Bất đồng trong G7
Hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 tổ chức tại Canada gồm có phần chính thức và phần mở rộng.
Phần chính thức là cuộc họp riêng của 7 thành viên. Phần mở rộng là cuộc họp giữa G7 và những khách mời.
Trong thời gian Nga tham gia khuôn khổ diễn đàn này, G7 chuyển thành G8. Từ năm 2014, G8 trở lại thành G7 sau khi 7 nước thành viên của G7 gốc quyết định tẩy chay Nga vì Nga đã tiếp nhận Crimea.
Cho tới năm ngoái, giữa các thành viên của G7 dường như luôn có được sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ về mọi chủ đề nội dung.
Năm ngoái là lần đầu tiên tân tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự hội nghị cấp cao và sự bất đồng quan điểm giữa ông Trump và những bên khác trong G7 về vấn đề bảo vệ khí hậu trái đất đã bộc lộ rõ. G7 phải gắng gượng lắm thì mới duy trì được sự đồng thuận quan điểm nói trên trong nội bộ.
Ảnh: Getty Images
Ở hội nghị cấp cao năm nay, lần thứ 44 trong lịch sử của khuôn khổ diễn đàn lớn này, sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và các thành viên còn lại không những đã chỉ sâu sắc và mang tính cơ bản hơn mà còn về nhiều lĩnh vực chính sách hơn.
Lần đầu tiên trong lịch sử G7 có chuyện hội nghị cấp cao thường niên không có được tuyên bố chung. Đúng hơn thì phải nói là có, nhưng chỉ không đầy 4 giờ sau đã bị ông Trump không chấp thuận nữa.
Ngoại trừ vấn đề Triều Tiên trong bối cảnh ông Trump sắp có cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Singapore - cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử Mỹ - Triều, sự bất đồng quan điểm này bao trùm lên tất cả những chủ đề nội dung khác như thương mại và bảo vệ khí hậu trái đất, thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran và quan hệ với Nga, thúc đẩy phát triển phụ nữ và giáo dục, đào tạo, khắc phục tình trạng ô nhiễm đại dương bởi rác thải vô cơ và đối phó với "Fake News" (tin tức giả - ND).
Ông Trump thách thức "khối Phương Tây"
Các thành viên khác của nhóm này không thể không thấy cay đắng và hậm hực, thất vọng và cả bối rối khi ông Trump không giấu diếm sự không coi trọng khuôn khổ cả diễn đàn lớn lẫn sự thống nhất trong nội bộ của cái gọi là "khối Phương Tây" mà suốt mấy thập kỷ qua nhóm G7 vẫn được coi là hạt nhân.
Quan điểm và cách hành xử này của ông Trump đã làm cho G7 chưa khi nào bị thách thức về uy danh và vai trò, ảnh hưởng và cả về tồn tại như hiện tại. Ông Trump đang làm cho khuôn khổ diễn đàn này trở thành G6 + Mỹ.
Chậm nhất là sau lần cấp cao năm nay của G7, sáu thành viên kia phải nhận thức được rằng vì thù ghét chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hoá cũng như vì khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" mà ông Trump sẵn sàng làm cho G7 bị tê liệt và mất tác dụng, cho dù Mỹ vẫn tham gia ở trong đó.
Đây là nhận thức cơ bản chứ không phải là sách lược nhất thời của ông Trump nhằm mục tiêu phục vụ cho cuộc vận động tranh cử quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở nước Mỹ.
Sau khi ông Trump tuyên bố phía Mỹ không chấp nhận tuyên bố chung của hội nghị cấp cao G7 nữa, phía EU cho biết vẫn quyết tâm làm theo tuyên bố chung ấy. Không còn có sự tham gia của Mỹ thì đó trở thành chuyện của EU với Canada và Nhật Bản.
Đấy sẽ là một dạng cơ chế hợp tác mới hoặc thậm chí một khuôn khổ diễn đàn đa phương mới nhưng hoàn toàn không thể thay thế được G7 và cũng không có được khả năng để gây áp lực đủ mức buộc Mỹ không tiếp tục đứng riêng rẽ mà lại phải cùng hội cùng thuyền như thời trước.
Thách thức mới này hiện thật chẳng khác gì hoạ vô đơn chí đối với G7 bởi bản thân nó từ khá lâu nay đã phải cạnh tranh và đã bị thách thức bởi không ít khuôn khổ diễn đàn đa phương khác như G20 hay BRICS.
Rõ ràng là muốn vượt qua được những thách thức và vươn tới vai trò và ảnh hưởng thế giới đã từng có thì G7 phải thay đổi cả về định hướng hoạt động lẫn tổ chức, phải coi trọng hơn nữa phần họp mở rộng, phải tính đến sự tham gia của Trung Quốc và Nga, nhưng trước hết phải tìm cách chung sống và tìm cách thức hợp tác thích hợp với chính quyền mới ở nước Mỹ.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại