Sau đám cưới của Công chúa Nhật Bản, vương triều lâu đời nhất thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt thành viên

J.D |

Sự rời đi của Công chúa Mako khiến Hoàng gia Nhật thêm neo người, khi chỉ còn 17 thành viên gồm 3 người có khả năng kế vị.

Ngày 26/10, Công chúa Mako - cháu gái của Nhật hoàng Naruhito cuối cùng đã có một đám cưới với Kei Komuro sau 4 năm kết hôn. Theo quy định của Nhật Bản, phụ nữ hoàng gia nếu kết hôn với một thường dân sẽ phải từ bỏ tước vị của mình.

Công chúa Mako cũng vậy. Cô lựa chọn từ bỏ mọi thứ để được ở cạnh người mình yêu. Cô thậm chí còn từ bỏ số tiền 152 triệu yen (khoảng 1,3 triệu đô) vốn sẽ là của hồi môn - người đầu tiên làm như vậy kể từ sau Thế chiến thứ II.

Nhưng câu chuyện là với sự rời đi của Công chúa Mako, Hoàng gia Nhật Bản hiện tại chỉ còn 17 người, gồm 5 nam và 12 nữ.

Sau đám cưới của Công chúa Nhật Bản, vương triều lâu đời nhất thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt thành viên - Ảnh 1.

Công chúa Mako và hôn phu Kei Komuro

Hoàng gia lâu đời nhất ngày càng "vắng người"

"Đó là sự khác biệt hoàn toàn so với những gì được trông chờ ở một phụ nữ hoàng gia," - Shihoko Goto, phó giám đốc địa kinh tế của Trung tâm Center, cơ sở tư vấn chính sách tại Washington, Hoa Kỳ. "Cô ấy đã chuẩn bị để từ bỏ những lợi ích kinh tế và đưa bản thân rời khỏi nơi an toàn, thoải mái và đầy danh vọng để đi theo một con đường riêng."

Sau Thế chiến II, Hoàng gia Nhật Bản có 67 thành viên. Với sự rời đi của Công chúa Mako, con số chỉ còn 17, trong đó chỉ có 3 người có thể kế vị: chú của Nhật hoàng Naruhito - Thân vương Masahito (85 tuổi); Thân vương Fumihito (55 tuổi) - em trai ông; và Hoàng tử Hisahito (15 tuổi) - cháu trai Nhật hoàng, cũng là em trai của Công chúa Mako.

Sau đám cưới của Công chúa Nhật Bản, vương triều lâu đời nhất thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt thành viên - Ảnh 2.

Các thành viên của Hoàng gia Nhật Bản trong một lần xuất hiện trước công chúng

Hoàng gia Nhật Bản nằm trong số các thể chế quân chủ thời hiện đại chỉ áp dụng kế vị cho nam giới, bên cạnh Arab Saudi, Oman và Morocco (Ma-rốc).

Đám cưới của Công chúa Mako đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, trong đó có cả lời kêu gọi về việc cho phép các phụ nữ hoàng tộc trở thành nhánh có thể kế vị. Đó là để củng cố và kế tục nền quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất thế giới, đồng thời cũng phù hợp với quan điểm hiện đại về bình đẳng giới hiện nay.

Ý tưởng này thực chất là cực kỳ phổ biến, theo như khảo sát do Kyodo News thực hiện hồi tháng 3 và tháng 4/2021. 85% người trả lời cho biết họ hứng thú với một Nhật hoàng là nữ, và 75% cho rằng nên để Nhật hoàng ấy truyền ngôi cho con của mình.

Sau đám cưới của Công chúa Nhật Bản, vương triều lâu đời nhất thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt thành viên - Ảnh 4.

Hoàng tử Hisahito ngồi chơi cùng 2 chị gái - Công chúa Mako (trái) và Công chúa Kako

Nhưng nghịch lý thay, Hoàng gia Nhật Bản không thể làm như vậy được. Vai trò của chế độ quân chủ - bao gồm cả nhánh kế vị - được kiểm soát theo hiến pháp. Trong vòng 2 thập kỷ qua, một vài chính khách cấp cao đã nghĩ đến việc thay đổi nó, nhưng không có gì xảy ra.

Năm 2006, một điều luật cho phép phụ nữ kế vị ngai vàng đã được đề xuất sau sự ra đời của Hoàng tử Hisahito - cũng là hoàng tử đầu tiên sau 4 thập kỷ của Hoàng gia Nhật Bản. Năm 2012, Thủ tướng đương thời Yoshihiko Noda đã nghĩ đến việc cho phép các công chúa tự tạo dựng một nhánh hoàng tộc riêng và giữ được vương vị sau khi kết hôn, nhưng cũng thất bại sau khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền.

Gần đây, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga đã thành lập một hội đồng chuyên gia để xem xét vấn đề này. Nhưng ý tưởng lại một lần nữa không thành khi ông không thể tranh cử thành công. Thủ tướng kế nhiệm - ông Fumio Kishida thì phản đối chuyện truyền ngôi cho các công chúa.

Trong khi số lượng thành viên giảm sút, Hoàng gia Nhật vẫn tiêu tốn 25 tỉ yen (khoảng 219 triệu USD) tiền thuế mỗi năm cho thực phẩm, giáo dục, chi tiêu cá nhân và trả lương cho hơn 1000 nhân viên - bao gồm cả tài xế, người làm vườn và nhân viên lưu trữ hồ sơ. Để so sánh thì Hoàng gia Anh tiêu tốn khoảng 50 triệu bảng (khoảng 69 triệu USD) trong năm 2019 - 2020, cùng với 30 triệu bảng tiền tu sửa Cung điện Buckingham.

Lại nói về Công chúa Mako, cô cùng hôn phu là Kei Komuro đã nộp đơn đăng ký kết hôn cho chính quyền địa phương, sau đó xuất hiện phát biểu ngắn gọn trước truyền thông. Cặp đôi nói lời biết ơn với những ai ủng hộ quyết định của họ.

Theo ông Goto, các đám cưới của Hoàng gia Nhật Bản hiếm khi thu hút được sự chú ý của truyền thông quốc tế, và hôn lễ khiêm tốn của Công chúa Mako không phải là cơ hội để phát huy quyền lực mềm. Tuy nhiên, nó lại có ích cho nền kinh tế. Thông thường, các đám cưới của Hoàng gia Nhật Bản sẽ kích thích tỉ lệ kết hôn và sinh nở - điều hết sức phù hợp đối với một xã hội đang ngày càng già đi của quốc gia này.

Sau đám cưới của Công chúa Nhật Bản, vương triều lâu đời nhất thế giới đứng trước nguy cơ cạn kiệt thành viên - Ảnh 6.

Như sau đám cưới của Thân vương Fumihito năm 1990, số lượng các cặp đôi kết hôn đã tăng 3,7% so với 5 năm trước đó, trong khi chỉ 1 năm trước còn giảm 0,4%. Năm 1993, tỉ lệ kết hôn đạt đỉnh khi tăng 9,8%, sau khi hôn lễ của Nhật hoàng Naruhito được tổ chức. Tương tự là tỉ lệ sinh nở.

"Chúng tôi không kỳ vọng lễ cưới của Công chúa Mako sẽ gây tác động lớn đến kinh tế vĩ mô," - Yuki Masujima, chuyên gia kinh tế học cho biết. "Nhưng nó sẽ có tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng và tỉ lệ kết hôn - những chỉ số vốn đã giảm mạnh vì Covid-19."

Sau lễ cưới, cặp đôi dự định sẽ đến Mỹ sinh sống mà không cần trợ giúp về tài chính từ hoàng gia hay chính phủ Nhật Bản. Komuro đã có công việc ổn định tại một công ty luật ở New York, trong khi Công chúa Mako - người đã có bằng thạc sĩ về bảo tàng nghệ thuật học - thì chưa công bố kế hoạch của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại