Theo tờ Nhật báo Hồ Bắc (Trung Quốc), các lệnh trừng phạt bao gồm lệnh trừng phạt do từng quốc gia hoặc tập thể các quốc gia thực hiện, và lệnh trừng phạt do các tổ chức quốc tế thực hiện. Nói chung, các biện pháp sau được áp dụng: cấm vận (vũ khí, lương thực, thiết bị kỹ thuật và các mặt hàng khác); gián đoạn quan hệ ngoại giao và trao đổi nhân sự; cắt giảm hoặc chấm dứt các khoản vay, thương mại và viện trợ.
Nga "có kinh nghiệm" trong việc "bị trừng phạt"
Ngày 24/3, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết, Mỹ đã hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) để áp đặt các lệnh trừng phạt lên hơn 400 cá nhân và thực thể Nga.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Nhật báo Hồ Bắc, dưới sự "lãnh đạo" của Mỹ, hơn 30 quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Nhưng trên thực tế, Nga đã tích lũy được nhiều "kinh nghiệm" trong việc "bị trừng phạt".
Kể từ khi cuộc khủng hoảng Crimea bùng nổ vào năm 2014, Mỹ đã áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, trong đó chủ yếu là trừng phạt kinh tế.
Theo Nhật báo Hồ Bắc, tính đến tháng 3 năm nay, Nga đã bị trừng phạt 5.748 lần.
Các lệnh trừng phạt chủ yếu là trừng phạt tài chính như đóng băng tài sản và cắt các kênh giao dịch tài chính. Trong số đó, việc trục xuất các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và hạn chế Nga sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối hơn 600 tỷ USD có tác động lớn nhất và là những biện pháp đầu tiên được sử dụng để trừng phạt trong nhiều năm qua.
Các lệnh trừng phạt dẫn đến nhiều hệ lụy
Ngoài việc ảnh hưởng đến Nga, các lệnh trừng phạt còn gây ra khủng hoảng an ninh lương thực và năng lượng thế giới.
Tổng thư ký Liên hợp Quốc António Guterres kêu gọi vận chuyển thực phẩm và phân bón từ Nga và Ukraine. Ảnh: Tân Hoa xã
Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới. Các nước châu Âu là điểm đến chính cho xuất khẩu năng lượng của Nga. Các nước châu Âu này đã áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, và nhanh chóng bị "phản đòn" dữ dội.
Người Đức tích lũy củi để sưởi ấm vào mùa đông. Ảnh: The Straits Times
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hồi tháng 6 đã kêu gọi nước này phải hạn chế sử dụng khí đốt tự nhiên để sản xuất điện. Do Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho Đức, nên họ phải có kế hoạch đốt than để thay thế.
Do các quốc gia như Mỹ, Canada, Anh và Úc cấm sử dụng dầu khí của Nga, làm cho giá dầu thô thế giới tăng vọt, và giá lương thực cũng tăng theo, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng khác và nguồn cung phân bón bị thu hẹp, khiến cho giá lúa mì, ngô, dầu thực vật và đậu nành tăng vọt.
Giá cả hàng hóa ở Anh và Pháp đã tăng chóng mặt, ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 22/3 từng cho biết, chính phủ của ông đang phát phiếu thực phẩm để giúp các gia đình có thu nhập thấp và trung bình đủ tiền ăn.
Giá trứng gà ở Thụy Sĩ đã tăng. Ảnh: Tân Hoa Xã
Nga là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất, nước xuất khẩu phân đạm lớn nhất, nước xuất khẩu phân kali lớn thứ hai và nước xuất khẩu phân lân lớn thứ ba thế giới. Có thể nói, mọi động thái của Nga đều ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu.
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã làm trầm trọng thêm xu hướng tăng giá hàng hóa toàn cầu như ngũ cốc và khoáng sản, điều này sẽ làm gia tăng mâu thuẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu dưới thời đại dịch.
Doanh số bán dầu khí của Nga tăng ngược 20%
Vào tháng 6, hơn 4 tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, một số người bắt đầu đặt câu hỏi liệu các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thực sự hiệu quả hay không.
Trong một bài báo do tạp chí The Spectator (Anh) đăng tải, tác giả Kate Andrews cho biết, hoạt động thương mại giữa Nga và các đồng minh của Ukraine không hề bị gián đoạn. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng dự đoán, châu Âu vẫn chưa tìm ra bất kỳ giải pháp thay thế khả thi nào cho nguồn cung cấp năng lượng của Nga. Thay vào đó, họ chỉ có thể tiếp tục mua hàng từ Moscow.
