Sau chiến thắng của ông Abe, Nhật Bản đứng trước lựa chọn thế kỷ

Quốc Vinh |

Người dân Nhật Bản sẽ bắt đầu lựa chọn giữa hai con đường: Tiếp tục chính sách hòa bình hoặc thiết lập nên lực lượng quốc phòng riêng.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản hôm 22/10 sẽ mang đến cho Thủ tướng Shinzo Abe cơ hội cải cách cả Hiến pháp và kinh tế.

Đây là hai ưu tiên quan trọng nhất của Tokyo. Một mặt ứng phó trước mối đe dọa đến từ Triều Tiên, mặt khác đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới quay trở lại đà tăng trưởng và lấy lại vai trò đầu tàu ở châu Á.

Thắng lớn trong "ván bài lật ngửa"

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đối tác liên minh Komeito, đã giành được 2/3 số ghế trong Hạ viện, đủ điều kiện cần thiết để đảm bảo cho những cải cách có thể được khởi động. "Canh bạc" của ông Abe về kêu gọi một cuộc bầu cử sớm hơn một năm đã thắng lớn, bất chấp sự lớn mạnh của phe đối lập và uy tín của liên minh cầm quyền sụt giảm trong vài tháng qua.

Theo tờ Haaretz, ông Abe nhìn thấy hai cuộc khủng hoảng chính tại Nhật Bản hiện tại: Mối đe dọa từ Triều Tiên và kinh tế suy giảm. Người dân Nhật Bản đang lo ngại về tình trạng trì trệ kinh tế và sự suy giảm dân số. Tuy nhiên, "Abenomics" (chính sách kích thích kinh tế) của liên minh cầm quyền đang là giải pháp cho vấn đề kinh tế.

Trong khi đó, Tokyo sẽ nỗ lực khôi phục lại hình ảnh của mình trong mắt bạn bè quốc tế thông qua các sự kiện lớn như Thế vận hội năm 2020 và các sự kiện quốc tế khác. Chính sách của ông Abe hiện tại đang cho thấy sự chuyển biến rõ nét nhất của Nhật Bản trong suốt hơn 70 năm qua.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo hôm 23/10, ông Abe cho biết, chiến thắng của liên minh cầm quyền là một "phiếu tín nhiệm" từ công chúng và trên cơ sở đó "chúng tôi sẽ cho thấy một biện pháp hiện hữu trong việc chống lại mối đe dọa Triều Tiên".

Thủ tướng Nhật Bản cho biết, ông sẽ thảo luận về những biện pháp với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ở thăm Nhật Bản vào tháng tới, cũng như với các cường quốc thế giới khác như Nga và Trung Quốc. "Tôi sẽ đảm bảo cho công chúng Nhật Bản được an toàn và bảo vệ đất nước chúng ta", nhà lãnh đạo Nhật Bản quả quyết.

Tokyo không có quan hệ ngoại giao hay kinh tế với Triều Tiên, trong khi có nhiều bất đồng với đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng là Trung Quốc. Do đó, giới quan sát đánh giá ông Abe sẽ làm tất cả để tăng cường sức mạnh phòng thủ của Nhật Bản và gắn bó chặt chẽ hơn với Mỹ.

Giới phân tích nhận định, chiến thắng của Thủ tướng Abe có sự trợ giúp lớn đến từ quan điểm cứng rắn của ông về vấn đề Triều Tiên, trong đó ông mong muốn sẽ sửa đổi "Hiến pháp hòa bình" thời hậu chiến của Nhật Bản và tiến tới tái lập sức mạnh quốc phòng.

Sau Thế chiến II, Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản nêu rõ nước này sẽ không được phép sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế và không có lực lượng quân đội riêng.

Cuộc tranh cãi chưa hồi kết

Sau chiến thắng của ông Abe, Nhật Bản đứng trước lựa chọn thế kỷ - Ảnh 1.

Nhiều người dân Nhật Bản muốn giữ lại "Hiến pháp hòa bình".

Tranh luận về việc có nên tiếp tục giữ lại Điều 9 trong bối cảnh hiện tại hay không đang là chủ đề nóng nhất ở Nhật Bản từ trước cuộc bầu cử.

Ông Abe trước đó đã đặt ra hạn chót năm 2020 sẽ thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ Điều 9, chính thức công nhận sự tồn tại của nền quân sự Nhật Bản, mà vốn từ trước đến nay chỉ được coi là "lực lượng tự vệ".

Tuy nhiên, sau đó ông đính chính lại lịch trình cho kế hoạch này chưa được ấn định cụ thể. Thậm chí, nếu sửa đổi Hiến pháp được thông qua và chấp thuận bởi cả hai viện trong Quốc hội, liên minh cầm quyền của ông Abe vẫn phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý.

Hiến pháp là vấn đề gây chia rẽ nhất ở Nhật Bản khi đảng Hy vọng (PH) của Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike mới thành lập là phe muốn bảo tồn tính toàn vẹn của Điều 9. Cùng với đó, các cuộc thăm dò cho thấy, người dân Nhật Bản chưa hoàn toàn đồng nhất với mong muốn của Thủ tướng Abe khi muốn tăng sức mạnh quân sự của đất nước.

Ông Abe hai năm trước đã thành công trong nỗ lực diễn giải lại Hiến pháp để cho phép quân đội được triển khai chiến đấu ở nước ngoài trong những trường hợp nhất định. Tuy nhiên, mục đích này đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình trên diện rộng.

Một phần công chúng Nhật Bản ủng hộ quan điểm của ông Abe khi cần thiết phải có lực lượng quốc phòng trước tình hình Triều Tiên đang rối ren. Nhưng có những bộ phận lại không muốn đất nước tiếp tục phải nếm trải sự đau thương của chiến tranh như trong quá khứ.

Có ý kiến phản đối còn cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp chỉ là cái cớ để chính quyền ông Abe chiều lòng trước đòi hỏi chi phí quân sự từ phía Mỹ, đồng thời cảnh báo điều này sẽ biến Tokyo trở thành con rối bị lợi dụng của Washington trong các cuộc chiến sau này.

Koichi Nakano, Giáo sư Khoa học chính trị tại đại học Sophia ở Tokyo so sánh, việc này cũng giống như Brexit ở Anh. Đôi khi sự thay đổi theo lời kêu gọi của giới chính khách luôn đi kèm với những lợi ích chính trị ở sau đó.

Ở Mỹ, có vấn đề nhập cư và phá thai, ở Anh là sự chung đụng với EU và ở Nhật Bản đó là Hiến pháp. Người dân Nhật Bản đang phân vân giữa hai "dòng nước", khi một mặt họ hài lòng với sự bình yên sau chiến tranh, mặt khác họ muốn khôi phục lại những giá trị và lòng tự tôn xưa cũ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại