Có rất nhiều nghề trên đời được ví như "làm dâu trăm họ", giống như công việc mà chị Hoàng Hà Linh (25 tuổi, quê Phú Thọ) đang làm.
Người ta cứ xì xào rằng "ôi nó sướng, làm cái nghề ăn trắng mặc trơn, thích dậy lúc nào thì dậy, quần là áo lượt tóc tai ăn chơi. Tết đến làm 1 ngày bằng người ta cày cả tháng, được cả trăm triệu". Nghề gì mà sướng?
Vâng, nó đơn giản là "cắt tóc gội đầu" thôi. Ở Hà Nội này có những ngõ mà cứ đi 1 mét gặp 1 hàng, như cái ngõ sâu nằm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) chị Linh đang vừa ở vừa mở salon.
Cả 2 vợ chồng chị đều là thợ làm tóc, không riêng nhà chị, mà đi qua ngõ lúc nào cũng xì xì tiếng máy sấy, mùi thuốc nhuộm, máy hấp, và tóc ở khắp nơi. Đến mức đi nơi khác vẫn còn nghe... xì xì máy sấy trong đầu.
Hoàng Hà Linh - bà chủ trẻ của một tiệm làm tóc khá đông khách tại Cầu Giấy
Đã sát Tết lắm rồi, nên cửa hàng của chị Linh khá đông khách, ngày nào cũng khoảng chục đầu, có khi hơn.
Chị đang bầu 8 tháng, mà quán chỉ có 1 thợ phụ đang học việc, nên vợ chồng chị xoay sở khá vất vả.
Ai vào quán cũng ngạc nhiên hỏi "Sao bà chủ bụng to vượt mặt thế mà không nghỉ ngơi đi?", chỉ sợ đang gội đầu cho khách lại... kêu đau đẻ, Linh chỉ cười, thỉnh thoảng tâm sự với khách tí chút, bởi thật ra cái nghề bạc tay bạc mặt mà chị đang làm rất vất vả.
Không làm thì không có ăn, mà làm thì có những nỗi khổ thầm kín ít người hiểu.
Gần Tết nên tiệm của vợ chồng chị Linh nườm nượp khách ra vào, bận mệt nhưng chị vẫn cố gắng làm
Sắp sinh bé thứ hai đến nơi rồi nhưng bà mẹ 25 tuổi vẫn ngày ngày đứng tiệm làm tóc phụ chồng
Bà chủ trẻ xinh xắn gốc đền Hùng chọn cái nghề này như cái duyên và trở thành đam mê từ hồi còn đi học. Nhà có 2 chị em, chị còn 1 em trai nữa.
Ở quê, con gái xong cấp 3 thì thường học luôn nghề gì đó rồi đi làm cho nhanh, nên Linh xin mẹ đi học nghề làm tóc. Bố mẹ cũng đồng ý.
Ngày ấy nhà không có điều kiện, khó khăn vất vả, nên Linh nghĩ học ĐH chắc sẽ tốn kém. Sau mẹ bốc thuốc nam thì khá hơn, dư dả hơn một chút, thì Linh cũng thoát ly gia đình, tự lo cho bản thân.
Cái duyên đến với nghề tóc của Hà Linh chỉ đơn giản là suy nghĩ để kiếm sống cho tương lai như vậy thôi. Hồi ấy, một mình ở Hà Nội xoay sở đủ thứ, lần đầu tiên xa nhà như thế, Linh đã rất cố gắng và chăm chỉ để thạo nghề.
Chỗ đào tạo chỉ cho thực hành trên ma nơ canh, thiếu kinh nghiệm thực tế, vất vả, tiền chưa kiếm được đồng nào, thân gái đất khách, có nhiều khó khăn tủi cực mà chỉ Linh mới hiểu. Đến lúc học xong, đi làm, mấy tháng đầu Linh chẳng được nhận một đồng lương nào.
Cô gái Phú Thọ nhớ mãi món tiền đầu tiên kiếm được chỉ vỏn vẹn 800 ngàn đồng, cách đây 6 năm, tuy chỉ là khoản nhỏ so với bao nhiêu thứ phải chi tiêu ở Hà Nội đắt đỏ bon chen, nhưng Linh cũng hài lòng, và gắng tằn tiện để sống thật tốt, không để bố mẹ ở nhà phải lo lắng.
Hà Linh chọn nghề cắt tóc gội đầu để sớm đi làm phụ giúp gia đình
Nhưng đến khi vào nghề rồi, cô gái Phú Thọ mới hiểu nỗi khổ của nghề "làm dâu thiên hạ"
Sau đó thì Linh may mắn được nhận vào làm ở salon mà chị quen người chồng hiện tại. Cảm mến người con trai Nam Định tài hoa khéo léo, lúc ấy cả 2 đều đi làm thuê nhưng đã nghĩ đến chuyện về chung một nhà, rồi mở salon riêng của 2 vợ chồng, ổn định cuộc sống.
Sau nhiều khó khăn trở ngại, nào là bị đòi nhà, không tìm được mặt bằng, rồi mang bầu bé gái đầu lòng... đến nay vợ chồng chị đã tạm gọi là ổn, thuê được chỗ vừa làm nhà vừa làm cửa tiệm, ngay mặt ngõ, khách khứa cũng đông.
Vừa gội đầu cho khách, bà chủ trẻ vừa tâm sự những nỗi lòng giấu kín. "Đấy, mọi người nhìn cũng đủ hiểu, đặc thù của nghề cắt tóc gội đầu này là cả ngày phải sờ vào nước, mùa đông cũng như mùa hè.
Kể cả da dày đến mấy, tay đẹp đến mấy, con trai cũng như con gái, suốt ngày sờ nước, trộn với cả hóa chất làm tóc, tay đều bị nứt nẻ, khô ráp sần sùi.
Ngày nào cũng dầm tay trong nước, hết nóng lại sang lạnh, nên tay Hà Linh luôn thô ráp nứt nẻ
Không những thế, còn phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất
Trời lạnh thì chỉ có khóc, đeo găng tay cũng không đỡ là bao, cứ xòe tay chạm vào tóc của khách là đau, chảy máu, bôi sáp nẻ bình thường chẳng ăn thua.
Như mình phải bôi thuốc đặc trị, với cả giờ bầu bí nên chồng ít cho làm, da tay mới hồi lại được thế này.
Chứ không thì nhìn em thợ phụ nhà mình thôi kìa, con trai đấy, mới học việc được hơn tháng thôi mà tay khô sần nứt toác như kia rồi.
Còn có lúc gãi đầu cho khách bật cả móng tay nữa, mỗi người một sở thích khác nhau, người thích gãi nhẹ, người thì kêu càng mạnh càng sướng em ơi, thế là gãi đến mức tê rần cả cánh tay, gãy cả móng, họ vẫn bảo... chả có cảm giác gì".
Ngoài cái đau cơ thể do "sinh nghề tử nghiệp", chị Linh còn từng trải qua cảm giác đau lòng, ấm ức khi bị người khác chê bai, dè bỉu. Ấy là hồi chị mới vào nghề, còn xuân sắc lắm, về quê hay đi đâu, ai cũng hỏi chị làm nghề gì.
Chị bảo "cháu làm cắt tóc gội đầu", chỉ nghe mỗi vậy thôi họ đã nhìn chị bằng ánh mắt khác, túm tụm vào nhau xì xào. Chị đoán rằng họ nghĩ "cái con bé này trông thế mà lại làm cái nghề chả đứng đắn gì".
Không đứng đắn ở chỗ nào?
Đó là chỗ trước nay nhiều nơi mở tiệm cắt tóc gội đầu, massage nhưng thực ra là trá hình cho các loại "dịch vụ sung sướng" khác, khiến nhiều bà nội trợ ghét ra mặt, mặc định trong đầu là gái làm thuê tiệm cắt tóc chả tử tế gì.
Đau đầu vì mùi thuốc, đứng lâu mỏi chân đau lưng, chóng mặt vì đói... đó là cảnh mà chị Linh gặp như cơm bữa
Nhưng sinh nghề tử nghiệp, vì đam mê nên Linh vẫn cố gắng phục vụ khách hết lòng
Rồi đến cả mẹ Linh cũng mắng, cấm cửa con gái khi Linh xin đi học massage.
Làm tóc thành thạo rồi, bà chủ trẻ hồi ấy còn độc thân, 20 tuổi đầu nhưng đã nhìn xa trông rộng được rằng nếu chỉ biết mần tóc không thôi thì chẳng salon lớn nào muốn tuyển, mình mở tiệm cũng không hút được khách.
Phải kết hợp với xoa bóp thư giãn đầu thì khách mới thích, tìm đến mình nhiều hơn.
Nghĩ là làm, Linh gọi điện về xin mẹ, nhưng nghe từ "massage" một cái, mẹ chị lập tức ngăn cản, "không có mát xa mát gần gì cả, dẹp".
Thế là chị đi nhờ người giúp đỡ, bạn bè mách là chuyển sang nói khéo "xin đi học làm da", lúc ấy mẹ chị mới gật gù!
Nhiều người khen Linh sướng, làm nghề "sang chảnh", ở nhà cũng kiếm ra tiền, nhưng sự thật không phải vậy
Có biết bao khó khăn của nghề mà vợ chồng chị và nhiều thợ làm tóc khác luôn âm thầm chịu đựng
Biết rằng chọn cái nghề làm dâu thiên hạ, vất vả cực khổ trăm bề, lại phải chịu nhiều định kiến sau lưng, nhưng Linh không buồn hay nản chí, vợ chồng chị từ tay trắng về với nhau đã vun đắp nên được cửa tiệm làm ăn ổn định như bây giờ.
Lắm lúc đau lưng, đau bụng, con đạp đến còng cả người, nhưng không đủ thợ phụ, mà khách ngồi đợi thì đông, vì bát cơm nên chị cố gắng làm việc cật lực.
Chị rất sợ mỗi khi nghe hàng xóm xung quanh í ới bắt chuyện rằng "Cô chú làm mỗi cái đầu 800 ngàn bằng chị bán hàng cả tuần", "Ngày chục cái đầu mỗi đầu vài trăm thì tiền để đâu cho hết"... Nếu có thể, chị sẵn sàng đổi chỗ cho họ để thử cảm giác "tiền để đâu cho hết" ấy!
Tất nhiên nghề làm tóc thì thường có giá cao, salon lớn thì ai cũng biết giá làm xoăn uốn nhuộm hấp dưỡng các kiểu chẳng bao giờ dưới tiền triệu, nhà chị Linh mở tiệm vừa vừa, đàng hoàng nên lấy giá phù hợp túi tiền chị em, nhưng sự thật là nhiều lúc lỗ hơn cả vốn!
"Ai làm tóc thì cũng biết, giá một đầu của khách, cắt thôi thì không nói, nhưng là dịch vụ khác thì nó sẽ bao gồm cả tiền thuốc, tiền công thợ, điện nước, mặt bằng...
Nói thật là ép, nhuộm một đầu giá khoảng 300 ngàn, thì mọi người nghĩ xem ngồi ở tiệm mấy tiếng sẽ tốn bao nhiêu thứ?
Một tuýp thuốc nhuộm của hãng, không phải hàng trôi nổi hóa chất dởm, thì chả bao giờ có giá rẻ, nên theo đó bọn mình làm tóc cũng phải cân đối giá phù hợp.
Nhiều người kêu đắt, mình cũng chỉ biết cười trừ, vì đầy hôm làm mấy đầu một lúc, toàn cho các bạn sinh viên, về tính đi tính lại thì cả ngày hôm đó chẳng lãi đồng nào, còn lỗ, thu về âm hơn vốn bỏ ra, coi như hôm ấy 2 vợ chồng nhịn.
Có tháng ngồi tổng kết chốt sổ, cả 2 vợ chồng gom lại mới được có 6 triệu, trừ đi hóa đơn điện nước còn không đủ tiền bỉm sữa cho con, ngồi ôm nhau muốn khóc". Bà chủ cười khổ trong sự ái ngại của khách xung quanh.
Bà bầu trẻ làm việc luôn tay luôn chân
Được cái Hà Linh cũng có người chồng tốt, yêu thương vợ, chăm chỉ làm việc cùng vợ
Nhân tiện kể chuyện đắt rẻ, chị cũng khuyên mọi người không nên tiếc tiền mà đi làm đầu ở những chỗ nhỏ lẻ không uy tín, hóa chất rẻ tiền rất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bản thân Hà Linh tiếp xúc thường xuyên với đống hóa chất dầu gội nên chị hiểu rõ, nếu làm tóc không có tâm, thì người chịu hậu quả đầu tiên chính là thợ, sau mới đến khách.
Tết ai chẳng muốn xinh đẹp rạng ngời, vì cái răng cái tóc là góc con người mà, đầu tư chính đáng không có gì phải tiếc.
Biết bao trường hợp hỏng tóc do ham rẻ, ham chỗ lạ, ham khuyến mại, bị cư dân mạng bóc phốt rầm trời, có ai muốn mình nằm trong danh sách nạn nhân đó chứ!
Phải nghe những tâm sự trải lòng của một người thợ làm tóc, mới hiểu góc khuất của nghề "sang chảnh" này
Lắm lúc bà chủ trẻ thèm được nghỉ ngơi, ngủ một giấc thật ngon, thật tròn...
Mấy tuần giáp Tết chị em đổ xô đi làm đẹp khá đông, nên ngày nào vợ chồng chị cũng mở tiệm sớm, hì hục làm, còn chẳng ăn cơm đúng giờ, cứ chiều muộn ăn cơm trưa, và đêm thì... ăn cơm tối.
Cả năm được dịp Tết là kiếm khá nhất, như năm ngoái cùng đợt này là vợ chồng chị cật lực thu về khoảng 30-40 triệu, bằng trong năm làm 2-3 tháng.
Tôi ngạc nhiên hỏi, sao nghe đồn tụi chị làm dịp Tết có khi được cả trăm triệu, Hà Linh xua tay: "Đồn thì đồn thôi, lấy đâu ra..."
Chị Linh đã có 1 bé gái hơn 2 tuổi tên Cherry, và bé thứ 2 sắp chào đời sau Tết Âm lịch. Lắm lúc nghĩ thương con gái, cho bé đi học xong về là tự chơi một mình quẩn quanh, hoặc chạy sang nhà hàng xóm để bố mẹ làm việc.
Bé khóc, đói, đòi mẹ bế, mà tay chị Linh vẫn đầy hóa chất, ướt nước, cơ thể thì mệt mỏi, chị chỉ muốn ôm con vào lòng nghỉ ngơi.
Nhưng nghề chọn người mà, làm quen rồi chẳng bỏ được, người khác ngửi mùi hóa chất muốn xỉu, nhưng Linh thì tập sức chịu đựng cao thành quen, 8 tháng bụng mang dạ chửa chị vẫn nhiệt tình ngồi gội đầu, cắt tóc, tâm sự với khách.
Bà chủ xởi lởi dễ thương nên ai cũng quý, ghé quán thường xuyên.
Nhiều lúc Linh nghĩ, chuyển nghề khác thì cũng chẳng biết làm gì, nhưng mà thật sự nghề này vất vả quá, làm không bằng tiêu nên chưa biết bao giờ mới tích cóp đủ mua nhà riêng và nuôi 2 con ăn học về sau...