Theo dữ liệu của hãng tin Al Jazeera ngày 9/6, Nga dự kiến sẽ kiếm được nhiều tiền hơn từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt trong năm nay so với năm 2021, bất chấp các lệnh trừng phạt cứng rắn. Hiện tại, Moscow có thể kiếm được 800 triệu USD mỗi ngày từ xuất khẩu dầu khí.
Trang Business Insider (Mỹ) đưa tin, lợi nhuận của Nga chủ yếu nhờ vào EU. Những lợi nhuận đó dự kiến sẽ đẩy doanh số bán dầu và khí đốt của Nga lên 285 tỷ USD trong năm nay, tăng 20% so với 235,6 tỷ USD vào năm 2021.
Theo tạp chí The Spectator, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nói về các biện pháp kinh tế trả đũa Nga vào tháng 2 năm nay, ông đã cam kết về thời hạn một tháng để hiểu rõ tác dụng của các lệnh trừng phạt. Một tháng sau, ông Biden thay đổi quyết định và nói: "Các biện pháp trừng phạt vẫn chưa ngăn chặn được hành động của Nga. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm điều tương tự trong thời gian còn lại của năm, như vậy mới có thể ngăn chặn được nước Nga."
Nhật báo Hồ Bắc nhận định, nếu mục đích của các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga của các nước phương Tây là phá hủy nền kinh tế và cỗ máy chiến tranh của Nga thì rõ ràng những biện pháp này không thể nói là thành công.
"Liên minh chống Nga" đang rạn nứt
So với những nước ban đầu vội vàng trừng phạt Nga, thái độ của một số nước, tiêu biểu là Đức, đã lặng lẽ thay đổi.
Gần đây, Đức - quốc gia bị Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt - thường xuyên trở thành tâm điểm chú ý vì khủng hoảng năng lượng. Thủ tướng Đức Olaf Scholz một mặt đình chỉ dự án đường ống dẫn khí đốt tự nhiên "Nord Stream 2", mặt khác vẫn âm thầm mua dầu khí của Nga.
Theo hãng tin Al Jazeera, cho đến nay, Đức vẫn đang trả cho Nga 220 triệu USD mỗi ngày để mua dầu và khí đốt, tương đương với hơn một phần tư doanh thu năng lượng hàng ngày của Điện Kremlin.
Điều đáng chú ý là trong số các quốc gia trừng phạt tập thể Nga lần này, không có Ấn Độ, bất chấp những cảnh báo của Mỹ. Ấn Độ đang tận dụng cơ hội để bí mật mua dầu giảm giá từ Nga. Đặc biệt, trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án hành động của Nga ở Ukraine, Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản chỉ ra rằng, Ấn Độ thực sự là một kẽ hở trong "liên minh chống Nga" do Mỹ "cầm đầu". Ấn Độ là nước hưởng lợi lớn nhất khi Nga giảm giá dầu vì lệnh trừng phạt. Kể từ cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Nga đã tăng vọt lên 800.000 thùng/ngày, so với chỉ 30.000 thùng/ngày trước đây.
Điều bất ngờ hơn nữa là Ấn Độ đã trở thành "trạm trung chuyển" dầu mỏ.
Theo báo chí Mỹ ngày 14/8, Ấn Độ đã tinh chế dầu thô của Nga thành các sản phẩm dầu mỏ trên biển, sau đó xuất khẩu sang các nước khác, thậm chí một số mặt hàng còn xuất khẩu sang New York. Nói cách khác, Mỹ đã vô tình mua dầu của Nga thông qua Ấn Độ. Đây là một sự mỉa mai lớn đối với lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm cấm vận dầu mỏ của Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào tháng 12/2021. Ảnh: AFP
Trong bài viết trên tạp chí The Spectator, tác giả Kate Andrews chỉ ra rằng, thời gian để phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế làm tê liệt nước Nga không còn nhiều, và nếu các lệnh trừng phạt có hiệu quả thì nền kinh tế Nga đã bị tê liệt từ lâu.
Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt vẫn còn khá rõ ràng, nhưng chúng không quá tàn phá nền kinh tế Nga như các nước phương Tây đã kỳ vọng. Hiện nay, cán cân xuất nhập khẩu của Nga đã tăng gấp ba lần trong 5 tháng đầu năm 2022, lên hơn 100 tỷ USD.
Ngược lại, tại các nước phương Tây, chẳng hạn như Anh – nơi chi phí năng lượng đã tăng 54%, đang chịu thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do chi phí năng lượng tăng cao.