Đúng 8 giờ sáng nay 20-5, Kỳ họp thứ 9 , Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội bằng hình thức họp trực tuyến.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đây là một kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua.
Thực tế thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều vấn đề của đời sống, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có liên quan đến việc họp của các nghị viện. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội tiến hành họp trực tuyến.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV là một kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua.
Cụ thể, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt.
Đợt 1: Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-5 đến ngày 29-5); Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8-6 đến ngày 18-6).
Trước đó, vào 8 giờ ngày 19-5, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội dự họp tại điểm cầu Nhà Quốc hội đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đúng 8 giờ 30 cùng ngày, Quốc hội đã họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV bằng hệ thống điện tử.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật khoảng 10 ngày, chiếm hơn 50% tổng thời gian kỳ họp.
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác và công tác nhân sự.
Đặc biệt, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, đại biểu Quốc hội gửi chất vấn bằng văn bản đến người được chất vấn.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác.
Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em" và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.
Trong ngày làm việc đầu tiên 20-5, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, đại diện Lãnh đạo Chính phủ trình bày Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển KT-XH, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển KT-XH); Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Tiếp theo, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.
Trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).).
Trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Sau đó chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn EVFTA , EVIPA.
Trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức và Quốc hội thảo luận về nội dung này.