Sẵn sàng “xả thân cứu chúa”: Su-30SM hộ tống Tổng thống Putin tới Syria có gì đặc biệt?

Trung Phạm |

Không chỉ xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, Su-30SM còn chứng tỏ được khả năng tháp tùng vượt trội khi đã bảo vệ an toàn cho TT Putin trong chuyến thăm của ông tới Syria.

Bình yên trên chuyên cơ "Ngày tận thế"

Tại buổi họp báo cuối năm ngày 14/12/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dành những lời tốt đẹp nhất để cảm ơn các phi công lái tiêm kích Su-30SM bất chấp mạo hiểm bảo vệ ông trong chuyến thăm không báo trước tới Syria ngày 11/12 vừa qua.

"Tôi đã ngắm nhìn những phi công đó. Họ không chỉ bay bên cạnh, trong lúc hạ cánh mà còn bay thấp hơn dưới máy bay của chúng tôi. Đây là hành động nguy hiểm nhưng họ vẫn thực hiện để che chắn cho máy bay", nhà lãnh đạo Nga nói. "Tôi thực sự cảm ơn họ và muốn họ nghe và hiểu được lời cảm ơn này của tôi".

Đoạn video ghi lại cảnh ông Putin ngồi trong chuyên cơ Tu-214SR ngó qua khung cửa ngắm nhìn những chiếc Su-30SM đang bay rất gần xung quanh đã thu hút hàng triệu lượt xem và có lẽ cũng là hình ảnh ấn tượng nhất trong chuyến công du của nhà lãnh đạo Nga tới Syria.

Gương mặt bình thản, ánh mắt nhìn điềm tĩnh, chắc hẳn ông Putin phải rất hài lòng với "đội cận vệ trên không" đặc biệt của mình. Thái độ ấy, tinh thần ấy cứ như là ông Putin đang trên đường đi nghỉ dưỡng hay đến một nơi bình yên nào đó chứ không phải tới một quốc gia thời chiến.

Thực tế, nhà lãnh đạo Nga đang bay trên không phận Syria, chiến trường ác liệt nhất thế giới trong suốt mấy năm vừa qua. Đây cũng là môi trường hoạt động dày đặc của các máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không nhiều phe phái. 

Truyền thông quốc tế đã không ít lần đưa tin về các cuộc đụng độ giáp mặt đầy căng thẳng giữa các máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Nga và Mỹ.

Ông Putin tới Syria bằng chiếc Tu-214SR với biệt danh: Chuyên cơ "Ngày tận thế" (Doomsday Plane). Đây là phiên bản cải tiến của chiếc máy bay dân sự Tu-214, theo cấu hình tiêu chuẩn có thể chở theo khoảng 200 hành khách.

Tất nhiên, phiên bản dành cho tổng thống Nga đã được nâng cấp với nhiều cải tiến, trong đó có một phòng họp báo và ghế ngồi cho các vệ sĩ đằng sau buồng lái.

Tu-214SR được trang bị các tổ hợp trinh sát - tình báo hiện đại nhất, nó được thiết kế như một trung tâm chỉ huy và điều khiển di động, giúp nhà lãnh đạo Nga có thể chỉ huy các lực lượng vũ trang trong trường hợp xảy ra một thảm họa lớn, tấn công hạt nhân hay chiến tranh toàn cầu.

Tu-214SR có tốc độ tối đa 850 km/h, trần bay 12.100 m, trọng lượng cất cánh tối đa 110,75 tấn và tải trọng tối đa là 25,2 tấn. Phi hành đoàn của Tu-214SR gồm 3 người. Một chiếc TU-214 tiêu chuẩn có giá khoảng 24 triệu Euro nhưng Điện Kremlin đã trả khoảng 130 triệu Euro cho 3 phiên bản cải tiến từ 2009 đến 2012.

Công du đến Syria trên một chiếc chuyên cơ tiện nghi như thế, ông Putin không có điều gì phải quá lo lắng, nhưng có lẽ, điều làm ông yên tâm nhất chính là ông đang được bảo vệ bởi những chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Nga: Su-30SM.

TT Putin ngắm nhìn những chiếc Su-30SM đang tháp tùng mình trong chuyến thăm tới Syria

Su-30SM có gì đặc biệt?

Ngày 16/12, tiết lộ trên kênh truyền hình Rossiya 1, Yury - một trong những phi công lái chiếc tiêm kích Su-30SM trong phi đội tháp tùng Tổng thống Putin tới Syria đã cho biết:

"Chúng tôi tiếp đón máy bay của Tổng thống và tháp tùng nó tới đường băng. Một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là sẵn sàng lấy thân mình che chắn cho chuyên cơ".

Theo Yury, do có nhiệt độ khí xả cao hơn, những chiếc Su-30SM đã đóng vai nhưng những "mồi bẫy nhiệt", sẵn sàng hứng đạn tên lửa có thể bắn vào họ để bảo vệ cho chuyên cơ của Tổng thống Putin.

Su-30SM là máy bay chiến đấu đa nhiệm do Cục thiết kế Sukhoi chế tạo cho Không quân Nga. Nó là một biến thể tiên tiến của dòng máy bay chiến đấu Su-30MK. Su-30SM thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 9/2012.

Khung sườn của Su-30SM làm bằng các hợp kim nhôm và titan gia cường. Máy bay được thiết kế dựa trên mẫu Su-30MKI do IRKUT và Cục thiết kế Sukhoi cùng phát triển cho Không quân Ấn Độ.

Su-30SM sử dụng 2 động cơ AL-31FP với tổng lực đẩy khoảng 25.000kgf. Tầm bay chuyển sân tối đa không tiếp nhiên liệu của Su-30SM là 3.000 km. Ngoài ra, nó cũng được trang bị một hệ thống tiếp nhiên liệu trên không.

Sự kết hợp giữa radar BARS quét mảng pha điện tử thụ động (PESA), hệ thống điều khiển điện tử (fly-by-wire), các thiết bị tác chiến điện tử (ECM) hiện đại cũng như động cơ điều khiển lực đẩy vector giúp Su-30SM trở thành một chiến đấu cơ cực kỳ cơ động.

Thiết kế mở cho phép chiếc tiêm kích đa năng này có thể cải tiến nhiều hơn nữa nhờ khả năng tích hợp các kỹ thuật điện tử hàng không hiện đại, gồm cả một hệ thống radar mới, hệ thống vô tuyến và nhận diện cũng như các hệ thống hỗ trợ khác.

Sẵn sàng “xả thân cứu chúa”: Su-30SM hộ tống Tổng thống Putin tới Syria có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Su-30SM có thể mang theo 12 tên lửa thuộc nhiều chủng loại.

Su-30SM có thể mang theo một khối lượng vũ khí tiên tiến nặng tới 8 tấn với nhiều loại bom, tên lửa không đối không và các tên lửa chống hạm và tấn công mặt đất siêu âm Oniks (Yakhont). Oniks có tầm bắn từ 120 km – 300 km tùy thuộc độ cao.

Su-30SM có thể được triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiêm kích, cường kích và chống hạm. Nó cũng có thể thực hiện cả các nhiệm vụ tác chiến điện tử và cảnh báo sớm. Su-30SM còn đóng vai trò như một trạm chỉ huy – điều khiển trên không trong phạm vi một phi đội máy bay chiến đấu cùng thực thi các sứ mệnh chung.

Khi cận chiến trên không, nhờ những trang bị ưu việt, SU-30SM có một lợi thế đáng kể so với các dòng máy bay chiến đấu cùng loại của phương Tây, trong đó có F-16C Viper của Mỹ, Typhoon của châu Âu, và Gripen của Thụy Điển và ngay cả chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định, khi cận chiến trong tầm nhìn, Su-30 thậm chí còn chiếm ưu thế hơn so với chiến đấu cơ thế hệ năm F-22 của Mỹ.

Trong tác chiến không đối không, Su-30 có thể mang theo 12 tên lửa thuộc nhiều chủng loại, thông thường là sự kết hợp cả R-77, R-27 và R-73.

Su-30SM được triển khai tham chiến lần đầu tiên là vào tháng 9/2015 khi 4 chiếc Su-30SM hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Khmeimim ở Syria thực hiện sứ mệnh tiêu diệt các phần tử khủng bố thuộc tổ chức nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS) tại đây.

Ban đầu, Su-30SM hoạt động như một máy bay tháp tùng với các nhiệm vụ chính là tác chiến không đối không nhưng sau đó Su-30 còn thực hiện thêm nhiều phi vụ ném bom.

Như vậy, tại chiến trường Syria, Su-30SM không những đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu mà còn chứng tỏ được khả năng tháp tùng vượt trội khi đã bay áp sát bảo vệ an toàn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm bất ngờ của ông tới đây ngày 11/12/2017.

Su-30SM thực hiện các pha nhào lộn và thực chiến trên không

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại