Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập: Càng sắp xếp lại càng dôi dư?

Anh Văn |

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trong quá trình giám sát cần làm rõ có hay không việc càng sắp xếp thì đơn vị sự nghiệp công càng dôi dư.

Sáng 18/8, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023".

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đây là chuyên đề giám sát rất rộng trên nhiều lĩnh vực, khối các cơ quan, đơn vị khác nhau; nội dung giám sát có nhiều luật chi phối, không có luật riêng nên rà soát quy định của pháp luật cũng không đơn giản.

Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập: Càng sắp xếp lại càng dôi dư? - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Ông Trần Quang Phương lưu ý, cần xác định cụ thể hơn các nội dung giám sát, trong đó, có 3 vấn đề trọng tâm vướng mắc. Thứ nhất là sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

" Vừa qua việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập nhiều lúc còn cơ học, không làm cho mạnh lên mà thậm chí còn yếu đi, khó hoạt động hơn… Càng sắp xếp thì lại càng dôi dư, càng phình ra. Liệu có câu chuyện này không? ", Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Nội dung trọng tâm thứ hai được Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc đến là việc hoàn thiện cơ chế chính sách tự chủ và tài chính. Bao gồm tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức biên chế và con người, phương án hoạt động, tự chủ về tài chính.

" Cần đánh giá lại xem những nội dung này đã hợp lý chưa, tôi thấy nó gây ra nhiều vướng mắc, làm bó tay bó chân anh em ", ông Trần Quang Phương nói và đề nghị, làm rõ việc tự chủ thế nào, một phần hay toàn bộ?

Nội dung thứ ba mà Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề cập là hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Cần phải xem nếu vướng mắc như trên thì vai trò quản lý của nhà nước đối với sự nghiệp công lập thế nào, nút thắt nào cần tháo gỡ.

Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cho biết, hoạt động giám sát tập trung vào đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập: Càng sắp xếp lại càng dôi dư? - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Cùng đó là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tập trung vào việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đoàn giám sát sẽ kiểm tra việc quản lý biên chế (số lượng người làm việc tối đa trong đơn vị sự nghiệp công lập và hưởng lương từ ngân sách nhà nước); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời giám sát về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; về nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập...

Về đối tượng giám sát, ông Hoàng Thanh Tùng cho hay sẽ được chia làm 2 nhóm.

Đối với nhóm các cơ quan chịu sự giám sát là nhóm trọng tâm, bao gồm: Chính phủ; các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - thực hiện giám sát đối với tất cả các nội dung nêu trên.

Đối với nhóm các cơ quan tổ chức có liên quan, bao gồm: các cơ quan Đảng ở Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

" Phạm vi giám sát từ ngày 25/10/2017 đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước ", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, đoàn giám sát tổ chức làm việc với một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và tổ chức giám sát, làm việc với một số địa phương là các tỉnh, thành phố lớn, có nhiều đơn vị sự nghiệp công lập, có đặc thù, đại diện các khu vực, vùng miền...

Theo đó, khoảng 10 - 12 tỉnh, thành phố, dự kiến gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại