Trong diễn biến gần nhất, New Delhi đã đưa ra lời đề nghị Việt Nam mua hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung di động Akash do nước này sản xuất.
Trước đó không lâu, Ấn Độ còn tuyên bố sẵn sàng bán đạn hành trình đối hạm siêu âm BrahMos cùng với hỗ trợ về mặt kỹ thuật để Việt Nam có thể tự sản xuất tên lửa ngay trong nước.
Xa hơn nữa là việc quốc gia Nam Á này cung cấp thiết bị định vị thủy âm tối tân để Việt Nam nâng cấp tàu hộ vệ săn ngầm lớp Petya, hay chào hàng trực thăng chiến đấu hạng nhẹ LCH...
Những điều trên cho thấy với vị thế của đồng minh chiến lược đặc biệt, Ấn Độ sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam các vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự tiên tiến nhất của mình. Vấn đề đang được quan tâm là sắp tới Ấn Độ còn muốn bán cho Việt Nam vũ khí tối tân nào nữa?
Do sắp triển khai chương trình đào tạo phi công lái chiến đấu cơ Su-30 cho Việt Nam trên chính tiêm kích Su-30MKI của mình (theo bản ghi nhớ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước ký ngày 5/12 tại New Delhi), cho nên rất có thể tên lửa Astra chính là đối tượng kế tiếp.
Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đang trải qua giai đoạn phát triển rực rỡ
Astra - sản phẩm của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) là loại tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn tiên tiến, nó được kỳ vọng sẽ trở thành vũ khí không chiến chủ lực trang bị cho các chiến đấu cơ hiện tại và tương lai của Không quân Ấn Độ.
Thiết kế của Astra phần nào mang ảnh hưởng từ R-77 khi có kết cấu cánh lái khá tương đồng, nó sử dụng cơ chế dẫn hướng kết hợp quán tính, cập nhật tham số mục tiêu và radar chủ động giai đoạn cuối (phạm vi tìm kiếm tối đa khoảng 25 km). Ngoài ra tên lửa còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử mạnh mẽ, đảm bảo khả năng diệt mục tiêu.
Tầm bắn của Astra đạt khoảng 110 km khi phóng ở độ cao 15 km, 44 km ở độ cao 8 km và 21 km khi phóng ở sát mực nước biển. Sau khi hoàn thành phiên bản Mk 1 vào ngày 28/6/2016, DRDO dự định phát triển biến thể Astra Mk 2 có tầm bắn lên đến 150 km.
Mô hình tên lửa không đối không Astra được trưng bày tại Triển lãm hàng không Aero India
Theo đánh giá của giới quân sự, hiệu suất chiến đấu của Astra nằm giữa khoảng AIM-120C7 và AIM-120D, giá thành của Astra hiện tại vào khoảng 1 triệu USD/quả, nhưng khi bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt thì con số trên dự tính sẽ chỉ còn 700.000 USD (so với 850.000 USD của AIM-120C7 hay 1,5 triệu USD của AIM-120D).
Ấn Độ rất kỳ vọng sẽ bán được loại tên lửa này cho không quân một vài quốc gia Đông Nam Á có máy bay chiến đấu Nga trong biên chế, do việc tích hợp Astra lên những nền tảng tiêm kích trên gần như không gặp trở ngại.
Như vậy, sau BrahMos hay Akash, liệu vũ khí tiếp theo mà Ấn Độ muốn chào bán cho Việt Nam có phải là Astra?
Thử nghiệm phóng tên lửa không đối không Astra từ tiêm kích Su-30MKI