-Theo quan sát của ông, tình hình du lịch tại Huế đang diễn ra như thế nào?
Ngay khi chuyển qua trạng thái bình thường mới, ngành du lịch của tỉnh ghi nhận thông tin không tốt. Số lượng lao động bị nghỉ việc lên đến hàng nghìn người. Ví dụ khoảng 1.200 người trong lĩnh vực lưu trú nghỉ không lương, không hỗ trợ.
Dù vậy, đó vẫn chỉ là bề nổi. Là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, du lịch bị tác động sẽ kéo nhiều hoạt động khác như thương mại, sản xuất, nông nghiệp... ảnh hưởng theo.
Đến nay, sau gần 1 tháng, du lịch Huế đang có những chuyển biến tích cực. Sở Du lịch, các đơn vị lữ hành, lưu trú đang cố gắng kết nối với nhau để xây dựng các tour, tuyến.
Vừa rồi tỉnh cũng bắt đầu khởi động các hoạt động hỗ trợ, kích cầu thông qua việc miễn vé 100% các điểm tham quan trong dịp lễ 30/4 – 1/5.
Tôi thấy tinh thần các doanh nghiệp trong ngành đang có nhiều chuyển biến, quyết tâm đưa ngành trở lại như xưa.
-Vậy đâu là những kiến nghị thường được các doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ?
Lúc dịch đang xu hướng đi xuống, tỉnh đã chỉ đạo Sở Du lịch triển khai Đề án đánh giá mức độ tác động, thiệt hại, đưa ra giải pháp kích cầu du lịch.
Khảo sát các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành cho thấy kiến nghị được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1 là những kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương như giãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, giá điện... Hay đề xuất Bộ GTVT, cục Hàng không về giảm chi phí bay, tăng tần suất chuyến...
Nhóm 2 liên quan đến tỉnh. Theo đó, họ đề nghị việc giảm vé vào các điểm tham quan, di tích, điều chỉnh giá nước, hỗ trợ truyền thông, quảng bá điểm đến và hạn chế thanh kiểm tra. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề cập đến việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lưu trú...
-Những đề xuất với tỉnh đã được giải quyết đến đâu?
Khi nhận được kiến nghị, tỉnh đã họp Hội đồng nhân dân để xử lý. Về giảm giá vé, chúng tôi quyết định áp dụng ngay.
Với giảm giá nước, tỉnh đã giao cho Đại diện phần vốn Nhà nước tại CTCP Cấp nước để có biện pháp chia sẻ lợi ích của công ty với các doanh nghiệp khó khăn. Việc giảm sẽ tập trung vào thứ tháng 5 trở đi, tức là tháng mà doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trử lại.
Về quảng bá điểm đến, tỉnh đã chỉ đạo Sở Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển, Sở TTTT phối hợp với doanh nghiệp làm ra các gói kích cầu. Chúng tôi cũng yêu cầu các cơ quan Thuế, Thanh tra điều chỉnh kế hoạch thanh kiểm tra, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.
Nói chung, kiến nghị của doanh nghiệp lên tỉnh cơ bản được xử lý.
-Nhắc đến công nghệ, gần đây Huế được nhắc đến là điểm sáng về chuyển đổi số, làm đô thị thông minh. Công nghệ có được tính đến để hỗ trợ du lịch hay không?
Thật ra có quá nhiều vấn đề tỉnh cần làm khi ứng dụng CNTT. Riêng với du lịch, chúng tôi đang triển khai mấy việc.
Một là phục dựng, tạo ra những mô hình dựa trên công nghệ 3D giúp cho khách tham quan được chiêm ngưỡng những di tích, hiện vật mà điều kiện bình thường không cho phép. Cái này đã có nhà đầu tư.
Huế đã phát triển được bước 1, là ứng dụng trong Đại Nội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phối hợp với doanh nghiệp số hoá toàn bộ tài liệu các di tích, trong đó, có bổ sung phần phục dựng 3D.
Hai là tỉnh đang cố gắng triển khai trong năm 2020 hệ thống xe đạp thông minh để phục vụ du khách.
Ba là trong tháng 7, chúng tôi sẽ bước đầu thử nghiệm ứng dụng không dùng tiền mặt để tháng 8 chính thức công bố và vận hành.
Ứng dụng này hiểu là khi khách đến Huế, họ sẽ được mua một tấm thẻ - mệnh giá cao nhất là 5 triệu đồng hoặc nạp tiền nhiều lần. Khi dùng thẻ này thanh toán ở tại các cửa hàng trong hệ thống, khách sẽ được mức chiết khấu rất hấp dẫn.
Tấm thẻ này không chỉ là câu chuyện không dùng tiền mặt, hơn thế, tỉnh có thể quản lý được các hệ thống cửa hàng trên địa bàn từ chất lượng, giá cả... giúp phục vụ khách hàng tốt nhất.
Bên cạnh đó, thẻ cũng được gắn với cơ sở dữ liệu về lưu trú, bán vé di tích. Những hoạt động này trước nay chỉ làm thủ công, không đo lường được, hoặc đo lường chỉ kiểu hú hoạ, cứ nghĩ bán nhiều vé, bán nhiều điểm có nghĩa là khách lưu trú lâu hơn nhưng hoá ra không phải.
Chúng tôi đang tìm cách kéo dài thời gian lưu lại của khách, do vậy dữ liệu là cần thiết để tạo ra các chính sách ưu đãi uyển chuyển, phục vụ đúng mục tiêu.
Nói chung, trong năm nay, cơ bản các gói công nghệ này sẽ được áp dụng.
-Ông có thể cho biết những kịch bản kích cầu du lịch đã được Huế tính đến? Sát Huế, Đà Nẵng đã đưa ra chương trình Danang Thank you với những ưu đãi khủng. Điều này liệu có trở thành áp lực với tỉnh?
Kích cầu ở đây có 2 vấn đề. Một là tạo nền cho các doanh nghiệp để họ kích cầu. Ví dụ như giảm giá vé điểm tham quan, di tích mà tôi đã nói ban nãy. Ngoài đợt lễ vừa qua, tỉnh sẽ tiếp tục giảm 50% phí từ tháng 5 đến tháng 8, dự kiến miễn vé 100% các phí tham quan di tích trong dịp Festival 2020 và tiếp tục giảm 50% phí tham quan trong thời gian còn lại của năm.
Tỉnh cũng yêu cầu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tặng miễn phí chương trình biểu diễn tại Đại Nội. Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc với các Sở, ngành để hoàn thiện các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp. Dựa trên nền tảng đó, Sở Du lịch, các doanh nghiệp đã ngồi lại để đưa ra các hướng kích cầu.
Đầu tiên là gói riêng của tỉnh, đề nghị cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên thực hiện chương trình nghỉ 3 đêm trả tiền 2. Áp dụng giá phòng giảm từ 25 – 50%, tặng thêm các khuyến mãi như phục vụ miễn phí 1 bữa, đưa đón sân bay...
Đối với các đơn vị lữ hành, họ cũng cam kết giảm từ 30 – 50% trên giá công bố.
Thứ hai là gói "Huế điểm đến an toàn" – tour 2 ngày 3 đêm gồm vé máy bay, phòng khách sạn 4 sao, vé tham quan, ở mức giá hơn 2 triệu đồng, bằng 50% giá niêm yết.
Hiện nay chúng tôi vẫn đang làm việc với các doanh nghiệp để đưa thêm nhiều gói kích cầu khác.
Trong quá trình xây dựng, Sở Du lịch Huế đã kết hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam để đưa ra các gói có tính chất tương đồng. Đến 30/5, 3 địa phương sẽ có hội nghị để công bố các chương trình khuyến mãi, cam kết quảng bá chung.
Hiện dòng du khách chủ yếu là nội địa. Tuy nhiên, bản thân họ cũng đang tập trung cho phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch nên thời gian du lịch thường rơi vào cuối tuần. Do vậy, một địa phương sức hút sẽ không đủ lớn, kết hợp lại mới tạo ra được sự đa dạng.
-Vì Covid-19, Festival Huế 2020 đã bị dời lại đến cuối tháng 8. Một Festival trong bối cảnh bình thường mới sẽ có gì, thưa ông?
Từ 2000, cứ 2 năm 1 lần Huế lại tổ chức Festival với chủ đề xuyên suốt là Di sản và Hội nhập. Tỉnh muốn đưa lễ hội này lên tầm quốc tế nên các đoàn biểu diễn, khách quốc tế không ngừng tăng qua mỗi kỳ.
Nhưng Festival 2020 là 1 lễ hội hoàn toàn khác. Nó giống như sự xuất hiện không báo trước của Covid-19, những gì trước đây không còn đúng nữa. Mục tiêu của Huế năm nay thay đổi.
Huế xác định Festival 2020 là điểm nhấn khẳng định sự trở lại của du lịch Huế, khẳng định nội lực của tỉnh.
Chúng ta gần như không có đoàn biểu diễn hay du khách ở nước ngoài, cũng không có nhiều kinh phí để thuê những đoàn nổi tiếng trong nước.
Thay vào đó, Huế sẽ huy động, sử dụng toàn bộ nội lực văn hoá, quan hệ bấy lâu nay để làm nên lễ hội. Đây là dịp để Huế nhìn nhận và xây dựng những kịch bản phát triển văn hóa, du lịch trên lợi thế, tiềm năng và sự năng động, sáng tạo của mình.
Tinh thần ở đây là lấy nội lực làm chủ đạo. Qua việc phát huy tất cả các giá trị vốn có, mọi người sẽ có dịp nhìn nhận lại mình rồi có những đóng góp sâu hơn cho các kỳ festival tiếp theo.
Bên cạnh đó, Festival 2020 sẽ hướng đến giới trẻ. Huế cũng sẽ thay đổi những mô tuýp trong quá khứ. Tóm lại, đây là cơ hội để làm mới Festival Huế.
-Nhắc đến giới trẻ, thường thì du khách đến Huế đa phần là người châu Âu, lớn tuổi. Vậy làm thế nào để thuyết phục nhóm khách trẻ lựa chọn Huế?
Huế có cả hệ thống di sản nhưng phải nói rằng lâu nay, du lịch tỉnh chỉ tập trung mạnh vào khai thác di tích, chưa đi sâu vào khai thác di sản một cách đủ.
Khi khách đến, chúng ta chỉ đưa họ đi tham quan đền, đài, lăng tẩm, kể một số câu chuyện, nó vô cùng nhỏ bé so với di sản – chứa đựng phần hồn rất lớn đằng sau. Đó là chuyện thứ nhất.
Thứ hai, trong bán kính 15 km, Huế có tất cả địa hình, cảnh quan sinh thái rất tuyệt vời. Chung quanh Huế cũng có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho du lịch như biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, núi Bạch Mã, các thác nước tại huyện A Lưới, Nam Đông... Nhưng vì chúng ta quá dễ dãi trong khai thác nên đã bỏ qua nhiều thế mạnh nổi trội.
Đây là dịp để Huế nhìn lại. Các tour sau dịch sẽ được thiết kế mới, di tích chỉ là một phần bên cạnh những điểm đến sinh thái, cảnh quan...
Huế thời gian gần đây cũng xuất hiện nhiều trên phim ảnh ví dụ như Mắt Biếc, Gái già lắm chiêu 3 hay MV ca nhạc của Hoà Minzy... được rất nhiều người trẻ yêu thích. Sắp tới sẽ là các phim Em và Trịnh, Kiều, Gái già lắm chiêu 4...
Điều này chứng tỏ những gì Huế đang có rất thu hút mọi người. Tỉnh có nhiều nét tương đồng với người trẻ chứ không như quan điểm trước đây, Huế là thành phố cổ kính chỉ phù hợp với người già.
Câu chuyện, bối cảnh, giá trị văn hoá lịch sử chúng ta đều có rồi. Những điều này tôi tin người trẻ nào cũng mong muốn được tìm hiểu. Quan trọng là bước tiếp theo Huế sẽ hành động như thế nào.
Trước đây, chúng tôi không xác định rõ đối tượng khách hàng, chủ yếu dựa vào nguồn khách truyền thống là khách Âu. Nhưng rồi truyền thông quảng bá không đến được với họ, trong khi thị trường nội địa bị bỏ rơi. Giờ chúng tôi quay lại, phải làm tốt thị trường nội địa đầu tiên, bằng những thế mạnh của chính mình.
-Ông có thể chi biết những hành động tiếp theo của tỉnh để tiếp tục giữ "sức nóng" hấp dẫn cho giới trẻ?
Huế đang có chủ trương quảng bá Huế qua phim ảnh, video âm nhạc. Do đó tất cả các đoàn phim khi tiếp cận với tỉnh đều được hỗ trợ. Như đoàn quay của Hoà Minzy tuy không đặt vấn đề trực tiếp với tỉnh nhưng tất cả đơn vị bên dưới đã được quán triệt tinh thần nên khi tiếp nhận thông tin mặc nhiên hỗ trợ.
Tương tự, Mắt Biếc của đạo diễn Victor Vũ cũng đã được chính quyền, người dân huyện Quảng Điền nhiệt tình giúp đỡ.. Sau này khi làm việc với Vũ, anh ấy có nói rằng rất trân quý địa phương.
Với những bộ phim mới sau này, chúng tôi đều có hỗ trợ từ tỉnh xuống. Đoàn làm phim đưa ra danh mục cảnh quay, thời gian, công việc cần hỗ trợ... trên cơ sở đó, tỉnh sẽ giao nhiệm vụ cho từng ban ngành.
Chúng tôi có một nhóm bạn trẻ chuyên đi theo các đoàn làm phim để giúp đỡ. Đồng thời, mỗi bộ phim, chúng tôi có 1 group zalo gồm lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo và chuyên viên các sở, ngành, địa phương liên quan để hỗ trợ đoàn làm phim. Mọi vấn đề sẽ được tháo gỡ trước hoặc khi phát sinh sẽ được xử lý ngay.
Chúng tôi xác định đây không phải là câu chuyện tỉnh hỗ trợ mà là tỉnh cùng với đoàn làm phim quảng bá Huế. Xác định như vậy để không có nhầm lẫn: Những người làm chính quyền nghĩ rằng mình hỗ trợ nên thích thì làm, không thích thì thôi. Đây là một nhiệm vụ, phải rõ ràng như thế.
-Với những địa điểm đã bắt đầu thành danh tỉnh sẽ khai thác như thế nào, hay trước mắt vẫn là câu chuyện tập trung quảng bá?
Nếu như trước đây với Mắt Biếc, đạo diễn chủ động hoàn toàn thì với các phim tỉnh vào cuộc sau này, chúng tôi có gợi ý thêm một số điểm đến phù hợp bối cảnh nhưng giúp cho địa phương có điểm nhấn, phục vụ phát triển du lịch sau này. Đó là sự kết hợp hài hoà. Ở đây chúng tôi rất tôn trọng đạo diễn, chỉ là chúng tôi gợi ý thêm để họ cân nhắc.
Bước tiếp theo, tỉnh có chỉ đạo để địa phương sở hữu địa danh xuất hiện trên phim, kết nối, làm việc với các doanh nghiệp du lịch để tìm cách quảng bá, "đóng gói" sản phẩm. Mục tiêu và cách làm đang là như vậy.
-Sau khi MV Không thể cùng nhau đi suốt kiếp, kể về câu chuyện của Hoàng hậu Nam Phương lên sóng, Hoà Minzy đã đăng dòng trạng thái rất phấn khích khi nhận được lời cảm ơn trực tiếp của ông trên Facebook. Điều gì khiến ông hành động khác biệt như vậy?
Thứ nhất, tôi cũng khá quen với tương tác trên mạng. Vì thích CNTT nên tôi dùng các mạng xã hội từ xưa, hồi còn Blog, Opera, Yahoo... thế nên tương tác kiểu đó là rất bình thường, không có gì gượng ép.
Thứ hai, tôi thấy các bạn đó làm được những việc có ý nghĩa cho Huế như vậy thì cần có cảm ơn. Qua đó, khích lệ các bạn hoặc các nhóm khác tiếp tục phát triển những MV chuyển tải câu chuyện lịch sử một cách tinh tế, đưa lịch sử vào đời sống.
Tuy nhiên, nếu tôi sử dụng một văn bản có tính chính thức từ chính quyền thì đôi khi nó sẽ tạo ra một tình huống khó xử. Như bạn Hoà Minzy là do tôi biết được nên tôi cảm ơn. Nhưng thực tế, có rất nhiều người khác đang đóng góp cho Huế một cách lặng thầm, do vậy, một văn bản cảm ơn chính thức từ tỉnh sẽ không công bằng lắm.
Lời cảm ơn là sự tương tác dưới góc độ vừa là lãnh đạo tỉnh, nhưng cũng là một người trên mạng xã hội, chia sẻ quan điểm cá nhân.
-Thường thì lãnh đạo các tỉnh ít khi xuất hiện trên mạng xã hội. Tại sao ông lại làm điều ngược lại: Xuất hiện với tên chính danh, thường xuyên chia sẻ quan điểm? Điều này có phiền không?
Tất nhiên giai đoạn đầu thì cũng có chút ngại đấy!
Nhưng như tôi nói rồi, tôi dùng facebook từ khi còn là nhân viên bình thường nên nó đi theo một tiến trình thôi. Không phải làm lãnh đạo tôi mới dùng facebook.
Điều quan trọng nhất là tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức trong tỉnh thấy ổn với điều đó. Chứng tỏ nội bộ tỉnh có sự đoàn kết, nhất trí cao và nhất quán trong các quan điểm, định hướng, chính sách quản lý, phát triển.
Những vấn đề tôi đưa lên đều nằm trong các chủ trương, định hướng, chính sách, quyết sách của tỉnh. Nhiều vấn đề đã được bàn thảo, thống nhất quán triệt trong nội bộ lãnh đạo tỉnh rồi. Mọi người cũng hiểu là không phải mình nhân danh để đánh bóng bản thân hay làm điều gì không đúng.
Là công chức lãnh đạo, tôi tin ai cũng mong muốn chuyển tải, tuyên truyền đến mọi người dân chủ trương, chính sách của Đảng, chính quyền cũng như mong muốn lắng nghe các ý kiến của người dân.
Mỗi người, tùy theo sở trường của mình sẽ chọn một cách thức khác nhau. Cá nhân tôi thì quen sử dụng công cụ mạng xã hội nên chọn thêm kênh này ngoài những kênh truyền thống, chính tắc khác.
Khi làm chính sách, có nhiều vấn đề khi đưa lên trang chính thống, chưa chắc nó đã tiếp cận một cách đầy đủ được với người dân. Tỉnh cũng chỉ đạo UBND, các sở, ngành có trang facebook để bổ trợ thêm cho các cổng thông tin chính thống trong việc tương tác với người dân, doanh nghiệp.
Cảm ơn ông!