SA-6 "xé nát" UAV ở Yemen: Iran mới là tác giả đẩy KQ Mỹ vào "lưới lửa không lối thoát"?

Chỉ Nhàn |

Việc lực lượng Houthi bắn rơi máy bay không người lái MQ-9 tối tân bằng tên lửa SA-6 đặt ra cho Quân đội Mỹ không ít câu hỏi, ai đã giúp Houthi, ai điều khiển tên lửa?

Trước khi xảy ra sự kiện tên lửa đất đối không 3rd Khordad của Iran bắn rơi siêu máy bay không người lái trị giá 180 triệu USD của Mỹ, thì cách đây nửa tháng Washington cũng hứng chịu thiệt hại đau đớn liên quan tới UAV ở Yemen.

Ngày 6/9/2019, lực lượng phiến quân Houthi ở Yemen đã bắn rơi một UAV vũ trang MQ-9 Reaper. Đáng lưu ý, theo Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ, Houthi bắn hạ UAV bằng tổ hợp tên lửa phòng không SA-6.

"Ba ngón tay thần chết" trở lại

SA-6 là định danh của NATO dành cho tổ hợp tên lửa đất đối không 2K12 Kub do Liên Xô phát triển từ cuối những năm 1960.

Đầu những năm 1970, Liên Xô đã đưa vũ khí mới này tới Ai Cập để đối đầu với Israel. Rất nhanh chóng, trong cuộc chiến Yom Kippur 1973, SA-6 đã khiến lực lượng không quân Israel "nếm mùi đau đớn nhất kể từ ngày thành lập".

Khoảng 40 máy bay chiến đấu F-4 và A-4 của Israel đã "tan xác" bởi tên lửa SA-6. Sức mạnh của loại vũ khí này khi đó khiến phi công Israel "thán phục" công nghệ Liên Xô và đặt cho nó biệt danh "ba ngón tay thần chết" - ám chỉ bệ phóng với 3 quả đạn 3M9.

Lúc bấy giờ, 2K12 Kub đại diện cho thế hệ tên lửa mới của Liên Xô với khả năng cơ động cao trên xe bánh xích, tích hợp hệ thống dẫn đường mới hiện đại hơn tăng khả năng tác chiến hơn hẳn so với các hệ thống S-75 Dvina hay S-125 Pechora.

Các quả đạn 3M9 nặng 600kg trang bị đầu tự dẫn radar bán chủ động cho phép nó được điều khiển tấn công mục tiêu ưu thế hơn loại dẫn đường vô tuyến. Tầm bắn 6-22km, độ cao tác chiến từ 100m tới 7km.

SA-6 xé nát UAV ở Yemen: Iran mới là tác giả đẩy KQ Mỹ vào lưới lửa không lối thoát? - Ảnh 1.

Đạn 3M9 của SA-6 rời bệ phóng.

Có thể nói, SA-6 đã khiến Không quân Israel chịu thúc thủ suốt nhiều năm, mà phải tới cuộc chiến Lebanon 1982 họ mới có cơ hội phục thù. Chỉ trong một ngày, Israel đã phá hủy nhiều khẩu đội SA-6 của Syria.

Dù dần dần bị khắc chế, nhưng SA-6 tiếp tục "gieo rắc nỗi kinh hoàng" tới đầu những năm 1990. Trong cuộc chiến vùng Vịnh 1991, Iraq đã dùng SA-6 bắn hạ một máy bay F-16 của Mỹ.

Ngày 2/6/1995, Quân đội Cộng hòa Srpska (lực lượng quân sự ly khai nằm trong lãnh thổ Bosnia và Herzegovina) đã dùng SA-6 bắn rơi một F-16C của Mỹ.

Trong cuộc chiến Kosovo 1995, Nam Tư với 22 khẩu đội SA-6 đã đối phó "khá thành công" với lực lượng chế áp phòng không của Mỹ. Đối mặt với gần 400 quả AGM-88 HARM, Nam Tư chỉ mất có 3 radar của SA-6.

Từ đó tới nay, SA-6 ít xuất hiện dù rằng nó vẫn còn được trang bị ở nhiều nơi. Trong cuộc nội chiến Syria, nó cũng không được sử dụng tốt trước các cuộc không kích của Israel. Và tưởng như "ba ngón tay" SA-6 không tạo thành mối nguy hiểm nào nữa...

Nhưng bất ngờ thay, sự kiện phiến quân Houthi dùng SA-6 bắn rơi UAV của Mỹ một lần nữa đưa "ba ngón tay thần chết" trở lại thế giới.

SA-6 xé nát UAV ở Yemen: Iran mới là tác giả đẩy KQ Mỹ vào lưới lửa không lối thoát? - Ảnh 2.

Động cơ chiếc MQ-9 bị bắn rơi ở Yemen.

Ai đã giúp Houthi?

Theo Izvestia, việc Houthi có trong tay Kub tạo ra mối lo ngại lớn với Quân đội Mỹ vì phạm vi phòng không của lực lượng này tăng lên đáng kể. Các phi công của liên minh Ả Rập khi sử dụng vũ khí chính xác cao tầm ngắn có thể không còn an toàn.

Ngay cả các phi công Mỹ giàu kinh nghiệm phải "nơm nớp" nếu muốn bay vào khu vực có lực lượng Houthi đóng giữ.

Tất nhiên, người Mỹ có thể chọn giải pháp sử dụng các biện pháp chế áp phòng không, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Họ chắc chắn hiểu ra rằng Houthi phải có ai giúp đỡ mới vận hành nhuần nhuyễn SA-6.

Bởi không như tên lửa vác vai với một ống phóng + kính ngắm với vài ngày huấn luyện là có thể sử dụng. SA-6 thì khác, cơ chế điều khiển hệ thống tên lửa phòng không tầm trung - xa vô cùng phức tạp.

SA-6 xé nát UAV ở Yemen: Iran mới là tác giả đẩy KQ Mỹ vào lưới lửa không lối thoát? - Ảnh 3.

Tên lửa SA-6 được xuất khẩu tới nhiều nước, nhưng Yemen thì không, Houthi có chúng từ bên ngoài.

Nó là sự kết hợp nhiều thành phần, nhiều lực lượng, có thể lược qua đơn giản, các hệ thống radar cảnh giới thông báo tới kíp chiến đấu SA-6 mục tiêu lạ xuất hiện.

Đài điều khiển 1S91 của tổ hợp sẽ bám bắt, chiếu xạ liên tục vào mục tiêu, sau đó chỉ huy ra lệnh phóng tên lửa 3M9. Ban đầu quả đạn bay theo quán tính, sau đó đầu tự dẫn trên đạn sẽ thu sóng phản xạ lại từ mục tiêu (đài 1S91 chiếu) và điều chỉnh cánh lái hướng vào quân địch.

Nghe thì đơn giản, nhưng để huấn luyện kíp chiến đấu tác chiến thành thục có thể mất ít nhất vài tháng, thậm chí cả năm.

Đó là còn chưa kể, các binh sĩ cũng cần biết tiếng Nga, vì đa số khí tài do Liên Xô (cũ) sản xuất.

Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang Yemen trước kia không có SA-6. Như vậy, lực lượng Houthi chắc hẳn nhận được sự hỗ trợ và huấn luyện từ bên ngoài.

Nếu đúng như vậy, SA-6 là một chuyện, nhưng đáng sợ nhất là những người hỗ trợ đứng sau - mà khả năng cao theo bộ chỉ huy Mỹ đó là người Iran - đồng minh thân cận của Houthi.

Việc Iran công khai ủng hộ lực lượng đối địch với Mỹ và đồng minh ở Trung Đông không phải hiếm. Ví như Hezbollah ở Lebanon hay phong trào Hamas (Palestin) rồi Quân đội Syria ủng hộ Tổng thống Assad đều có sự xuất hiện của vũ khí và binh sĩ Iran.

Thế nên, nếu Houthi được Iran trợ giúp không có gì lạ, nhưng với Mỹ họ tiếp tục "canh cánh" trong lòng nỗi lo lắng ngày càng tăng về tầm ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Tehran.

Điều này sẽ càng nghiêm trọng hơn sau sự kiện phòng không Iran bắn rơi UAV Mỹ ở bờ biển phía Nam nước này.

Không thể loại trừ việc Iran từ đây có thể đưa vũ khí nội địa của mình tới Syria, Yemen, Lebanon, Palestine, như thế "vô hình chung" họ tạo thành một mạng lưới phòng không vượt khỏi lãnh thổ, .

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00
Video hiện chưa sẵn sàng

Tên lửa SA-6 rời bệ phóng thế nào?

Đọc báo, xem tin quốc phòng VN mới nhất tại Soha.
Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Pháo hoa rực sáng đón năm mới Ất Tỵ an lành, thịnh vượng

28/01/2025 21:11

Đúng 12g, ngày 29 tết pháo hóa rực sáng trên bầu trời nhiều nơi trên cả nước. Mọi người hân hoan chào đón năm mới Ất Tỵ an lành, thịnh vượng.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại