Sau 4 thập kỷ, TQ "phát sốt" khi cường quốc hải quân lâu đời nhất thế giới trở lại châu Á?

Hải Võ |

Hơn 40 năm trước, lực lượng vũ trang Anh đã rút hoàn toàn khỏi các căn cứ quân sự ở phía Đông kênh đào Suez. Nhưng dường như London đang có ý định "xoay trục" trở lại.

Giới phân tích tin rằng, các động thái gần đây của chính phủ Anh cho thấy họ ngày càng nhận thức mức độ trọng yếu của khu vực vùng Vịnh và châu Á trong mạng lưới an ninh toàn cầu.

Anh tỏ rõ tham vọng "tái xoay trục châu Á"

Tờ Financial Times của Anh hôm 23/12 đưa tin, nước này đang tái thiết lập một cơ sở chi viện hải quân ở Bahrain, duy trì lục quân thường trú tại Oman, đồng thời xây dựng trung tâm tham mưu quốc phòng mới ở Dubai và Singapore.

Hôm 22/10, các chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon đã tập trận chung cùng Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF).

Sự kiện được đánh giá mang tính lịch sử bởi đây là lần đầu tiên từ sau Thế chiến II, JASDF tập trận chung với lực lượng quân sự khác ngoài Mỹ trên lãnh thổ Nhật; đồng thời là lần đầu tiên kể từ kết thúc Chiến tranh Lạnh, các chiến đấu cơ của Không lực Hoàng gia Anh hiện diện tại Đông Á.

Một quan chức ngoại giao cấp cao của Anh tiết lộ với FT, trong vài năm tới hai tàu sân bay mới của Anh sẽ hoàn thiện khả năng chiến đấu. Khi đó, các tàu sân bay của Anh sẽ "tuần tra trên Thái Bình Dương" để bảo đảm các tuyến hàng hải thông suốt.

Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch hôm 1/12 tuyên bố, các máy bay Eurofighter Typhoon của Anh ở thăm Nhật sẽ bay qua các khu vực do Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở biển Đông, như một động thái gìn giữ quyền tự do lưu thông qua vùng trời quốc tế.

Dù Bộ ngoại giao Anh sau đó đính chính rằng đây không phải là thái độ của chính phủ Anh và khẳng định London trung lập trong vấn đề biển Đông, nhưng truyền thông Trung Quốc tin rằng có đầy đủ dấu hiệu cho thấy Anh rất có khả năng can thiệp sâu hơn vào các sự vụ châu Á.

Báo Thanh niên Trung Quốc bình luận, hoạt động quân sự với tần suất lớn của Anh tại châu Á không phải là hành động ngẫu nhiên mà là kết quả từ nhiều nhân tố thúc đẩy.

Chủ động can thiệp vào châu Á, đặc biệt là các hoạt động quân sự, sẽ giúp gia tăng sức ảnh hưởng của London. Đối với một quốc gia từng là thế lực chủ đạo ở châu Á, "xoay trục" trở lại khu vực này là một mục tiêu đầy tính mê hoặc.

Vì vậy, về mặt chiến lược, việc Anh tỏ thái độ đối với một số vấn đề nhạy cảm của châu Á đang dần trở thành "nhu cầu thể hiện lập trường chọn phe" của họ - tờ báo Trung Quốc bình luận.

Đại sứ Darroch cũng khẳng định: "Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ mục tiêu của chính phủ Mỹ, cũng như mục tiêu của chính phủ tiếp theo là bảo vệ tự do hàng hải, bảo đảm các tuyến hàng hải và hàng không không bị trở ngại.

Tờ Guardian (Anh) cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon không ngại tuyên bố Nhật Bản là đối tác an ninh mật thiết của Anh tại châu Á, Anh sẽ tăng cường củng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Tokyo và nỗ lực hòa nhập vào cục diện liên minh chiến lược hiện có ở châu Á cùng với Mỹ-Nhật.

Sau 4 thập kỷ, TQ phát sốt khi cường quốc hải quân lâu đời nhất thế giới trở lại châu Á? - Ảnh 1.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II dự lễ công bố tàu sân bay HMS Queen Elizabeth hồi tháng 7/2014 (Ảnh: AP)

Trung Quốc không lo ngại Anh

Ông Tim Huxley, Giám đốc Điều hành chuyên trách châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đặt ở Singapore, cho rằng sự gia tăng can thiệp vào tình hình quốc phòng châu Á phản ánh đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh đang nhìn nhận vai trò quốc phòng của London từ tầm nhìn toàn cầu, thay vì tầm nhìn châu Âu.

Sự rút lui của Anh khỏi Đông Nam Á trong thập niên 1970 đã buộc các quốc gia trong khu vực thay đổi chính sách quốc phòng theo xu hướng "tự lực cánh sinh". Ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore khi đó, đã cảm thấy "hụt hẫng" trước quyết định của London, bởi lực lượng vũ trang của quốc gia này khi ấy mới ở giai đoạn cất bước.

Những tháng gần đây, mức độ hiện diện quân sự của Anh tại châu Á-Thái Bình Dương đã gia tăng rõ rệt, chứng minh sự coi trọng của nước này đối với khu vực.

Sau khi lên nắm quyền, điểm đến đầu tiên của đoàn đại biểu thương mại do Thủ tướng Theresa May dẫn đầu là Ấn Độ. Còn trong chuyến thăm Bahrain tháng 12, bà May cam kết tăng cường hợp tác an ninh với các quốc gia vùng Vịnh.

Tờ Cankaoxiaoxi (Trung Quốc) ngày 28/12 cho rằng, sự tăng cường hiện diện của Anh ở châu Á không hẳn là nhằm vào Trung Quốc, bởi trên thực tế chính phủ Anh đang cố gắng lấy lòng Bắc Kinh để thu hút đầu tư.

Theo giới phân tích Trung Quốc, hành động của Anh phần nhiều nhằm theo đuổi việc củng cố và tạo lòng tin cho đồng minh về sức mạnh quân sự của họ.

Hạn chế về tài chính là nguyên nhân chủ yếu khiến quân đội Anh không có được vị thế quốc tế như kỳ vọng. Chi phí duy trì điểm đóng quân duy nhất của Anh tại châu Á, Brunei, không được chi trả bằng tiền thuế của người dân Anh mà bằng tiền túi của Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại