Máy bay tuần tra chống ngầm P-8A Poseidon. Ảnh: Wikipedia
Trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 21/11, nhà sản xuất máy bay Boeing cho biết, Hải quân Mỹ đã chính thức tuyên bố, P-8A có thể mang Bộ năng lực vũ khí chống ngầm tầm cao (HAAWC - High Altitude Anti-Submarine Warfare Weapon Capability), được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu dưới nước của đối phương.
Về cơ bản, đây là sự kết hợp giữa ngư lôi Mk 54 cỡ 324mm với thiết bị cánh lái và hệ thống điều khiển dựa trên định vị vệ tinh. Khi phóng ngư lôi từ tầm xa như vậy, máy bay mang ngư lôi có thể bay ngoài vùng hoạt động của các vũ khí phòng không trên tàu ngầm và tránh được quá tải khi phải đột ngột hạ thấp độ cao.
Hồi đầu tháng 8, EurAsian Times đưa tin, Hải quân Mỹ đã trao hợp đồng chế tạo HAAWC cho Boeing. Chương trình này sẽ cho phép hải quân thực hiện tác chiến chống ngầm ở độ cao lớn hơn và phạm vi rộng hơn. Hợp đồng yêu cầu sản xuất HAAWC và trang thiết bị đi kèm cho Hải quân Mỹ cùng nhiều khách hàng khác. Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác như Australia, Na Uy, Ấn Độ và Anh cũng đang vận hành máy bay tuần tra chống ngầm P-8A Poseidon.
Giới phân tích cho rằng, việc P-8A Poseidon được trang bị vũ khí đối kháng hiện đại và tiên tiến có thể khiến Trung Quốc lo ngại. Hồi tháng 2 năm nay, Australia cáo buộc tàu khu trục Trung Quốc chiếu tia laser cường độ cao vào máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon của hải quân nước này khi đang tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của Australia, gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn. Quân đội Mỹ cũng thông báo vụ việc tương tự trong năm 2020.
Thông thường, để thả ngư lôi chống ngầm từ trên không, phi công phải lái máy bay đến gần mục tiêu và bay ở độ cao rất thấp, thường chỉ cách mặt nước tầm 30m. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến máy bay dễ bị hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương phát hiện và bắn hạ. Nhưng HAAWC có thể khắc phục vấn đề này.
Với bộ khí tài HAAWC, các phi hành đoàn của P-8A có thể ném ngư lôi Mk 54 ở khoảng cách xa hơn, hạn chế đến gần các hệ thống phòng không của đối phương. Điều này đặc biệt quan trọng khi một số quốc gia đối đầu với Mỹ trang bị cho tàu chiến của họ khả năng phòng không đáng gờm và bố trí tên lửa đất đối không trên các đảo.
Tầm quan trọng của HAAWC?
HAAWC thực chất là bộ cánh gá dành cho ngư lôi hạng nhẹ Mk 54, mà Boeing gọi là Phụ kiện phóng trên không (ALA). Sau khi phóng, ngư lôi sẽ lướt đến khu vực có mục tiêu nhờ hệ thống dẫn đường GPS. Theo nhà sản xuất, ngư lôi mới cũng có thể hoạt động trong môi trường không có GPS bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính.
Khi ngư lôi được phóng, hệ thống kích hoạt một chiếc dù làm giảm tốc độ rơi của vũ khí, đồng thời khiến nó không bị phát nổ khi chạm mặt nước. Tiếp theo, ngư lôi sẽ di chuyển và tìm kiếm mục tiêu tấn công. Hiện, Mỹ vẫn chưa tiết lộ phạm vi hoạt động tối đa của ngư lôi Mk 54 được trang bị HAAWC.
Hải quân Mỹ trước đây tuyên bố, họ muốn loại vũ khí này có tầm bắn tối thiểu 32km, nhưng điều đó phụ thuộc nhiều vào tốc độ và độ cao của máy bay khi thả ngư lôi.
Với biệt danh “Thần biển”, do Mỹ phát triển nhằm thay thế cho máy bay săn ngầm P-3 Orion, P-8A Poseidon được phát triển trên cơ sở khung thân của máy bay chở khách Boeing 737-800ERX, có tốc độ hành trình hơn 900km/h, trần bay 12,5km, phạm vi hoạt động 3.700km.
P-8A Poseidon và các phương tiện chống ngầm khác có thể săn tìm tàu ngầm dưới mặt nước với sự trợ giúp của HAAWC mà không cần lo lắng về nguy cơ bị tấn công từ các hệ thống phòng không ở gần tàu ngầm hoặc khu vực mà nó hoạt động.
HAAWC cho phép máy bay P-8A Poseidon tiến hành cuộc tấn công ở độ cao lên tới 10km. Do được trang bị bộ phụ kiện bổ sung, P-8 không cần phải lộ diện bằng cách bay chậm và thấp – hoạt động vốn được coi là nguy hiểm đối với bất cứ máy bay chiến đấu nào.
Một khi sử dụng ngư lôi có cánh, P-8 cũng có thể đóng vai trò yểm trợ cho các phương tiện chống ngầm khác như tàu, máy bay trực thăng, thậm chí cả tàu ngầm thân thiện.
Ngoài Mk 54, các nhà sản xuất đang có kế hoạch kết hợp phiên bản nâng cấp của ngư lôi này là Mk 54 Mod 1với HAAWC. Cơ quan thử nghiệm và đánh giá (DOT&E) thuộc Lầu Năm Góc cho rằng, hệ thống sonar tăng cường và phần mềm hỗ trợ trong phiên bản Mk 54 Mod 1 sẽ “cung cấp cái nhìn rõ nét hơn về mục tiêu ở môi trường dưới đáy biển”.
Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, HAAWC có thể được sửa đổi để sử dụng cho các bệ phóng đặt trên bờ biển, giúp tạo ra một giải pháp linh hoạt có chi phí hợp lý, để tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển, nhằm chống lại những tàu ngầm tinh vi. Với sự hỗ trợ của HAAWC, lực lượng bảo vệ bờ biển có thể khiến tàu ngầm đối phương gặp nguy hiểm mà không cần triển khai hàng loạt máy bay hay tàu tuần tra được trang bị ngư lôi thông thường./.