Theo đó, ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long) và ban quản lý dự án giao thông 1 (PMU1) được nhập thành PMU Thăng Long; ban quản lý dự án 2 (PMU2) và ban quản lý dự án An toàn giao thông (PMU An toàn giao thông) nhập thành PMU2.
Sau khi nhập thành PMU2, ông Phạm Hồng Sơn - Tổng giám đốc PMU2 cũ sẽ đảm nhiệm chức vụ Giám đốc, ông Nguyễn Hữu Long - Tổng giám đốc PMU An toàn giao thông làm Phó giám đốc thường trực.
Trong khi đó, ông Dương Viết Roãn, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng & công trình giao thông đã được Bộ GTVT điều động bổ nhiệm làm Giám đốc PMU Thăng Long sau sáp nhập từ ngày 1/7.
2 TGĐ cũ là ông Vũ Xuân Hòa (TGĐ PMU Thăng Long) và ông Hoàng Đình Phúc (TGĐ PMU1) đều nghỉ hưu.
Sau sáp nhập, cả PMU2 và PMU Thăng Long đều có tới 6 phó giám đốc.
Giám đốc PMU2 Phạm Hồng Sơn cho hay, từ 1/7, việc sáp nhập sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Theo ông Sơn, thời gian đầu sẽ vất vả về việc chuyển trụ sở và có xáo trộn về tình cảm, tâm lý. Tuy nhiên, ông tin tưởng công việc sẽ thuận vì trước mắt vẫn giữ nguyên vận hành như cũ, chỗ nào có trục trặc thì sẽ được điều chỉnh cho phù hợp.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế việc xáo trộn. Việc tổ chức sắp xếp lại cũng sẽ mất thời gian vì đụng đến con người không phải dễ, nếu xử lý không khéo là sinh lục đục nội bộ ngay…”, ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng tin tưởng khi nhập 2 ban thành 1 sẽ tập trung được nguồn lực tốt hơn và tránh được trường hợp Bộ phải đi lo việc cho nhiều ban, dẫn đến tình trạng “giẫm chân” nhau.
Tổng giám đốc xin nghỉ hưu sớm
Khi sáp nhập các PMU, ông Hoàng Đình Phúc - Tổng giám đốc PMU1 đã xin nghỉ hưu trước thời hạn hơn 1 năm.
Ông Phúc cho hay, khi chưa sáp nhập ông cũng đã có ý định xin nghỉ, nên khi Bộ có chủ trương, ông xin nghỉ chế độ sớm để chuyển về sinh sống với gia đình tại TP.HCM.
“Nếu gia đình ở HN thì tổ chức bố trí việc gì mình làm việc đó, nhưng suốt cả thời gian công tác đã hơn 40 năm xa nhà nên giờ mình xin nghỉ sớm để có thời gian bên cạnh gia đình”, ông Phúc nói.
Ông cũng chia sẻ, việc ông xin nghỉ hưu sớm sẽ tạo thuận lợi cho Ban cán sự làm công tác nhân sự khi sáp nhập.
Sáp nhập là hợp lý vì sẽ giảm bớt đầu mối quản lý sự nghiệp công.
“Nhập 2 ban làm số phòng ban giảm đi và sẽ tập trung được những người làm tốt, có nhiều kinh nghiệm cho công việc chuyên môn, nhất là hiện nay công việc không nhiều, kinh tế hạn hẹp và nợ công tăng, nếu cứ để nhiều đầu mối cũng không tốt…”, ông Phúc nói.
Trước đó, tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường thông tin, qua quá trình tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ đã giảm 15 ban quản lý các dự án xuống còn 8.
“Khi sáp nhập 2 đơn vị, từ 2 trưởng chỉ còn 1, thậm chí có những nơi sáp nhập lại có 7-8 phó, trong khi theo quy định chỉ được 3, việc này khiến nhiều người tâm tư”, ông Trường nói.