Tổ chức thế giới lớn nhất
Cái tên Liên Hợp Quốc (LHQ) dường như không còn xa lạ gì với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Sau 72 năm thành lập, hiện tại LHQ đang gặp phải không ít vấn đề nan giải trên con đường gìn giữ hòa bình thế giới.
Hiến chương LHQ được ký kết trong Hội nghị LHQ về Tổ chức Quốc tế tại San Francisco, California ngày 26/6/1945 bởi 51 nước thành viên đầu tiên, có hiệu lực từ ngày 24/10/1945 sau khi được phê chuẩn bởi 5 nước sáng lập – Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Anh, Mỹ – và phần đông các nước khác.
Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres và người tiền nhiệm Ban Ki-moon. Ảnh: Acuns
Theo quy định, các quốc gia, bất kể nhỏ hay lớn, giàu hay nghèo, đều có tiếng nói bình đẳng trong Hội đồng, và đều có một phiếu bầu trong các cuộc bỏ phiếu cho các bộ luật, chính sách có lợi cho cả thế giới.
Với sứ mệnh cao cả ấy, LHQ được tin tưởng sẽ giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trên thế giới với cái đích cuối là hòa bình cho nhân loại.
Tuy nhiên, sau lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào LHQ hồi cuối năm 2016, nhiều chuyên gia cũng thẳng thắn phân tích những vấn đề và khó khăn tổ chức này đang gặp phải.
Bất bình đẳng quyền lực
Các nhà phê bình cho rằng LHQ không thể đại diện cho thế giới hiện tại. Khi thành lập, LHQ có 51 thành viên và hiện tại con số đã lên tới 193 quốc gia. Nhiều nước mong muốn có nhiều quyền lực và tiếng nói hơn trong tổ chức.
Mặc dù tất cả các nước đều được lên tiếng trong Đại Hội đồng, nhưng kỳ họp của cơ quan này chỉ có thể thông qua các nghị quyết không ràng buộc.
Tuy Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Phi, Nigeria và Brazil thường nhận được sự ủng hộ cho ghế thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo An (HĐBA), nhưng dường như không quốc gia nào trong số 5 thành viên sáng lập kể trên muốn nhường ghế hoặc muốn chia sẻ quyền lực với các nước khác.
HĐBA gồm 15 thành viên là cơ quan quyền lực nhất của LHQ. Cơ quan này có thể áp đặt các lệnh trừng phạt, như trừng phạt Iran và Triều Tiên vì các chương trình hạt nhân, và cho phép can thiệp quân sự, như trường hợp Libya vào năm 2011.
Các chuyên gia cho rằng cơ cấu của HĐBA ngày nay đã quá lỗi thời. 5 thành viên thường trực là các quốc gia chiến thắng trong Thế chiến II: Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Nga. 10 thành viên khác được bầu theo nhiệm kỳ hai năm, với số ghế khác nhau cho các khu vực trên thế giới.
Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Ảnh: Worldpolicy
Nỗ lực tăng số ghế thành viên thường trực của HĐBA đã có từ năm 1945 – có thể kể đến các quốc gia lớn như Ấn Độ, Nhật Bản và Đức - đã gặp nhiều trở ngại, đặc biệt từ 5 thành viên thường trực, hay còn được gọi là P5.
Bất kỳ thành viên nào của nhóm P5 cũng có thể phủ quyết chính sách mới, và quyền phủ quyết thường xuyên được sử dụng quyền để bảo vệ quyền lợi của chính quốc gia đó hoặc đồng minh, dẫn đến nhiều trường hợp gần như không thể đi đến quyết định, như những mâu thuẫn tại Syria và Ukraine.
Từ năm 1990, Mỹ đã dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng 16 lần, chủ yếu liên quan đến các vấn đề Israel và Palestine. Nga phủ quyết 13 lần, trong đó có bốn lần vì tình hình Syria.
Hiến chương cho phép Đại hội đồng LHQ có quyền phủ nhận quyền phủ quyết, nếu hòa bình và an ninh thế giới bị đe dọa. Nhưng trên thực tế, hiếm khi chuyện này xảy ra.
Không thể can thiệp hiệu quả các sự vụ quan trọng
Đã hơn 70 năm trôi qua từ khi LHQ được thành lập, nhưng cơ cấu của HĐBA với nhóm P5 vẫn được duy trì một cách cứng nhắc.
Triều Tiên vẫn tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân bất chấp các nghị quyết trừng phạt từ HĐBA. Ảnh: Reuters
Công việc duy trì hòa bình thế giới của HĐBA đã gặp nhiều hạn chế những năm gần đây, phần lớn là do những bất đồng sâu sắc giữa Nga và phương Tây. Trong những vụ việc có sự tham gia của các thành viên thường trực, HĐBA hầu như không thể can thiệp triệt để.
Gần đây nhất có thể kể tới cuộc xung đột ở Syria, khi Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad còn Mỹ hỗ trợ một số nhóm đối lập.
HĐBA không chỉ thất bại trong việc ngăn chặn cuộc chiến, mà còn không thể đảm bảo cung cấp viện trợ lương thực và đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế tại chiến trường.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng không ít lần phớt lờ những luật cấm của LHQ về việc tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa.
Những khó khăn thường trực
Từ một tổ chức, LHQ đã trở thành một hệ thống phức tạp với 15 cơ quan tự chủ, 11 quỹ, chương trình và nhiều cơ quan nhỏ khác. Không có cơ quan trung tâm để quản lý tất cả. Tổng thư ký LHQ có thể điều phối nhằm gắn kết các cơ quan thành viên nhưng không có quyền điều hành hay can thiệp trực tiếp vào hoạt động của từng cơ quan một.
Bên cạnh đó, các mâu thuẫn ngày càng gia tăng trên thế giới buộc LHQ phải liên tục yêu cầu các quốc gia thành viên điều động quân đội cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Hiện tại, số binh sĩ hoạt động dưới danh nghĩa LHQ đã lên tới hơn 130.000 người so với con số 11.000 binh sĩ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ảnh: SerbiaNews
Số người tị nạn trên thế giới đã tăng mạnh trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang có chiều hướng đi lên. Cơ quan tị nạn LHQ đang quá tải trong việc hỗ trợ hơn 51 triệu người tị nạn, mất nhà cửa vì đói nghèo và chiến tranh, con số cao nhất kể từ khi LHQ bắt đầu thu thập dữ liệu vào đầu những năm 1950.
Ngân quỹ luôn là vấn đề thường trực với LHQ bởi hầu hết các cơ quan và hoạt động nhân đạo của tổ chức phải sử dụng đến nguồn tiền từ các quốc gia thành viên và các tổ chức tình nguyện khác.
Chính vì vậy, LHQ đôi lúc không hoàn toàn chủ động được các hoạt động cứu trợ, ví dụ như chương trình Thực phẩm Thế giới, cung cấp thức ăn cho 1.7 triệu người Syria, đã phải hoãn vì nhiều nhà quyên góp không hỗ trợ đủ tiền như đã cam kết.
Tất cả 193 quốc gia thành viên đều có nghĩa vụ đóng một khoản tiền cố định và một khoản riêng cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, nhưng nhiều quốc gia chưa đóng đủ theo yêu cầu. Tới tháng 11/2016, khoản nợ của các quốc gia này với LHQ đã lên tới 3.5 tỉ đô la Mỹ.
Đối diện với hàng loạt những vấn đề như vậy, tương lai của LHQ sẽ phụ thuộc khá nhiều vào những chính sách gìn giữ hòa bình giữa các quốc gia và cam kết về vấn đề biến đổi khí hậu để hoàn thành sứ mệnh khi thành lập của tổ chức thế giới này.