Các nhà điều tra quốc tế cho rằng máy bay dân dụng MH17 bị bắn rơi bởi tên lửa 9M38 thuộc tổ hợp phòng không Buk-M1 do Nga sản xuất, được phóng đi từ vùng lãnh thổ phía Đông Ukraine - nơi lực lượng nổi dậy thân Nga kiểm soát, khiến toàn bộ 298 hành khách cùng phi hành đoàn thiệt mạng.
Đội điều tra chung (JIT) còn cho biết đã xác định 100 nghi phạm có liên quan đến vụ bắn hạ máy bay MH17, tuy nhiên họ chưa công bố danh tính cụ thể những nghi phạm trên.
Tên lửa đất đối không 9M38 của tổ hợp Buk-M1
Kết luận điều tra của JIT hoàn toàn trùng hợp với những cáo buộc mà Mỹ cũng như phương Tây đưa ra trước đó, gần như chắc chắn các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt nặng nề hơn.
Không chỉ có vậy, khi đã bị quy trách nhiệm trực tiếp, quan hệ Nga - Malaysia đang đứng trước giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử, đặc biệt là hợp tác quốc phòng.
Malaysia từng bày tỏ ý định đặt mua hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2 của Nga
Tại Triển lãm quốc tế về vũ khí và thiết bị quân sự lần thứ 15 (DSA-2016) tổ chức tại Malaysia, Tư lệnh lực lượng phòng không nước chủ nhà đã thăm gian triển lãm của Cục thiết kế chế tạo khí cụ KBP, ông ta đặc biệt chú ý đến tổ hợp tên lửa phòng không tối tân tầm trung và tầm ngắn của Nga là Buk-M2 và Pantsir-S1.
Được biết trước đó Malaysia đã tìm hiểu các hệ thống phòng không khác nhau và nhận định rằng sản phẩm của Nga nổi trội hơn so với loại của Pháp, Anh, Mỹ hay Trung Quốc.
Trong biên chế Quân đội Malaysia vũ khí Nga chiếm tỷ trọng khá lớn, tập trung chủ yếu vào không quân, bao gồm 18 tiêm kích hạng nhẹ MiG-29N, 18 chiến đấu cơ đa năng Su-30MKM cùng 12 trực thăng đa dụng Mi-171.
Moscow cũng đã xây dựng một Trung tâm huấn luyện bay rất bề thế trong năm 2011 và sau đó là một Trung tâm sửa chữa kỹ thuật vào năm 2012 tại Malaysia.
Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1, phiên bản sử dụng khung gầm xe bánh xích
Tuy nhiên với diễn biến mới nhất, không loại trừ khả năng Malaysia sẽ học tập phương Tây áp đặt lệnh cấm vận lên các công ty quốc phòng Nga, trong đó có Tập đoàn Almaz-Antey, đơn vị chế tạo hệ thống tên lửa phòng không Buk.
Mặc dù có thể giới chức quốc phòng Malaysia không hoàn toàn mong muốn điều đó, nhưng nếu phải chịu áp lực lớn từ dư luận trong nước, đặc biệt từ người nhà các nạn nhân đã thiệt mạng thì họ sẽ rất khó can thiệp vào.
Nếu vậy, trừ khi vụ việc được giải quyết một cách triệt để bằng hành động nhận trách nhiệm đi kèm một thỏa thuận đền bù hợp lý, còn nếu không, cửa cho vũ khí Nga tiếp tục thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng như Malaysia gần như đã hoàn toàn đóng lại.