Tại buổi giới thiệu bộ sách Lịch sử Việt Nam ngày 18-8, PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam, đã có cuộc chia sẻ cởi mở với báo chí về những điểm mới của bộ sách này.
Theo PGS Cường, bộ sách đã nói rõ nhiều vấn đề lịch sử còn "khoảng trống". Về quan hệ với Trung Quốc và cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam ở biên giới phía Bắc, Bộ sử đã gọi đích danh đó là "một cuộc chiến tranh xâm lược" trên toàn tuyến biên giới từ Lai Châu đến Quảng Ninh.
Bộ Lịch sử Việt Nam tái bản vừa được giới thiệu
"Cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc nước ta do Trung Quốc gây nên. Chúng ta phải chiến đấu bảo vệ toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh.
Cuộc chiến đấu ấy rất quyết liệt để bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc. Chúng tôi gọi rõ đó là một cuộc chiến tranh xâm lược, cho quân tiến vào sâu trong lãnh thổ nước khác 30 km, 50 km đánh phá, không phải xâm lược thì gọi là gì?"-PGS Cường nói.
Trong bộ sách, số liệu được đề cập rõ ràng gồm số quân Trung Quốc, số xe tăng, đại bác bị dân và quân Việt Nam tiêu diệt.
"Trung Quốc đã huy động 600 nghìn quân cùng xe tăng, đại bác... Chúng tôi gọi rõ đó là cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ Việt Nam. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Việt Nam không chỉ gói gọn trong tháng 2-1979 mà còn kéo rất dài.
Cán bộ, chiến sĩ của chúng ta phải hi sinh rất nhiều xương máu. Đến năm 1988 mới thực sự tương đối có hoà bình ở vùng biên giới phía Bắc"-PGS Cường chia sẻ.
Ông Cường cũng cho hay thời gian trước, nhắc đến chính quyền Việt Nam Cộng hoà, nhiều người vẫn quen gọi là nguỵ quân, nguỵ quyền. Nhưng trong bộ sách gọi là "quân đội Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn".
Theo ông Cường, lịch sử cần phải khách quan, viết thế nào để cho mọi người chấp nhận. Theo ông Cường, chính quyền Việt Nam Cộng hoà là một thực thể ở miền Nam Việt Nam. Nó tồn tại trong gần 21 năm.
Năm 1954 còn có một thể chế nữa gọi là Quốc gia Việt Nam. Sau đó đến năm 1955 thì Ngô Đình Diệm mới phế Bảo Đại để làm quốc trưởng, sau đó trưng cầu dân ý, bầu Tổng thống.
Cũng trong bộ sách Lịch sử Việt Nam tái bản này, việc đánh giá một số vương triều phong kiến đã được những người biên soạn tiếp cận với nhiều điểm mới.
"Với vương triều nhà Mạc, rõ ràng chúng ta cần đi đến kết luận nhà Mạc là một trong những vương triều có đóng góp trong lịch sử Việt Nam.
Dù chỉ tồn tại khoảng thời gian không dài nhưng đã giải quyết được một số khủng hoảng về kinh tế, xã hội cuối thời Lê.
Chúng tôi đã bước đầu, đánh giá đầy đủ, khách quan, trung thực về vấn đề này.Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, là lúc nhà Lê đã rơi vào khủng hoảng kinh tế, xã hội rất rõ chứ không còn như thời kỳ Lê Lợi, Lê Thánh Tông nữa.
Để giải quyết vấn đề này, Mạc Đăng Dung mới làm cuộc chính biến, giành lấy chính quyền. Không chỉ ổn định kinh tế, xã hội mà nhà Mạc còn phát triển văn hoá, giáo dục với nhiều khoa thi được mở, tìm được nhiều nhân tài cho đất nước"-PGS Cường chia sẻ.
PGS Cường cũng cho rằng các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn cũng phải đánh giá cho đúng. Sau khi lên ngôi, thành lập vương triều Nguyễn năm 1802, nhà Nguyễn đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước - sự nghiệp mà nhà Tây Sơn và người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã mở ra nhưng chưa hoàn thiện. Vua Gia Long lên ngôi đã góp phần hoàn thiện vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Thứ hai, nhà Nguyễn củng cố bộ máy cai trị toàn quốc, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.
Cùng với đó, phải ghi nhận công lao của các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn trong việc xác định chủ quyền của đất nước với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thời đó, hàng năm triều đình đã cử những đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải đi tuần thú ở các đảo vùng Hoàng Sa, Trường Sa bây giờ.
Ngoài ra, nhà Nguyễn đã làm được nhiều việc phát triển văn hoá. Nhiều công trình được xây dựng dưới thời Nguyễn sau này được UNESCO công nhận là di sản thế giới như cung đình Huế. Lúc bấy giờ nước ta là vương quốc khá mạnh trong khu vực Đông Nam Á.