Sau một năm bùng nổ, nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ "lâm vào đường cùng" trong năm 2022

Linh Anh |

Được thúc đẩy bởi một đợt tái thiết hàng tồn kho khi người dân rủng rỉnh tiền mặt, năm 2021, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984. Tuy nhiên, đừng mong đợi điều đó sẽ lặp lại vào năm 2022.

Một loạt những thách thức đe dọa tăng trưởng của Mỹ

Trên thực tế, năm 2022 đang bắt đầu với rất ít dấu hiệu tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt vì biến thể Omicron cộng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm quy mô kích thích kinh tế. Phố Wall gần như đã thay đổi những dự báo của họ về tăng trưởng GDP của Mỹ.

Hiện tại, FED đã báo hiệu rằng họ sẽ thay đổi mạnh mẽ chính sách tiền tệ được mô tả là lỏng lẻo bậc nhất trong lịch sử sang những chính sách diều hâu hơn. Điều này đã khiến bức tranh thay đổi đáng kể. Theo công cụ dự báo GDPNow của FED Atlanta, GDP Mỹ quý đầu tiên của năm 2022 chỉ tăng 0,1%.

"Nền kinh tế đang giảm tốc và đi xuống. Đó không phải một cuộc suy thoái nhưng có thể sẽ khác nếu FED trở nên quá diều hâu", Joseph LaVorgna, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Mỹ tại Natixis và là cựu nhà kinh tế trưởng của Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhận định.

Sau một năm bùng nổ, nền kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ lâm vào đường cùng trong năm 2022 - Ảnh 1.

GDP tăng mức ấn tượng 6,9% trong quý 4/2021 đã kết thúc một năm kỷ lục, trong đó chỉ số của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất tại Mỹ đều tăng 5,7% so với 1 năm trước. Điều này xảy ra sau sự sụt giảm 3,4% do đại dịch vào năm 2020, biến nó trở thành cuộc suy thoái mạnh nhất nhưng cũng ngắn nhất trong lịch sử nền kinh tế số 1 thế giới.

Tuy nhiên, con đường phía trước bất định hơn rất nhiều.

Phần lớn cú tăng cuối năm ngoái được thúc đẩy bởi việc tái thiết hàng tồn kho (cơn sốt hàng hóa khiến các mặt hàng tồn kho cũng được bán mạnh), trong đó đóng góp 4,9 điểm phần trăm, tương đương 71% trong tổng số. Hàng tồn kho cũng đóng góp gần như toàn bộ cho mức tăng GDP 2,3% của quý 3.

Một cuộc khảo sát của ISM Manufacturing cũng cho thấy tốc độ của các đơn đặt hàng mới, dù vẫn tăng, nhưng về cơ bản đã chậm lại.

Tổng hợp tất cả, đó rõ ràng không phải công thức để tăng trưởng bền vững.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết: "Hàng tồn kho gần như đã trở lại đúng vị trí của chúng. Sau đó, bạn phải đối mặt với những trở ngại ngày càng tăng từ chính sách tài khóa và tiền tệ. Vì thế, tăng trưởng của đầu năm mới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng".

Các chuyên gia "quay xe"

Các nhà kinh tế nhanh chóng nhận ra điều đó và tiến hành điều chỉnh dự báo tăng trưởng của mình. Goldman Sachs đã giảm triển vọng GDP quý đầu tiên xuống 0,5% từ mức 2% mà họ đưa ra trước đó. Ngân hàng này cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm xuống còn 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 3,8% mà họ đưa ra trước đây.

Nhà kinh tế Ronnie Walker của Goldman cho biết: "Tăng trưởng có thể chậm lại đột ngột vào năm 2022 khi mà các biện pháp hỗ trợ tài chính mất dần và thời gian tới đây, sự lây lan của virus chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chi tiêu dịch vụ và kéo dài thêm những gián đoạn với chuỗi cung ứng. Tăng trưởng quý 1 có thể sẽ đặc biệt yếu vì lực cản tài khóa đi kèm với cú huých từ Omicron".

Tương tự như vậy, Bank of America đã giảm dự báo tăng trưởng quý 1 xuống còn 1% so với 4% trước đó. Dự báo tăng trưởng cả năm cũng được cắt giảm từ 4% xuống còn 3,6% và có thể còn giảm hơn nữa.

Ethan Harris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế toàn cầu của Bank of America, đã trích dẫn 4 lý do khiến triển vọng tăng trưởng giảm xuống. Chúng bao gồm sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron, hàng tồn kho giảm mạnh, hỗ trợ tài chính ít hơn và việc FED thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.

"Theo quan điểm của chúng tôi, rủi ro về tăng trưởng âm trong quý đầu tiên là đáng kể", bà Harris nói.

Ngoài ra, Bank of America còn có một vấn đề khác trong dự báo của mình. Họ tin rằng FED có thể 7 lần tăng lãi suất với mức 0,25 điểm phần trăm mỗi lần trong năm nay. Đây có lẽ là đánh giá bi quan nhất về chính sách lãi suất của FED.

Mark Zandi nói rằng FED cần phải cận trọng để không đi quá xa trong cuộc chiến chống lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm qua.

"FED có nguy cơ làm quá. Thị trường nghiêng về phía FED có thể tăng lãi suất 5 lần trong năm 2022. 6 lần tăng cũng là ý kiến đang được thảo luận. Nó tạo cảm giác rằng FED có thể tăng lãi suất nhiều hơn cần thiết 1 đến 2 lần, tạo ra một cơn gió ngược đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ", Zandi nói.

Trong 2 chu kỳ tăng lãi suất gần nhất, FED đều báo hiệu cho thị trường về quan điểm của mình. Tuy nhiên, các nhà đầu tư hoàn toàn không biết FED dưới thời Chủ tịch Jerome Powell sẽ hành động ra sao.

Ở thời điểm hiện tại, người ta chỉ có thể chắc chắn rằng FED sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên vào tháng 3 sau khi giảm lãi suất về mức gần 0 từ 2 năm trước. Trong lần tăng lãi đầu tiên, FED thường thận trọng với 0,25 điểm phần trăm. Tuy nhiên, lạm phát kỷ lục của nước Mỹ khiến nhiều người lo sợ FED sẽ tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm ngay trong lần đầu tiên.

Nếu điều này là sự thực, nó có thể tạo ra một cú sốc với nền kinh tế Mỹ. Ngoài ra, FED cũng để ngỏ việc tăng lãi suất trong mỗi cuộc họp thường kỳ của mình, làm dấy lên những bất định xung quanh chính sách lãi suất của Ngân hàng trung ương Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại