Sau 35, nhận ra: Giống như loài chim, không phải cứ bay cao là tốt, trong công việc, quan trọng nhất là ở đúng vùng trời

Xuân Thảo |

Đối với loài chim, không phải cứ bay cao là tốt, chúng dễ gặp nguy hiểm ở vùng trời không phù hợp với chúng. Điều này cũng đúng với con người. Mỗi chúng ta đều có một lĩnh vực phù hợp với mình. Chỉ bằng cách tìm đúng vị trí, bạn mới có thể phát huy tối đa tài năng và tiềm năng của bản thân.

Khi nói đến khủng hoảng tuổi trung niên, bạn có thể nghĩ đến điều gì?

Có người nghĩ ngay đến hiệu suất làm việc của mình không bằng thế hệ sau và bị công ty bỏ rơi một cách phũ phàng. Người thì bảo không có chút mặn nồng nào với nửa kia, cuộc đời cảm thấy vô vị. Người khác lại than rằng sức khỏe của bố mẹ không được như ngày nào còn khoảng cách giữa họ với con cái của mình ngày càng xa hơn, họ không hiểu con cái và bị chúng chê rằng lạc hậu.

Một cô gái nói với tôi rằng: "Mới 24 tuổi nhưng tôi luôn cảm thấy mình sống như một người trung niên, cuộc đời không có sóng gió, cứ bình lặng mà trôi qua vậy".

Hai chữ "Trung niên" dường như đã trở thành một "thuật ngữ xúc phạm" trong cửa miệng của hầu hết giới trẻ. Nhưng dưới góc nhìn thực tế, trải qua cuộc "khủng hoảng tuổi trung niên", tôi đã có cái nhìn khác về cuộc sống. Có ba suy nghĩ về "khủng hoảng tuổi trung niên" ai cũng nên biết, đặc biệt là những người trẻ.

Sau 35, nhận ra: Giống như loài chim, không phải cứ bay cao là tốt, trong công việc, quan trọng nhất là ở đúng vùng trời - Ảnh 1.

01

Khủng hoảng tuổi trung niên cho phép tôi chấp nhận thực tế sớm hơn

Đôi khi chúng ta thực sự phải thừa nhận rằng: Bản thân mình không thể làm tốt mọi thứ như trước. Không phải thừa nhận điều này để rồi từ bỏ việc nỗ lực, mà là nhận ra những hạn chế để khắc phục và biến mình trở thành phiên bản tốt hơn mà thôi.

Khi tôi còn nhỏ, tôi rất ám ảnh và không mấy thiện cảm với "con nhà người ta". Ngày nào trong bữa cơm, tôi cũng bị đem ra so sánh với con nhà người ta. "Nhìn con người ta xem, thi toán 9,5; 10 còn con mình có 8 điểm." Nghe vậy tôi cũng buồn lắm vì tôi đã học rất chăm chỉ nhưng vẫn bị cho là thấp kém.

Tưởng vậy là xong, tôi cũng lớn lên, lập nghiệp và kết hôn. Nhà thằng Vương bạn tôi lại là nỗi ám ảnh của tôi. "Nhìn chồng người ta đi. Ngày cho vợ bao nhiêu tiền, mặc sức mua sắm. Còn anh, kiếm được bao nhiêu rồi?" Nhưng rõ ràng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, tăng ca vất vả thế cơ mà.

Chúng ta đã bị định nghĩa bởi cái gọi là thành tích và tiền bạc che mờ mắt và chúng ta giống như bị một ngọn núi đè người ở bên dưới.

Làm việc chăm chỉ có ích không?

Nó hữu ích nhưng không có nghĩa là mọi nỗ lực đều có hiệu quả ngay tức thì. Trong nhiều trường hợp, nỗi đau của chúng ta thường bắt nguồn từ việc chúng ta thiếu hiểu biết về thực tế. Vì so sánh quá mức với người khác lại dễ sinh ra cảm giác "mình không đủ tốt" hoặc thậm chí "mình không giỏi ở chỗ nào đó".

Nhưng trong thực tế, có phải thành công chỉ được tạo nên bởi những người có vẻ tốt hơn bạn? Không phải vậy.

Một số người có thể đạt được 10 điểm, một số khác có thể đạt được 8 điểm còn một số không thể đạt được điểm vượt qua.

Thay vì cứ mãi ngước nhìn những thứ xa tầm với, hãy học cách nhìn xuống để thấy mình còn may mắn biết bao. Mỗi cá nhân đều khác nhau và không phải quy chuẩn của xã hội đều áp dụng được cho tất cả mọi người. Chấp nhận thực tế và thực sự chấp nhận bản thân là chìa khóa để phát triển tâm lý.

Sau 35, nhận ra: Giống như loài chim, không phải cứ bay cao là tốt, trong công việc, quan trọng nhất là ở đúng vùng trời - Ảnh 2.

02

Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên cho phép tôi định vị chính xác về bản thân mình sớm hơn

Việc chấp nhận thứ hạng của chính bạn công ty, vị trí của bạn trong cuộc đời này có phải để bạn làm việc không chăm chỉ nữa không?

Không hẳn vậy. Nếu bạn không muốn bị cuộc sống thực tế và xã hội đào thải thì ít nhất bạn phải trở thành người khó bị thay thế.

Bạn nên dành nhiều thời gian và năng lượng hơn để khám phá các sở trường của bản thân và tự tạo ra hệ thống đánh giá cho riêng mình.

Nếu bạn đã làm việc chăm chỉ trong một thời gian dài ở một lĩnh vực nào đó nhưng người khác lại đánh giá bạn nhỏ như một cái đinh vít, bạn có thể đang đi sai hướng.

Có câu nói: "Lợi thế của những người trẻ tuổi đó là, họ đều tin rằng mình có thể bay, dù cuối cùng vẫn ở trên mặt đất". Nhưng trên thực tế, việc tin rằng bạn có thể bay khác với việc bạn có thể bay. Các loại chim khác nhau có khu vực thích hợp để bay. Một số loài chim có thể bay cao đến vài trăm mét, trong khi một số loài chim có thể lên tới hàng chục nghìn mét. Đối với loài chim, không phải cứ bay cao là tốt, chúng dễ gặp nguy hiểm ở vùng trời không phù hợp với chúng. Điều này cũng đúng với con người. Mỗi chúng ta đều có một lĩnh vực phù hợp với mình. Chỉ bằng cách tìm đúng vị trí, bạn mới có thể phát huy tối đa tài năng và tiềm năng của mình.

Một câu hỏi mà mọi người phải suy nghĩ ở tuổi trung niên là: "Tôi đang làm gì, cuối cùng tôi sẽ làm được gì khi cái gì tôi cũng biết mà chỉ biết chút chút?"

Ông bà ta nói cấm có sai: "Một nghề chín còn hơn chín nghề", vững một lĩnh vực sẽ tốt hơn rất nhiều do với việc mỗi lĩnh vực biết chút chút để rồi chẳng đâu vào đâu, không biết mình mạnh yếu điểm nào. Đối với những người trẻ tuổi, càng sớm tạo dựng được thương hiệu cá nhân thì càng dễ có được lòng tin của người khác. Đồng thời, nó sẽ tăng khả năng thành công trong sự nghiệp của bạn.

Sau 35, nhận ra: Giống như loài chim, không phải cứ bay cao là tốt, trong công việc, quan trọng nhất là ở đúng vùng trời - Ảnh 3.

03

Cuộc khủng hoảng tuổi trung niên đã thúc giục tôi làm những việc có ý nghĩa hơn với quỹ thời gian có hạn

Một vấn đề lớn mà giới trẻ hiện đại phải đối mặt là: làm thì ba cọc ba đồng nhưng tiêu dùng quá mức.

So với những người đi trước, khả năng xử lý thông tin của chính chúng ta thực tế vẫn chưa được cải thiện nhiều. Nhưng thông tin cần được xử lý mỗi ngày đang tăng lên theo cấp số nhân. Thông tin nơi làm việc, thông tin xã hội và thông tin mạng tràn ngập não bộ... khiến bạn nghĩ rằng nhịp sống đã được đẩy nhanh và bạn cũng nhận thức được nhiều điều chưa biết về cuộc sống hơn.

Nhưng thực tế, đây chỉ là ảo tưởng.

Cuộc sống của chúng ta không phải trôi nhanh vì những thông tin phức tạp, mà là bản thân bạn đang thụ động và dành nhiều thời gian cho nhiều việc vô nghĩa. Khi bạn còn trẻ câu cửa miệng mà bạn hay nói là: "Tôi vẫn còn trẻ, tôi có nhiều thời gian. Việc gì tôi phải vội?"

Tuy nhiên, bây giờ tôi có cách hiểu gần như ngược lại về câu này:

Thời gian vô tình nhưng công bằng cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác. Cũng chính vì bạn còn trẻ, còn nhiều năng lượng nên dành nhiều thời gian hơn cho những việc có ý nghĩa. Thay vì dành hết thanh xuân để được nghe mọi người tán dương, ca tụng giá trị của bạn, hãy chứng minh cho người khác thấy khả năng của bạn.

Hãy đặt điện thoại di động của bạn xuống để giảm bớt các tương tác xã hội không cần thiết. Đừng bị thông tin sai sự thật và môi trường xung quanh dắt mũi, hãy biết cách giành lại quyền kiểm soát cuộc sống của mình. Chỉ bằng cách nâng cao giá trị của thời gian, chúng ta mới có thể thực sự làm giàu ý nghĩa của cuộc sống.

Khủng hoảng tuổi trung niên có thể phát huy mặt tích cực hay không phụ thuộc nhiều hơn vào thái độ sống của chính bạn ở hiện tại và trong tương lai.

Dưới góc độ thực tế, "khủng hoảng tuổi trung niên" thể hiện bạn ý thức về những việc đã từng trải trong cuộc sống, đầy thực tế và còn biết suy ngẫm cho những gì có thể xảy ra trong tương lai. Chỉ bằng cách đặt vấn đề "khủng hoảng tuổi trung niên" lên hàng đầu, chúng ta mới có thể phát huy giá trị cuộc sống độc đáo của mình sớm hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại