặng oằn vai.
Trong một buổi giao lưu sau thành công ở giải U23 châu Á, HLV Park Hang-seo đã chia sẻ rằng ông khuyến khích các cầu thủ của mình dùng thêm sữa và ăn thêm đậu phụ. Cũng theo ông, đấy cũng là điều góp phần giúp các cầu thủ Việt Nam tăng cường thể lực, chống chọi thành công với thời tiết khắc nghiệt ở Trung Quốc để thi đấu thành công.
Liệu chỉ trong vòng 3 tháng, sữa và đậu phụ có giúp được các cầu thủ U23 Việt Nam tăng cường thể lực? Hẳn nhiên là không rồi. Câu chuyện HLV Park Hang-seo nói mang nhiều tính vui vẻ, và phần nhiều mang tính biểu tượng.
Đậu phụ, cũng như thịt chó mang khá nhiều tính biểu tượng của văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Nếu như thịt chó là món ăn cao cấp, thì đậu phụ (hay đậu nành) đi vào từng bữa ăn của các gia đình Hàn Quốc, từ món tương đậu nành cho đến các món ăn phụ lẫn món canh đậu phụ đặc sắc của ẩm thực Hàn Quốc.
Nó là sự nhắc nhở cho các học trò nhìn lại những tháng ngày gian khổ sau thành công đến bất ngờ. Nó nhắc các cầu thủ trẻ tìm lại chính mình trong ngập tràn vinh quang đang vây quanh.
Tìm lại chính mình là nhiệm vụ quan trọng nhất của các cầu thủ U23 Việt Nam lúc này.
Không chỉ riêng việc không tự thỏa mãn với chính mình, đặt cái bản ngã, sự tự tôn của mình lên cao hơn mức bình thường, thử thách phía trước còn đến tự sự ganh tỵ của các cầu thủ "đàn anh" ở CLB. Chẳng thể tránh được, bởi họ đều là con người. Bài học của thủ thành Đặng Văn Lâm vẫn còn nóng hổi đấy thôi.
Đâu đó, người ta đã thấy thủ thành Bùi Tiến Dũng bị cuốn theo cuộc chơi ngoài bóng đá, để rồi dính vào những điều tiếng không hay ngay trong lúc phải giữ mình nhất.
Món đậu phụ còn đại diện cho tính kỷ luật, sự tự giác mang đậm phẩm chất của con người nói chung và thể thao Hàn Quốc nói riêng, cũng là những phẩm chất bắt buộc phải có được của những vận động viên đỉnh cao.
Chẳng phải Ánh Viên, Lê Quang Liêm - những vận động viên Việt Nam tiệm cận được tầm cao châu lục và thế giới đều phải "dùng cả tuổi thanh xuân của mình" để sống như khổ hạnh, khép mình vào kỷ luật, hi sinh nhiều thú vui và nhu cầu bản thân để có được những thành tích làm rạng danh bản thân và thể thao nước nhà đó sao?
Thành công vừa qua ở giải U23 châu Á là chiến tích kỳ vĩ, như một nồi Bosintang thượng hạng, để rồi ở những giải đấy phía trước như ASIAD hay AFF Cup, người hâm mộ nước nhà chắc hẳn sẽ thất vọng lắm nếu thành tích của các cầu thủ Việt Nam chỉ nằm ở mức "đậu phụ". Dẫu có được chế biến ngon đến mấy, thì đậu phụ vẫn chẳng thể nào làm thỏa mãn vị giác bằng nổi lẩu chó ngon lành.
Bởi thế, các cầu thủ với tên tuổi lẫy lừng ngày hôm nay sẽ phải tập dần với những miếng đậu phụ dân dã, có như thế mới nỗ lực hết mình lại thêm lần nữa dâng tặng người hâm mộ món Bosintang thơm nức mũi.
Cảm ơn ông, HLV Park Hang-seo vì "món ăn tinh thần" hảo hạng "made in Korea", nhưng hãy nhớ rằng cũng đừng nên quay lưng lại nếu ngày nào đó nhà cầm quân lão luyện này chỉ có thể dọn ra trước mặt người hâm mộ món đậu phụ bình dân. Đấy mới là tinh thần của những người yêu bóng đá chân chính.