Nhắc đến "nhiếp ảnh" smartphone đã luôn là nhắc đến một giới hạn tưởng chừng không thể phá bỏ: chụp thiếu sáng. Với thân hình mỏng nhẹ chỉ để nhét vừa túi quần, chiếc điện thoại di động chưa bao giờ có thể cạnh tranh với máy ảnh du lịch về kích cỡ cảm biến. Chính giới hạn vật lý này đã khiến những bức ảnh chụp trời tối trở thành cuộc chiến quan trọng cho các ông lớn cùng nhau tranh đấu.
Đầu năm nay, Huawei có vẻ đã tìm ra được lời giải cho vấn đề muôn thuở này: thay cảm biến RGGB truyền thống bằng cảm biến RYYB. So với màu xanh lá (G), điểm ảnh màu vàng có khả năng thu sáng cao hơn tới 40%. Những bức ảnh chụp trên P30 Pro quả thật đã khiến người dùng ngỡ ngàng, bởi chiếc Huawei đầu bảng này có thể biến khung cảnh tối thui thành… ảnh nhìn được.
Huawei được tung hô đến mức Leica, công ty "nhượng quyền" thương hiệu cho camera trên smartphone Huawei, còn lên tiếng khẳng định sẽ cân nhắc đưa RYYB lên máy ảnh mới. Trên thực tế, Leica vẫn chưa có chiếc máy ảnh nào dùng RYYB, các đối thủ trong lĩnh vực smartphone cũng chẳng ai dùng RYYB cả. Câu hỏi là, tại sao?
Những đánh đổi của Huawei
Để phục vụ tốt cho ảnh thiếu sáng, P30 Pro đã khiến màu sắc trên TẤT CẢ các bức ảnh bị sai lệch.
Có 2 lý do có thể kể đến, và cả 2 đều không có lợi cho Huawei. Đầu tiên, máy ảnh số sử dụng cảm biến RGGB trong suốt hàng chục năm vừa qua đơn giản là vì mắt người nhạy với ánh sáng R (đỏ), G (xanh lá) và B (xanh). Bất kỳ một bộ lọc màu nào khác đều sẽ khiến màu sắc trở nên sai lệch, trừ trường hợp nhà sản xuất phải có thuật toán đủ mạnh để "sửa" toàn bộ màu sắc bị thu sai lệch cho trở nên giống với mắt người hơn. Trong trường hợp của một thương hiệu phần cứng không hề mạnh về phần mềm như Huawei, đây vẫn là thử thách chưa thể vượt qua: tất cả các bức ảnh từ P30 Pro đều cho màu sắc sai lệch đến mức đáng ngạc nhiên.
Lý do thứ hai là bởi, nếu có thuật toán đủ mạnh, những đánh đổi đi kèm với cảm biến có thể bị xóa bỏ. Huawei sử dụng cảm biến lên tới 1/1.7 inch, thuộc hàng lớn nhất nhì trong lịch sử smartphone (có lẽ là chỉ thua các mẫu PureView của Nokia Lumia), và cái giá phải trả là Huawei sẽ hy sinh diện tích cho chip nhớ: Kirin 980 có hiệu năng kém hơn hẳn so với Snapdragon 855. Bù lại, kết hợp giữa cảm biến lớn với bộ lọc RYYB, khả năng chụp trong khung cảnh tối của P30 Pro là không có gì khó hiểu.
Ấy vậy mà chiếc Galaxy Note10 vừa được Samsung ra mắt cũng có khả năng chụp thiếu sáng tốt không kém. Bạn đọc có thể nhìn 2 bức ảnh dưới đây để so sánh, theo bạn, đâu là Note 10, đâu là P30 Pro?
Minh chứng mới nhất
Note 10 chỉ là minh chứng mới nhất cho xu thế tất yếu của "nhiếp ảnh smartphone": những dòng code sẽ thay thế dần vai trò của các yếu tố vật lý. Không chỉ có Samsung, Google cũng đã dùng thuật toán để cải thiện ảnh thiếu sáng và zoom số, Apple cũng đã dùng thuật toán để giả lập điều kiện sáng trong môi trường… Tất cả đều nhận thấy giá trị của những dòng code: miễn là thuật toán đủ tốt, nhà sản xuất không còn phải hy sinh độ chính xác về màu sắc hay sức mạnh của vi xử lý như Huawei nữa.
Bởi đơn giản là nếu một chiếc smartphone có cảm biến chỉ bằng một nửa nhưng vẫn có thể chụp thiếu sáng ngang ngửa với P30 Pro, tại sao Samsung, Apple hay Google lại phải đi chấp nhận những đánh đổi như Huawei? Nếu đã có sức mạnh vô bờ bến của AI đứng sau, dùng RYYB để làm gì?