Tôi đã biểu quyết thông qua bộ luật, tôi không trốn tránh trách nhiệm của mình
Ông Nguyễn Văn Luật
Sáng 30-6, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố nghị quyết của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS), cùng với ba đạo luật khác là: Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Thời điểm có hiệu lực các đạo luật trên do Quốc hội khóa XIV quyết định, sau khi sửa đổi, bổ sung BLHS.
Nhiều lỗi kỹ thuật
Trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ về dẫn chứng những sai sót được cho là nghiêm trọng trong BLHS, ông Nguyễn Văn Luật cho biết: “Qua rà soát, có thể khẳng định những sai sót chủ yếu là về lỗi kỹ thuật, còn những chủ trương, quan điểm, chính sách về hình sự của Đảng, Nhà nước thì không sai.
Tuy nhiên, những lỗi kỹ thuật đó lại ảnh hưởng đến việc áp dụng BLHS và ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, có thể gây ra nguy cơ bỏ lọt tội phạm hoặc gây oan, sai”.
Ông Luật đưa ra dẫn chứng tội sản xuất, mua bán hàng cấm tại điều 190, điểm d khoản 1 quy định buôn bán hàng cấm qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại, trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.
Việc dùng dấu phẩy trước cụm từ “thu lợi bất chính” là chưa chặt chẽ, dẫn đến áp dụng cả hai tình tiết thu lợi bất chính và trị giá hàng hóa mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Hay như điều 19 quy định về không tố giác tội phạm. Qua rà soát thấy sai sót: khoản 1 điều này quy định người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại điều 389 của bộ luật này, gồm 91 tội, trong khi khoản 2 điều 14 thì người chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong phạm vi 24 tội, hẹp hơn 67 tội so với điều 389.
Từ đó dẫn đến nghịch lý: với 67 tội kể trên, người chuẩn bị phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng người không tố giác lại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tôi thấy mình có lỗi với cử tri về sự cố Bộ luật hình sự
Ông Đỗ Mạnh Hùng
5 dạng sai sót
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng liệt kê 5 dạng sai sót thường gặp trong BLHS.
Thứ nhất, một số quy định thuộc phần những quy định chung của BLHS có mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với phần các tội phạm.
Ví dụ khoản 2 điều 14 quy định về chuẩn bị phạm tội liệt kê thiếu điều 207 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, vì điều 207 có quy định chính sách xử lý đối với hành vi chuẩn bị phạm tội này.
Dạng thứ hai là một số quy định bỏ lọt hoặc trùng định lượng, ví dụ điểm h khoản 2 và điểm c khoản 3 điều 249 về tội tàng trữ trái phép chất ma túy thì trùng mức định lượng là “lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây cocacola có khối lượng từ 25kg đến dưới 75kg”.
Dạng thứ ba là trong một số điều luật có quy định hai cấu thành định tội đối với cùng một tội danh dẫn đến không thống nhất về kỹ thuật lập pháp.
Ví dụ khoản 1 và khoản 4 của điều 261 về tội cản trở giao thông đường bộ thì đều có quy định cấu thành định tội về tội này.
Dạng thứ tư là việc sắp xếp vị trí các khung hình phạt trong một số điều luật phần tội phạm không có sự nối tiếp về mức độ nghiêm khắc của hình phạt, nên phần nào cũng gây khó khăn cho việc áp dụng quy định của BLHS, nhất là vấn đề quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.
Ví dụ điều 261 về tội cản trở giao thông đường bộ quy định mức độ nghiêm khắc tăng dần từ khoản 1 đến khoản 3, nhưng hình phạt quy định tại các khoản 4, 5 của điều này thì không có sự nối tiếp về mức độ nghiêm khắc mà quy định một khung hình phạt nhẹ hơn khung hình phạt tại khoản 1.
Thứ năm, tại một số điều luật có quy định viện dẫn đến các điều luật khác của bộ luật, nhưng viện dẫn đó lại không chính xác.
Ví dụ, điều o của khoản 2 điều 251 về tội mua bán trái phép chất ma túy, quy định về tổng khối lượng các chất ma túy có viện dẫn các điểm từ a đến n khoản 2 này là không chính xác, vì các điểm từ a đến e khoản 2 này không quy định về khối lượng chất ma túy.
Có lỗi trước cử tri, nhân dân
* Để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của Quốc hội, trong đó có cá nhân tôi - một trong những đại biểu Quốc hội ấn nút tán thành bộ luật. Tôi thấy mình có lỗi với cử tri về việc này.
Còn việc xác định trách nhiệm cụ thể, cá thể hóa như thế nào thì tới đây sẽ tiếp tục làm rõ hơn trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, sau đó Quốc hội sẽ có đánh giá cần thiết.
Việc có xin lỗi hay không, tôi nghĩ rằng tập thể Quốc hội sẽ có quyết định trên cơ sở làm rõ trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một lần nữa tôi nhận thấy rõ vai trò giám sát, phản biện hết sức quan trọng của cử tri, nhân dân, của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội, trong đó có hoạt động lập pháp.
Ông ĐỖ MẠNH HÙNG (phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)
* Cá nhân tôi là đại biểu Quốc hội, đã biểu quyết thông qua bộ luật, tôi nhận trách nhiệm của mình trước cử tri, trước Quốc hội, trước Đảng, trước nhân dân.
Sau vụ việc này, chúng tôi thấy rất thấm thía rằng phải rút ra những bài học cụ thể, phải thực hiện rất nghiêm túc từ việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, đến việc lập ban soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân, thẩm tra..., đảm bảo chất lượng các dự án luật trước khi trình ra Quốc hội.
Ông NGUYỄN VĂN LUẬT (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp)
Vẫn áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội
Theo nghị quyết của Quốc hội, kể từ ngày 1-7-2016 vẫn thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 điều 7 BLHS số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành BLHS; tiếp tục áp dụng khoản 2 điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại nghị quyết số 109/2015/QH13.
Về quy trình, thủ tục thông qua nghị quyết này, ông Luật trả lời: "Nếu không có vấn đề gì, bộ luật có hiệu lực từ 1-7, như vậy thời gian rất là gấp, cần phải xử lý.
Chúng tôi đã tham mưu nhiều phương án, cuối cùng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án là các đại biểu Quốc hội ở 63 tỉnh thành họp tại đoàn, nghe báo cáo, thảo luận tờ trình, xem xét danh sách ban kiểm phiếu. Sau đó, các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua nghị quyết.
Phiếu gửi đến đại biểu Quốc hội cũng được thiết kế như biểu quyết ở hội trường, bao gồm "tán thành", "không tán thành", "không biểu quyết". Phiếu của đại biểu Quốc hội được chuyển về Nhà Quốc hội, kiểm phiếu theo đúng quy trình, rất chặt chẽ".