Sau 4 năm, ông Tập Cận Bình sẽ lại đến Mỹ không cà vạt, không đại bác, không quốc yến?

Thủy Thu |

Giới phân tích nhận định, hội đàm Trump-Tập có thể đạt được hiệu quả tích cực bất ngờ từ hình thức ngoại giao nghỉ dưỡng.

Chiều 14/3, trả lời về thông tin cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sẽ diễn ra vào tháng 4, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay, hai bên hiện đang duy trì trao đổi chặt chẽ về cuộc gặp cấp nguyên thủ và các cấp hai nước Trung-Mỹ.

"Nếu có thêm thông tin, sẽ kịp thời thông báo", bà Hoa nói. Giới quan sát cho rằng, câu trả lời của bà Hoa đã mặc nhận tính chính xác của thông tin trên.

Một số ý kiến nhận định, trước đó vào 2013, phương thức "ngoại giao nghỉ dưỡng" trong cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhận được phản ứng tích cực từ phía Bắc Kinh nên việc đội ngũ ông Trump tiếp tục cách thức này được cho là một sự lựa chọn hợp lý.

Truyền thống ngoại giao nghỉ dưỡng

Theo giới phân tích, việc người Mỹ hứng thú với loại hình "ngoại giao nghỉ dưỡng" có liên quan đến lịch sử hình thành nước Mỹ. Ví như, hai lần rời Nhà Trắng sau hai nhiệm kỳ, cố Tổng thống George Washington đều quay trở về nông trại riêng ở Mount Vernon, Virginia.

Do phần lớn từng có cuộc sống tại các nông trại trước khi bước chân vào chính trường nên những cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao nước ngoài tại tư dinh sẽ giúp các Tổng thống Mỹ dễ dàng tháo bỏ những ràng buộc về lễ nghi.

Điều này ít nhiều giống với cách ẩn cư truyền thống của các cư sĩ trong lịch sử Trung Quốc, nổi bật có nhà thơ nổi tiếng thời Đông Tấn Đào Uyên Minh.

Giới quan sát nhận định, các Tổng thống Mỹ thời nay dường như đều kéo các sự vụ ngoại giao về các phạm trù cá nhân nên quay về khu nghỉ dưỡng gia đình với cảnh điền viên trong bầu không khí thân mật là một lựa chọn lý tưởng.

Do đó, khi tránh những nghi lễ chính thức của phòng Bầu dục trong Nhà Trắng, hội đàm riêng tại khu nghỉ dưỡng có thể sẽ đạt được những hiệu quả tích cực bất ngờ, đặc biệt ở thời khắc người chủ nhân cuộc đối thoại hy vọng cải thiện quan hệ căng thẳng giữa hai nước.

Sau 4 năm, ông Tập Cận Bình sẽ lại đến Mỹ không cà vạt, không đại bác, không quốc yến? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm năm 2013. Ảnh: Tân Hoa Xã

Một số ý kiến cho rằng, thành tựu lớn nhất của hội đàm Obama-Tập chính là đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc sau khi nhậm chức - có thể không cần đeo cà vạt, không đi kèm 21 phát đại bác và quốc yến chính thức.

Theo đó, đội ngũ của cựu Tổng thống Obama đã "đánh cược" vào hình thức "ngoại giao nghỉ dưỡng" khi dự đoán cách thức này sẽ phù hợp với ông Tập - người từng có thời gian dài làm việc trên nông trường.

Tổng thống Trump đi theo người tiền nhiệm?

Sau khi chính thức lên nhậm chức (20/1), trừ bức điện mừng và cuộc điện đàm hồi tháng 2, những động thái khi xử lý quan hệ Trung-Mỹ của Tổng thống Trump dường như không nhận được phản ứng tích cực từ Bắc Kinh.

Theo giới quan sát, thông điệp từ Bộ ngoại giao Trung Quốc lần này giống hệt phản ứng của Bắc Kinh về cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai ông Obama-Tập hồi năm 2013.

Đội ngũ Nhà Trắng khi đó đã xây dựng mô thức "ngoại giao nghỉ dưỡng" cho cuộc hội đàm đầu giữa hai nguyên thủ Trung-Mỹ. Quá trình chuẩn bị sơ bộ hoàn toàn do Mỹ sắp xếp, Bắc Kinh tỏ ra nhiệt tình tán dương.

Nhận định về cuộc hội đàm Obama-Tập, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii (Mỹ) Denny Roy nhận định: "Lựa chọn địa điểm cách xa trung tâm chính trị hai nước cho thấy hai bên muốn giảm bớt hy vọng của dư luận thế giới về tính quan trọng và sự đột phá trong cuộc đối thoại".

Đó có thể cũng là lý do khiến Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chọn tư dinh ở Florida làm địa điểm hội đàm với người đứng đầu Trung Nam Hải.

Trong khi đó, luồng ý kiến khác cho rằng, thời gian và địa điểm cho cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trump-Tập hiện không còn là điểm hứng thú với dư luận mà nội dung cuộc đối thoại mới là điểm đáng chú ý.

Theo Đa chiều (Mỹ), từ tính cách của hai nhà lãnh đạo, cuộc đối thoại này nhất định sẽ có những nội dung sáng giá. Bên cạnh đó, yêu cầu lợi ích khác nhau giữa Nhà Trắng-Trung Nam Hải cũng có thể khiến cuộc tiếp xúc nảy sinh mâu thuẫn.

"Thời gian hai ngày cho cuộc hội đàm song phương đầu tiên có thể đạt được kết quả cuối cùng hai bên cùng có lợi không phải là điều dễ dàng, có lẽ hai bên còn cần đến sự chân thành nhất", tờ này kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại