Sau hai ngày giông bão, người Cộng hòa cũng sắp mất hết kiên nhẫn với ông Trump

Ngọc Anh |

Hai ngày qua, khi những thông tin "bom tấn" xuất hiện trên truyền thông Mỹ, uy tín của Tổng thống Trump đã bị đe dọa nghiêm trọng và Nhà Trắng trở nên hỗn loạn nhất trong hơn 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Thông tin bất lợi đầu tiên cho Trump là việc báo Washington Post đăng tải về việc Tổng thống tiết lộ thông tin tình báo nhạy cảm về IS cho Nga trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.

Chưa đầy 24 giờ tiếp theo, báo New York Times lại đăng thông tin về việc Trump "cản trở công lý" khi từng yêu cầu cựu Giám đốc FBI James Comey ngừng điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn – người phải từ chức vì đã nói dối về các cuộc điện thoại giữa ông và đại sứ Nga tại Mỹ.

Các báo đăng hai thông tin "bom tấn" đó cho tới nay đều chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể cho các cáo buộc của mình, mà họ chỉ là dựa vào các "nguồn tin". Tuy nhiên, như vậy cũng đã đủ để dư luận dậy sóng.

Nếu những người Dân chủ đã lên tiếng kêu gọi luận tội Tổng thống Trump, thì những nghị sỹ Cộng hòa, vốn đã rất mệt mỏi với việc phải bảo vệ Trump qua các cuộc khủng hoảng, cũng đã gần như mất kiên nhẫn và trở nên hoàn toàn tức giận với ông.

"Một lần nữa, chúng ta lại phải đối mặt với những câu chuyện không thể giải thích nổi xuất phát từ một Nhà Trắng đang gặp rất nhiều phiền phức", nghị sỹ Cộng hòa Barbara Comstock nói.

Lãnh đạo đa số ở Thượng viện, nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnel trả lời trên kênh Bloomberg rằng: "Chỉ cần ít kịch tính từ Nhà Trắng đi thì chúng ta đã có thế tập trung hơn rất nhiều vào các công việc khác trong kế hoạch [xóa bỏ Obamacare, giảm thuế,...]"

"Ít rắc rối hơn từ Nhà Trắng sẽ là một điều tốt", Thượng nghị sỹ John Thune, một thành viên ban lãnh đạo đảng Cộng hòa đã than phiền với các phóng viên.

Nhiều người Cộng hòa nhận xét rằng Nhà Trắng đang có vấn đề với việc thực hiện các chức năng của mình.

Dưới thời Trump, Nhà Trắng cũng thường lâm vào tình trạng phải đi giải thích cho các hành động của Tổng thống, nhưng những lời giải thích đó sau đó trở nên mâu thuẫn, không thống nhất với các diễn biến tiếp theo hoặc chính phát ngôn của ông Trump.

Những người thân cận nhất với Trump như Phó Tổng thống Mike Pence hay Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer đều từng bị lâm vào cảnh "loanh quanh không biết nói gì" hoặc truyền đạt thông tin mâu thuẫn tới các phóng viên.

Ví dụ, trong cáo buộc Trump tiết lộ thông tin tình báo tối mật cho Ngoại trưởng Nga, mới đầu, Nhà Trắng bác bỏ hoàn toàn thông tin đó. Nhưng sau đó, Nhà Trắng lại chuyển sang luận điểm là những hành động của Tổng thống là "hoàn toàn đúng đắn".

Trong lúc đó, bản thân Tổng thống Trump viết trên Twitter rằng mình có "quyền tuyệt đối" khi chia sẻ các thông tin cho Nga để hợp tác chống khủng bố.

Quan điểm mạnh mẽ về an ninh quốc gia từ lâu đã là một trong những thế mạnh chính trị của phía Cộng hòa. Một trong những khẩu hiệu tranh cử của Trump là "Donald Trump sẽ bảo vệ các bạn. Ông ấy là người duy nhất có thể làm điều đó". Thế mạnh này đang bị đe dọa khi những "nghi án" nhạy cảm về an ninh quốc gia liên tục xuất hiện trên báo chí.

"Liệu chúng ta có thể có một ngày yên ổn không có khủng hoảng không? Đó là tất cả những gì tôi muốn", thượng nghị sỹ Cộng hòa Susan Collins phát biểu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại