Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2016.
Theo báo cáo của HĐQT Sabeco, năm 2015 tổng sản lượng tiêu thụ đạt 1,52 tỷ lít, tăng 9% so với năm 2014 và 7% so với kế hoạch.
Tổng doanh thu đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt là 33.657 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2014 và tăng 4% so với kế hoạch đặt ra.
Lợi nhuận sau thuế 3.600 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ và tăng 9% so với kế hoạch năm. Mức cổ tức dự kiến là 30%.
Bước sang năm 2016, HĐQT Sabeco cho rằng, mặc dù Sabeco đang chiếm ưu thế tại thị trường nội địa nhưng việc giảm thuế nhập khẩu theo cam kết của các hiệp định thương mại tự do đang gây nên những thách thức lớn cho công ty.
Theo đó, Sabeco đặt kế hoạch tiêu thụ 1,54 tỷ lít bia, tăng 20 triệu lít bia so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng tiêu thụ Bia Sài Gòn là 1,49 tỷ lít.
Tổng doanh thu bán hàng có thuế TTĐB theo kế hoạch đạt 35.046 tỷ đồng ,tăng 4% so với năm 2015, doanh thu bán hàng không bao gồm thuế TTĐB đạt 28.503 tỷ đồng, tăng 3%so với thực hiện trong năm trước.
Lợi nhuận sau thuế Sabeco dự kiến đạt 3.436 tỷ đồng, giảm 5%so với năm 2015. Trong năm nay, Sabeco dự kiến chia cổ tức 25%, giảm 5% so với năm ngoái.
Theo Sabeco, việc đặt kế hoạch lợi nhuận sụt giảm dù sản lượng tiêu thụ bia tăng do thuế TTĐB được điều chỉnh tăng từ mức 50% lên 55%.
Áp lực gia tăng thuế suất TTĐB từ đầu năm 2016 và các năm tiếp theo sẽ khiến cách tính thuế TTĐB theo hướng gia tăng số thuế phải nộp và làm giảm lợi nhuận của Bia Sài Gòn.
4 tháng đầu năm 2016, sản lượng tiêu thụ sản phẩm trong 4 tháng của Bia Sài Gòn ước đạt 517 triệu lít, tăng mạnh 17% so với cùng kỳ 2015; Rượu ước đạt 327 nghìn lít, tương đương cùng kỳ năm trước; Cồn đạt 508 nghìn lít, bằng 67% so với cùng kỳ 2015; Nước giải khát ước đạt 10,5 triệu lít, tăng trưởng 25%.
Tổng doanh thu Sabeco trong 4 tháng (không bao gồm thuế TTĐB) ước đạt 10.494 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty lại giảm mạnh 27% và chỉ đạt 1.215 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tài liệu ĐHCĐ năm nay vẫn không có nội dung nào về việc niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã 2 lần liên tiếp gởi công văn dến Bộ Công Thương để “thúc” doanh nghiệp này mau chóng niêm yết nhằm công khai minh bạch thông tin và tăng giá trị doanh nghiệp.
Sự việc ngày càng căng thẳng hơn khi trong công văn mới đây, đã đưa ra những ý kiến phản bác lại lập luận của đại diện Sabeco là không đủ điều kiện niêm yết với khẳng định“Sabeco & Habeco hoàn toàn đủ điều kiện niêm yết”.
Đồng thời, VAFI cho rằng những người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco đã cố tình vi phạm pháp luật về niêm yết chứng khoán khi trì hoản việc niêm yết trên sàn.
VAFI cho rằng nếu như Sabeco & Habeco được niêm yết sớm và nếu như Bộ Công thương lựa chọn được nhân sự giỏi làm người trực tiếp quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì giá trị tài sản nhà nước tại 2 doanh nghiệp này phải cộng thêm ít nhất 1 tỷ đô la nữa .