Sa thải lao động ngoài 35 tuổi: Cần nghiên cứu giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động

Phạm Phương |

Lao động ngoài 35 tuổi mặc dù có kinh nghiệm nhưng năng suất lao động kém đi, trong khi đó chi phí cho tiền lương, bảo hiểm xã hội lại cao hơn. Trước thực tế này, doanh nghiệp sẽ muốn thay thế họ bằng đội ngũ lao động trẻ tuổi hơn, năng động, sẵn sàng học hỏi.

Chiều nay 19-6, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức họp báo thông tin về việc thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2018.

Thông tin về tình hình thực hiện các lĩnh vực của ngành 6 tháng đầu năm 2018, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, 6 tháng đầu năm, cả nước giải quyết được việc làm cho 782.000 người, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 725.000 người và đưa khoảng 57.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi quý I/2018 ước tính 2,2%, trong đó khu vực thành thị vẫn chiếm tỷ lệ cao là 3,13%, khu vực nông thôn là 1,73%. Dự kiến 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, lao động qua đào tạo ước đạt 57,6%.

Để nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, trong 6 tháng cuối năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện các giải pháp thị trường lao động, thực hiện tự do chuyển dịch lao động, bảo đảm tính linh hoạt và thống nhất của thị trường lao động.

 Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu trên thị trường lao động.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng nhiều doanh nghiệp sa thải lao động ngoài 35 tuổi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống an sinh xã hội, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bác thông tin doanh nghiệp FDI sa thải 80% lao động ngoài 35 tuổi. Tuy nhiên, hiện tượng này có diễn ra ở một số doanh nghiệp.

Không thể nói đây là hành động “vắt chanh bỏ vỏ" của doanh nghiệp mà cần nhìn nhận như một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường.

 Khi người lao động ngoài 35 tuổi, độ nhạy bén, khả năng bắt kịp khoa học công nghệ giảm sút, buộc các doanh nghiệp sẽ phải tìm cách để tuyển những lao động mới. 

Rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng phải đối mặt với thực tế này, khác biệt là độ tuổi ở nước họ thường là 40-45, Việt Nam thì sớm hơn.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, tới đây cơ quan này sẽ nghiên cứu các giải pháp bảo vệ quyền lợi người lao động như xây dựng đề án tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho công nhân FDI khi họ thất nghiệp.

Các chính sách sẽ bao gồm việc hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo chuyển nghề khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu sản xuất, trong khi người lao động đứng trước nguy cơ không có việc làm và phải thay đổi.

Xem bài gốc Tại Đây

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại