Không ít các nhà đầu tư quan niệm rằng: "Trong nguy có cơ". Dù dịch bệnh xảy ra nhưng đây là cơ hội vàng săn hàng cắt lỗ từ "cá mập" hay người dân có sản phẩm bất động sản đẹp nhưng cần tiền gấp và bán. Họ kỳ vọng sản phẩm bất động sản có thể cắt lỗ sâu tới 30-40%.
Tuy nhiên, thực tế, cuộc "shopping" săn hàng bất động sản giảm giá mùa dịch lại không hề dễ dàng.
Như chia sẻ của chị Nguyễn Thiện (Hà Nội), 1 tháng trôi qua, gia đình chị vẫn chưa tìm được căn hộ nào giá rẻ hơn so với mặt bằng thị trường tại khu vực như Nam Từ Liêm, Hoài Đức. Ngay cả với đất nền, chị so sánh với giá bán thời điểm trước dịch, cũng không có nhiều xê dịch dù thông tin quảng cáo luôn gắn với cụm từ "cắt lỗ", "gia chủ cần tiền bán gấp".
Ông Phan Viên, một nhà đầu tư bất động sản nhận định, thực tế, cắt lỗ là cách quảng cáo thu hút khách của người rao sản phẩm. "Thế nào là cắt lỗ?", ông Viên cho rằng, rất khó xác định rạch ròi cho câu hỏi này.
"Nếu trường hợp nhà đầu tư mua ở đỉnh sốt đất và hiện tại bán ở mức thị trường thì họ lỗ. Nhưng người mua vào lại không được lời vì giá vẫn ngang thị trường. Nếu nhà đầu tư mua cách đây vài năm, giá rẻ, và giờ bán bằng giá thị trường có lời hoặc thấp hơn một chút vẫn có lãi thì trường hợp này có được gọi là cắt lỗ không, khi họ lãi còn người mua có thể mua rẻ một chút.
Hay định nghĩa cắt lỗ để đo lường mức giá bất động sản so với mặt bằng trên thị trường?" ông Viên đưa ra quan điểm.
Theo nhà đầu tư này, ở trong giai đoạn này, người mua cần lựa chọn cân nhắc theo "khẩu vị" và đánh giá chính xác về sản phẩm, thị trường xung quanh. "Không quan trọng sản phẩm có cắt lỗ hay không mà điều tiên quyết, nhà đầu tư có nhìn thấy tiềm năng tăng giá, sinh lời ở đó hay không?", ông Viên nói.
Trong một tọa đàm trực tuyến mới đây, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia bất động sản cho rằng, trên thị trường, ai cũng có nhu cầu mua căn hộ cắt lỗ. Nhiều nhà đầu tư lớn đã sẵn sàng mua bất động sản cắt lỗ 10-20% nhưng không mua được bao nhiêu. Vì thực tế, ít ai cắt lỗ, họ chỉ cắt lỗ ở mức 5-10% chứ hơn thì chưa thấy.
Để xác định một sản phẩm bất động sản có cắt lỗ hay không, ông Quang đưa ra lời khuyên, nhà đầu tư phải liên tục quan sát thị trường.
"Mgười ta nói sản phẩm này trước đây họ bán 1,1 tỷ nhưng giờ cắt lỗ còn một tỷ. Nếu không biết, chúng ta tưởng là cắt lỗ nhưng mà không phải vậy mà mức kỳ vọng của người ta là một tỷ. Do đó, chúng ta phải quan sát liên tục, tìm trên mạng xem chỗ này bán giá bao nhiêu thì mới biết sản phẩm mình muốn mua có thật sự cắt lỗ hay không", ông Quang chia sẻ.
Theo vị chuyên gia này, người mua phải nói chuyện với chủ của bất động sản đó, để biết họ cắt lỗ với lý do gì, có lý do họ mới cắt lỗ chứ không là mình sẽ bị "úp sọt". Tức là rao bán một tỷ nhưng đến nơi người ta bán 900 triệu, vì kỳ vọng người ta bán 900 triệu chứ không phải một tỷ. Thành ra là chúng ta mua sản phẩm cắt lỗ mà bị mua hớ.
"Tôi nghĩ trên thị trường hiện nay cũng có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn cắt lỗ, nhưng người ta không rao bán cắt lỗ mà chỉ rao bán bình thường, chỉ thêm chữ "bán gấp" để thu hút khách hàng. Sau một hồi thương lượng căng thẳng mà người ta giảm giá thì mình mua, mới thương lượng mà giảm thì đừng mua vội, không ai giảm giá quá nhanh đâu".
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn lại cho rằng, những thông tin cắt lỗ đưa ra thực tế lại khó kiểm chứng. Và hiện tượng cắt lỗ nếu có cũng chỉ xảy ra với những nhà đầu tư chịu áp lực tài chính lớn.
Vị lãnh đạo batdongsan.com.vn khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng, tỉnh táo xem xét và khảo sát giá. Không thể vội vàng nghe theo những thông tin như cắt lỗ hay quá hấp dẫn phải chốt ngay. Khi đầu tư thì cần xác định đó là vùng giá hợp lý chưa, so với thời gian trước dịch giảm được bao nhiêu. Nếu giảm thực sự lên tới 20% thì cũng là một con số lưu ý.