Sai lầm cay đắng của tình báo Mỹ khi đánh giá về ông Kim Jong Un 7 năm trước

Ngọc Nguyễn |

Bất chấp phân tích của các cố vấn và cơ quan tình báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn thích ví von lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un như một "kẻ điên rồ".

Tuy nhiên, tờ Politico chỉ tra, với những gì thế giới vừa chứng kiến tại Thế vận hội Mùa Đông ở Pyeongchang (Hàn Quốc) cho thấy nhận định của ông Trump là không chính xác.

CIA nghĩ ông Kim Jong Un chỉ lãnh đạo được vài năm

Theo Politico, màn ngoại giao xuất sắc bằng "quyền lực mềm" chứng minh ông Kim đã tính toán rất kĩ lưỡng từng bước hành động. 

Đầu tiên, ông gửi hàng trăm vận động viên Triều Tiên để tham dự đội hình liên Triều tại Pyeongchang, cử em gái mình là bà Kim Yo Jong tham gia phái đoàn đại diện của Triều Tiên để làm nổi bật hiệu ứng tuyên truyền cũng như đối ngoại, và cuối cùng gửi lời mời cá nhân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tới thăm Bình Nhưỡng.

Các cơ quan tình báo Mỹ nắm quá ít thông tin về ông Kim Jong Un. Họ không biết chắc chắn năm sinh của ông Kim, mà chỉ xác định ông sinh ra trong thập niên 1980, hay việc ông có bao nhiêu người con. 

Cựu điệp viên Jung Pak của Cơ quan tình báo trung ương (CIA) thừa nhận với Politico, "Chúng ta (Mỹ) không biết cả những thông tin cơ bản về đối thủ. Đáng lẽ chúng ta cần phải biết nhiều hơn".

Với vai trò chuyên gia phân tích thông tin, bà Jung Pak dành tới 9 năm tại CIA để thu thập và phân tích thông tin về người đứng đầu Triều Tiên. Bà khẳng định rằng nước Mỹ, và hiện giờ là tổng thống Donald Trump, vẫn luôn có nhận định sai lầm về ông Kim. Cụ thể, Mỹ vẫn đánh giá thấp khả năng ông Kim khi ví von ông "chỉ là một đứa trẻ lớn", trong khi lại quá sợ hãi trước sức mạnh kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Trên thực tế,bà Pak nhớ lại ngay từ những ngày đầu ông Kim Jong Un lên nhậm chức hồi cuối năm 2011, lãnh đạo CIA đã tổ chức 1 cuộc họp để tham vấn các nhà phân tích về "thời gian tồn tại của chính quyền Triều Tiên" dưới thời nhà lãnh đạo trẻ. Nhiều người dự đoán rằng với việc ông Kim nhậm chức khi còn quá trẻ, chỉ đưa đầy 30 tuổi, thì chính quyền Bình Nhưỡng chỉ có thể tồn tại tối đa trong vòng 2 - 5 năm sau đó. Lãnh đạo CIA tin rằng điểm yếu cố hữu của Triều Tiên là không có khả năng hồi phục sau những biến cố lớn.

7 năm đã trôi qua kể từ thời điểm đó. Đánh giá của CIA đã trở thành một sai lầm lớn.

Sai lầm cay đắng của tình báo Mỹ khi đánh giá về ông Kim Jong Un 7 năm trước - Ảnh 1.

Bà Kim Yo Jong, với tư cách đặc phái viên của lãnh đạo Kim Jong Un, bắt tay tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại lễ khai mạc Olympics PyeongChang ngày 9/2/2018 (Ảnh: PATRICK SEMANSKY/AP)

Ông Kim Jong Un không muốn đối đầu quân sự

Bà Jung Pak đang thực hiện chuyên đề nghiên cứu tiểu sử lãnh đạo Kim Jong Un cho Viện nghiên cứu Brookings Institute (Mỹ). Mỗi khi được hỏi đánh giá về Triều Tiên, bà đều giữ thái độ khá chừng mực, giống như nhận xét của đồng nghiệp cũ tại CIA Bruce Klingner, "Mọi nỗ lực tìm hiểu Triều Tiên giống như bạn chơi trò chơi xếp hình. Bạn có một số miếng ghép và đối thủ liên tục đưa thêm các mảnh ghép khác cho bạn".

Dù vẫn chưa hoàn thành nhưng bà Pak kết luận trong chuyên đề nghiên cứu của mình rằng "mặc dù có các hành vi và lời nói mang tính khiêu khích nhưng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thực sự không muốn đối đầu quân sự với Mỹ". 

Ngoài ra, bà còn cho rằng "mọi quyết định đều được ông Kim suy tính kĩ lưỡng, chứ không bột phát hay bất chấp hậu quả". 

Bà Pak cho biết, ông Kim hiểu rằng quân đội nước mình không thể chống lại quân đội của Hàn Quốc hay Mỹ. Tóm lại, ông Kim Jong Un" có thể hung dữ nhưng ông không liều lĩnh hay mất kiểm soát".

Kể từ khi tổng thống Trump nhậm chức, những tranh luận về lãnh đạo Triều Tiên đã diễn ra nhiều hơn và công khai hơn, xuất phát từ những bản báo cáo về khả năng tấn công quân sự chống lại Triều Tiên từ các quan chức trong chính phủ.

Sai lầm cay đắng của tình báo Mỹ khi đánh giá về ông Kim Jong Un 7 năm trước - Ảnh 2.

Ông Kim Jong Un (giữa) chụp ảnh cùng bà Kim Yo Jong, chủ tịch Quốc hội Kim Yong Nam, cùng các quan chức mang lại thành công cho sứ mệnh cải thiện quan hệ hai miền tại Olympics PyeongChang

Ông Kim có thể muốn thỏa thuận với Mỹ

Sau nhiều năm nghiên cứu những thông tin ít ỏi có được, bà Jung Pak tin rằng ông Kim sẵn sàng và có khả năng đề xuất một thỏa thuận khả thi hơn nhiều so với những gì chính phủ tổng thống Trump nhận định. 

"Quan sát cách ông Kim Jong Un lãnh đạo Triều TIên trong 6 năm qua, tôi thấy ông đã lèo lái đất nước rất khéo léo. Có cương có nhu, hợp lý cho từng hoàn cảnh và thời điểm," bà Pak nói.

Theo bà, thực tế toàn bộ "những hoạt động ngoại giao mềm tại kỳ Olympic Pyeongchang" trong những ngày gần đây có thể bắt nguồn từ những cuộc tranh luận về chiến tranh trong chính quyền Mỹ hiện tại - mối đe dọa mà chính quyền Bình Nhưỡng cân nhắc nghiêm túc và nghĩ rằng cần phải có hoạt động bên lề Olympics để làm dịu tình hình.

"Tôi không nghĩ rằng ông Kim muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân", bà Pak nói, cho rằng xung đột vũ trang với Mỹ và đồng minh sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho vị thế lãnh đạo của ông cùng gia tộc họ Kim.

Những hình ảnh đặc biệt về đội nữ cổ vũ của Triều Tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại