Sam Allardyce, tuyển Anh thất thủ, nhưng sự công chính thì không

Hà Quang Minh |

67 ngày, tỷ lệ thắng 100% - những con số mỉa mai đến tận cùng trong câu chuyện của Big Sam. Một người chờ đợi “công việc của cả đời” để rồi mất nó sau đúng 67 ngày.

Chuyện của Big Sam khiến chúng ta chợt nhớ đến bản Ironic của Alanis Morissette phát hành năm 1996, năm mà Allardyce vẫn còn ngập trong những mịt mờ của nghề huấn luyện, chưa định hình được mình sẽ làm gì, có thể làm gì, nhưng khát vọng chèo lái một con thuyền lớn thì chưa bao giờ vơi trong ông, ở tuổi 42.

"Một ông già, bước sang tuổi 98, ông vừa trúng sổ xố đặc biệt, để rồi chết ở ngày hôm sau". Đó là câu mở đầu của Ironic, Mai Mỉa, và nó cũng chẳng khác gì câu chuyện của Sam. Ông còn sống đó, nhưng coi như đã chết, khi sự nghiệp huấn luyện đội tuyển Anh của ông coi như đã chết.

Với scandal nhận tiền "bẩn" như của ông, ở Tam sư không bao giờ có đường quay lại. Ở Anh, nó như luật bất thành văn.

"Tôi thực sự buồn cho ông ấy. Và Sam đang rất tổn thương. Tự ông ấy tạo ra chuyện này, nhưng chúng tôi cũng chẳng vui gì với kết cục đó", Greg Clarke, chủ tịch FA, chia sẻ những gì ông cảm nhận về câu chuyện của Sam.

Sam Allardyce, tuyển Anh thất thủ, nhưng sự công chính thì không - Ảnh 1.

Cầm ĐTQG Anh là công việc mong mỏi cả đời của Sam Allardyce.

Những chia sẻ ấy không khỏi khiến chúng ta thấy chạnh lòng cho hoàn cảnh của Big Sam. Và ắt hẳn, cũng sẽ có những người cho rằng quyết định Sam Allardyce chia tay tuyển Anh lúc này là hơi quá phũ phàng.

Hôm qua, một người đồng nghiệp của tôi, một BLV nổi tiếng, có nhận định rằng "Tuyển Anh là một trò cười". Chắc hẳn, anh cũng cùng tâm trạng với những người đang cảm thông với Big Sam. Chuyện ông nhận tiền để "tư vấn" chuyển nhượng thì liên quan gì đến việc ông huấn luyện Tam Sư?

Và với anh, cũng như nhiều người khác, Sam Allardyce thất thủ, tuyển Anh cũng thất thủ vì một cú sa thải như trò cười.

Đúng là có thể hai chuyện chẳng liên quan đến nhau và bề mặt của nó cho ta thấy việc Big Sam bị sa thải không khác gì một trò cười. Song, nếu nhìn thật sâu vào sự việc, vào cung cách làm việc, vào văn hóa của người Anh, chúng ta có thể nhận thấy rằng quyết định sa thải ấy là đúng đắn và chẳng có gì là nực cười cả.

Big Sam chấp nhận quyết định sa thải, không phàn nàn, không kiện cáo, cũng bởi ông ý thức mình đã làm sai. Về quy ước ứng xử nghề nghiệp, ông không được quyền nhận tiền như thế. Việc của ông đang làm (HLV trưởng đội tuyển) có thể có mâu thuẫn quyền lợi chung-riêng với việc ông làm thêm (tư vấn chuyển nhượng).

Sam Allardyce, tuyển Anh thất thủ, nhưng sự công chính thì không - Ảnh 2.

Đơn giản, một lần gọi một tuyển thủ mới, cho anh ta đá một trận giao hữu thôi, có thể thay đổi giá trị của anh ta. Mà Big Sam hoàn toàn có thể làm được việc ấy.

Và trong bóng đá Anh, nền bóng đá tồn tại trong một xã hội văn minh, yêu cầu sự minh bạch và liêm chính, hành vi của Sam được coi là trái với đạo đức nghề nghiệp. Bởi thế, ông phải bị hi sinh, dù FA rất tiếc ông, dù nhiều người rất tiếc ông.

Cảm tính rất cần và con người cũng cần sống quan tâm tới người khác bằng một tấm lòng nhân bản. Nhưng trong quan hệ xã hội, lý tính, luật pháp phải được tôn trọng hàng đầu. Và ai tiếc Big Sam, ai thương Big Sam, để trong lòng là đủ. Công lý phải được thực hiện nhất là khi bóng đá là một môn thể thao nhiều người yêu mến, coi những ngôi sao trong đó như một tấm gương để sống.

Và vì thế, Big Sam có thể thất thủ, tuyển Anh có thể thất thủ, nhưng sự công chính đã không thất thủ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại