Sách trắng quốc phòng Australia có một cụm từ rất hay để cản TQ

Đức Huy |

Trong một bài viết trên trang phân tích Project Syndicate, cựu Ngoại trưởng Australia Gareth Evans đánh giá cao một cụm từ trong sách trắng quốc phòng 2016 của nước này.

Theo ông Evans, những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông đã dẫn đến những thay đổi đáng chú ý trong chính sách của Australia.

Với cốt lõi xoay quanh cụm từ "trật tự thế giới dựa trên nền tảng pháp lý", nội dung sách trắng quốc phòng Australia mới đây đã có những chi tiết không thường được xuất hiện trong văn bản chính thức của bộ quốc phòng các nước.

"Ngạc nhiên hơn nữa, là sự khác biệt này lại đến từ một chính phủ thận trọng, bảo thủ, thường chỉ răm rắp nghe theo từng đường đi nước bước của Mỹ" - ông Evans viết.

Ông cho biết, Australia muốn có sẵn một nền tảng hợp pháp để phản bác những tuyên bố, hành động của Trung Quốc, thay vì chỉ lên tiếng ủng hộ quan điểm của Mỹ như một phản xạ vô điều kiện.


Australia không muốn chỉ nghe theo quan điểm của Mỹ như một phản xạ. Ảnh: AFR

Australia không muốn chỉ nghe theo quan điểm của Mỹ như một phản xạ. Ảnh: AFR

Với một quốc gia luôn phải tìm cách cân bằng giữa một bên là đối tác chiến lược (Mỹ), và một bên là đối tác kinh tế chính (Trung Quốc), câu từ liên quan đến Biển Đông trong sách trắng quốc phòng Australia, theo ông Evans, rất sắc sảo và đáng để học hỏi.

Trước hết, việc sử dụng cụm "trật tự thế giới dựa trên nền tảng pháp lý" là nhằm mục đích bó buộc tất cả các bên liên quan.

Theo ông Evans, các nhà hoạch định chính sách Mỹ rất "kị" cụm từ này. Dù vẫn công khai ủng hộ như tất cả mọi chính trị gia khác, giới nghị sĩ Washington thực chất không hề muốn bị những luật pháp quốc tế bó buộc, mà chiến dịch xâm lược Iraq năm 2003 là một ví dụ điển hình.

Nhưng với Australia, đối tượng trực tiếp mà sách trắng quốc phòng của họ nhắm đến đương nhiên vẫn là Trung Quốc. Cựu Ngoại trưởng Evans nhấn mạnh, những gì đang diễn ra trên Biển Đông hoàn toàn đi ngược lại với một trật tự thế giới dựa trên nền tảng pháp lý.

Do đó, nếu các nước có thể học theo Australia và phổ biến điểm cốt lõi này trong chính sách liên quan đến Biển Đông, thì như vậy theo ông Evans sẽ dẫn đến việc Trung Quốc bắt buộc phải thay đổi hành vi của mình trên vùng biển này. Khi đó:

Thứ nhất, Trung Quốc phải minh bạch trong các tuyên bố chủ quyền, và sẵn sàng "ba mặt một lời" giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng phán quyết quốc tế hay tòa trọng tài, điều mà từ trước đến nay Bắc Kinh vẫn cương quyết phản đối.

Thứ hai, Trung Quốc sẽ phải dừng ngay việc vin vào cái gọi là "đường chín đoạn" để tuyên bố chủ quyền, cũng như những luận điệu vô căn cứ như "vùng biển lịch sử" hay "nơi đánh bắt cá truyền thống" mà nước này vẫn rêu rao.


Trật tự thế giới dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế không thể cho phép một tuyên bố ngang ngược, vô căn cứ như đường chín đoạn được tồn tại.

Trật tự thế giới dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế không thể cho phép một tuyên bố ngang ngược, vô căn cứ như "đường chín đoạn" được tồn tại.

Thay vào đó, với trọng tâm xoay quanh "nền tảng pháp lý" như trên, thì theo ông Evans, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) sẽ là khuôn khổ phù hợp nhất để các bên tuân theo mà giải quyết tranh chấp.

Thứ ba, Trung Quốc sẽ phải chấm dứt những hành động cải tạo trên các đảo đá hay bãi cạn vốn trước đây không thể ở được, để rồi biến nó thành những đường băng hay các cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự, ngang nhiên ngăn cản các nước khác di chuyển tại khu vực lân cận.

Luật pháp quốc tế cho phép các nước xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng với quy mô nhỏ.

Nhưng xây đường băng quân sự, đem tên lửa chống hạm ra đảo, lập "vùng đệm" với bán kính trên 500m xung quanh các khu vực quân sự hóa, và đe dọa đơn phương lập ADIZ - những gì Trung Quốc đã, đang, và rất có thể sẽ làm trên Biển Đông, thì không thể gọi là "quy mô nhỏ" được.

Thứ tư, Trung Quốc sẽ phải hạ giọng trong việc cấm mọi phương tiện nước ngoài nào được tuần tra hay tìm hiểu thông tin trong cả khu đặc quyền kinh tế (EEZ) Bắc Kinh vẫn tự "vẽ" ra, nhưng không có luận điểm đủ sức thuyết phục để chứng minh.

Việc Bắc Kinh bảo thủ với quan điểm này, theo ông Evans, có thể dẫn đến giao tranh phát sinh từ các hành động khiêu khích.

Tóm lại, chừng nào Trung Quốc còn không chịu tuân theo "luật chơi" quốc tế, thì tất cả các bên liên quan đều có quyền phản kháng, và có thể học theo những gì Mỹ đã làm thông qua các chuyến tuần tra trên không và dưới biển để đảm bảo "tự do hàng hải".


Nếu Trung Quốc vẫn không chịu tuân theo luật quốc tế, các bên liên quan trên Biển Đông có thể phản kháng bằng việc tuần tra khẳng định tự do hàng hải. Ảnh: Lowy Interpreter

Nếu Trung Quốc vẫn không chịu tuân theo luật quốc tế, các bên liên quan trên Biển Đông có thể phản kháng bằng việc tuần tra khẳng định tự do hàng hải. Ảnh: Lowy Interpreter

Cuối bài viết, ông Evans nhận định, với tư cách là nước khởi xướng trọng tâm "trật tự thế giới dựa trên nền tảng pháp lý" bằng việc cho cụm từ này vào sách trắng quốc phòng, Australia cần có những thay đổi trong chính sách của mình trên trường quốc tế.

Một trong những ví dụ là hỗ trợ các cường quốc chống lại những tội ác tàn bạo ở những nơi khác trên thế giới, những nơi mà Australia vẫn vin vào cớ không ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh cũng như lọi ích quốc gia, để né tránh trách nhiệm.

Nhưng để nâng tầm tiếng nói trên Biển Đông nói riêng và trường quốc tế nói chung, cũng như để không bị đánh giá "nói một đằng, làm một nẻo", Australia nên nghĩ lại về chính sách tránh liên quan đến các vụ kiện tại Tòa án quốc tế hay xử lý tranh chấp thông qua UNCLOS mà nước này vẫn áp dụng.

Còn hiện giờ, chí ít là trên giấy tờ, các nước nên học hỏi cách dùng từ của Australia để chống lại các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại