Sai thời điểm
Sputnik dẫn nguồn các chuyên gia quan hệ quốc tế Nga nhận định: Gói trừng phạt mới của chính quyền Mỹ nhằm vào Triều Tiên mà ông Trump mô tả là "cấm vận nặng nề nhất từng áp đặt" lên một quốc gia xảy đến vào thời điểm tệ nhất và sẽ khiến nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.
Các cấm vận mới được Bộ tài chính Mỹ giới thiệu nhằm vào hơn 10 tàu thuyền, tổ chức thương mại và công ty vận tải từ Trung Quốc, Singapore, Đài Loan cũng như một số nơi khác. Động thái này đã bị Bình Nhưỡng lên án. Bình Nhưỡng tuyên bố rằng, bất cứ nỗ lực nào của Mỹ nhằm "phong tỏa đường biển" cũng sẽ bị coi là động thái chiến tranh.
Sau khi thông báo về cấm vận mới, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục cảnh báo về khả năng tiến hành hoạt động quân sự trực tiếp: "Nếu cấm vận không hiệu quả, chúng tôi sẽ bước vào giai đoạn hai. Giai đoạn hai có thể là một thứ rất dữ dội, rất không may cho thế giới. Nhưng hy vọng là cấm vận sẽ có tác dụng".
Nhận định về bước đi này của Mỹ, Chủ tịch Ủy ban các Vấn đề Quốc tế của Thượng viện Nga Konstantin Kosachev đã lên án, cho rằng cấm vận mới ít nhất là sai thời điểm.
Em gái ông Kim Jong-un tới Hàn Quốc. Ảnh: AP
"Người Mỹ kỳ quặc ở chỗ giáng lệnh trừng phạt không phải khi tình hình xấu đi, mà là khi có những dấu hiệu của sự bình thường hóa", ông Kosachev nhận định trong một bình luận trên Facebook, đề cập tới việc cấm vận được Mỹ tuyên bố ngay sau khi đoàn đại biểu Triều Tiên do em gái ông Kim Jong-un dẫn đầu tới Hàn Quốc.
''Và hiệu ứng mà ông Trump mong đạt được là gì? Khiến Triều Tiên cắt bớt hoạt động đàm phán của mình ư?", ông Kosachev hỏi, "Bình Nhưỡng lúc nào cũng sẵn sàng cho việc này. Trong trường hợp ấy, người ta sẽ nghĩ rằng có thể Mỹ muốn mâu thuẫn leo thang, hơn là giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua đối thoại".
Cuối cùng, nghị sĩ Konsachev nhấn mạnh rằng, trường hợp của Triều Tiên là một ví dụ cho thấy Bộ Tài chính Mỹ đang được sử dụng như một cơ quan trừng phạt, lợi dụng vị thế áp đảo của Mỹ trên nền kinh tế thế giới để phục vụ lợi ích nhỏ hẹp của riêng mình.
Ai sẽ mất kiên nhẫn trước?
Vladimir Vasiliev, học giả tại Viện nghiên cứu Mỹ và Canada thì tin rằng gói cấm vận mới sẽ không giúp Washington đạt được mục đích phá hủy chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà lại có thể khiến Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử hạt nhân nữa.
Dù trong tình huống nào thì biện pháp của Mỹ cũng là con dao hai lưỡi khi mà hai bên ngày càng mất kiên nhẫn, ông Vasiliev nhận định.
Về phần mình, Dmitri Solonnikov, giám đốc Viện Phát triển Nhà nước Đương đại khẳng định, cấm vận mới liên quan tới một thực tế rằng: Nỗ lực của chính quyền Trump nhằm đối phó với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng chưa mang lại bất cứ thắng lợi nào, dù chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
"Với Mỹ, thể hiện rằng mọi điều mình nói và mọi điều mình yêu cầu đều phải được thực thi là một điều rất quan trọng", Solonnikov nhấn mạnh.
"Mỹ đã nỗ lực để buộc Triều Tiên nhượng bộ và thể hiện uy lực quân sự của mình nhưng từ nửa năm trước, có thể thấy rõ rằng việc này sẽ không khả thi - rằng sự đáp trả của Triều Tiên sẽ nghiêm trọng tới mức gây tôn thất không thể chấp nhận cho Mỹ và đồng minh".
Theo ông Solonnikov, các biện pháp cấm vận này là một phần trong chiến dịch gây sức ép của Mỹ nhưng lần này đánh mạnh vào kinh tế. Nhà phân tích cho rằng, ở tình huống hiện tại, Bình Nhưỡng sẽ tìm cách gây áp lực cho Seoul. Và Seoul sẽ phải lựa chọn - tiến tới một Triều Tiên thống nhất hay theo bước Mỹ.
"Ở đây, câu hỏi đặt ra là ai sẽ mất bình tĩnh trước, ai sẽ chuyển hướng chính sách của mình trước - Mỹ hay Triều Tiên", ông Solonnikov kết luận.