Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn

Nguyễn Ngân |

Mặc dù môi trường quanh Nhà máy Rạng Đông đã an toàn nhưng người dân tại đây vẫn lo lắng, bất an.

Môi trường quanh Nhà máy Rạng Đông đã thực sự an toàn?

Nhiều người vẫn chưa quên vụ cháy “khủng khiếp” xảy ra tại nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (số 87-89 phố Hạ Đình, Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) hồi tháng 8.

Vụ cháy làm thiệt hại hơn 150 tỷ đồng, trong đó sản phẩm đèn huỳnh quang là 480.000 chiếc, đèn tròn 2 triệu chiếc và bóng đèn HQ compact 1,6 triệu chiếc.

Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ cháy kinh hoàng tại nhà máy Rạng Đông.

Theo quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do vụ cháy từ 15,1 kg đến 27,2 kg, trong đó 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn viên Amalgam.

Hai tuần sau vụ cháy, nhà chức trách công bố nguyên nhân sự cố điện ở bảng mạch điện tử của bóng đèn chiếu sáng (đèn led) bên trong tầng 2 kho bán thành phẩm, sau đó lan ra xung quanh.

Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn - Ảnh 2.

Binh chủng hóa học tiến hành dọn dẹp bên trong nhà máy.


Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý khá chậm trễ, bất nhất trong thông báo dẫn tới việc hàng trăm gia đình xung quanh nhà máy phải bỏ đi nơi khác thuê nhà ở nhiều tháng liền.

Ngày sau vụ cháy, hàng nghìn người dân, trẻ em quanh khu vực nhà máy đã đi khám sức khỏe miễn phí, kết quả xét nghiệm cho thấy thủy ngân trong máu và nước tiểu của toàn bộ mẫu được phân tích đều trong giới hạn cho phép.

Trước tình hình nhiễm độc tại khu vực nhà máy Rạng Đông, các lực lượng như Binh chủng Hóa học và Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội, lực lượng thoát nước và môi trường của Hà Nội đã phối hợp tiến hành xử lý sự cố ô nhiễm bằng việc thu gom, nạo vét, tẩy độc,…

Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn - Ảnh 3.

Các lực lượng hoàn thành thu dọn, tẩy độc tại nhà máy Rạng Đông.


Công tác khử độc tiến hành từ ngày 12/9 - 5/10, với khoảng 30.000 m2 diện tích mặt đất, tường, mái nhà, nóc nhà, hàng nghìn tấn chất thải,…được xử lý, tiêu tẩy sạch, trả lại không gian an toàn cho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Theo UBND thành phố Hà Nội, tính đến ngày 14/9, các thông số NO2, SO2, CO trong không khí khu vực xung quanh vụ cháy đều nằm trong giới hạn cho phép, hàm lượng thủy ngân (trung bình 24 giờ) nằm dưới ngưỡng giới hạn cho phép.

Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn - Ảnh 4.

Người dân lo lắng đến khám sức khỏe sau vụ cháy.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà cũng đã lên tiếng khẳng định chất lượng không khí, môi trường quan trắc khu vực nhà máy Rạng Đông đã ở ngưỡng an toàn.

Các chuyên gia Nhật Bản (đơn vị độc lập) đã xuống hiện trường lấy mẫu để phân tích, xác định mức thủy ngân trong không khí tại khu vực nhà ở trong giới hạn an toàn theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà.


Người dân vẫn lo âu mặc dù môi trường đã an toàn

Ngoài việc nhanh chóng khắc phục hậu quả, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu nhà máy Rạng Đông thực hiện theo quyết định 130/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn - Ảnh 6.

Đến nay, người dân sinh sống quanh khu vực nhà máy Rạng Đông đã hoạt động trở lại nhưng vẫn còn lo lắng.


Mặc dù điều kiện môi trường quanh khu vực nhà máy Rạng Đông cho đến nay đã trở về ngưỡng an toàn, tuy nhiên người dân sinh sống quanh khu vực nhà máy Rạng Đông vẫn tỏ ra dè dặt, bất an.

Ông Trần Giang sống gần nhà máy Rạng Đông (Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Ngay sau khi xảy ra sự cố kinh hoàng đó, đa phần chúng tôi đều sợ hãi, nhất là lo cho con trẻ.

Chính vì thế mà nhà tôi đã phải đóng cửa nhà, đi thuê trọ ở nơi khác sống suốt 2 tháng trời sau đó mới quay về.

Ban đầu giá đất đai, nhà cửa bị ảnh hưởng, dân chuyển đi cũng nhiều, đến bây giờ dần ổn định trở lại tuy nhiên nhiều người đã bán nhà chuyển đi, một số người còn mở buôn bán, sinh hoạt, còn một số vẫn đóng cửa im lìm suốt”.

Sau 4 tháng, dân vẫn lo âu dù môi trường tại công ty Rạng Đông an toàn - Ảnh 7.

Nhà xưởng nơi xảy ra vụ cháy đã được xây sửa hoạt động trở lại.


Theo ông Giang, tuy người dân quay trở lại với nhịp sống thường nhật như trước đó nhưng ít nhiều vẫn còn lo lắng vì nhiều mối nguy hại.

“Mặc dù thông báo đã an toàn nhưng nhà máy vẫn hoạt động trở lại bình thường, gần như không có thay đổi gì nhiều so với trước đó. Chúng tôi sinh sống nhưng vẫn lo âu vì sợ rằng lại xảy ra vụ việc kinh hoàng như vụ cháy đó.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chẳng biết thế nào để kiểm soát hay bảo vệ mình được vì ở Hà Nội lúc này có quá nhiều mối nguy hại từ nước sinh hoạt, không khí, đồ ăn vào hàng ngày...đi khám bệnh thì kiểu "làn ăn" như bệnh viện xanh pôn bị phát giác vừa rồi thì dân chẳng biết tin vào ai nữa.

Cuộc sống khó khăn, dân phải bươn trải, lo cơm áo gạo tiền nên vẫn phải quay lại sống thôi chứ trong lòng luôn lo lắng, bất an”, ông Giang cho biết thêm.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Tú Minh (nhà cạnh công ty Rạng Đông thuộc phường Hạ Đình), “Quyết định của Thủ tướng đã có nhưng không hiểu vì sao các nhà máy như Rạng Đông ở khu vực này mãi mà chưa di dời ra khỏi trung tâm.

Từ khi xảy ra vụ cháy tới nay, chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ, vì khu vực này không chỉ có có nhà máy này mà còn nhiều nhà máy khác, thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Giờ chúng tôi chỉ mong muốn các nhà máy đang hoạt động ở đây nhanh chóng di dời ra khu vực khác để xây dựng công viên cho người dân yên tâm lao động sản xuất”.

Hiện các nhà máy khác vẫn chưa có động thái di dời đi nơi khác mà vẫn hoạt động trở lại bất chấp yêu cầu của UBND TP Hà Nội. Phương án di dời đi nơi khác và sử dụng đất trên nền của các nhà máy này cũng là câu chuyện gây nhiều tranh cãi và vẫn chưa có hồi kết.

Trong khi đó người dân vẫn phải gồng mình sống trong lo sợ với những mối đe dọa luôn treo lơ lửng trên đầu mà chẳng biết bao giờ mới được giải quyết dứt điểm./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại