S-400 của Nga chuẩn bị "giăng lưới" ở nơi không ngờ, "bắt gọn" máy bay Israel hùng hổ đi không kích "vô tội vạ"?

Quốc Vinh |

Không chỉ không kích các mục tiêu Iran ở Syria, máy bay của Israel được cho là đã sang cả không phận Iraq. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ không kéo dài một khi phòng không Nga vào cuộc.

"Cái gai" Israel

Một loạt các cuộc tấn công được cho là của Israel nhằm vào các mục tiêu Iran ở Syria, Lebanon và Iraq đã gây chấn động khu vực trong những tuần gần đây. Các cuộc tấn công vào Iraq là chưa từng có từ trước đến nay, với những ảnh hưởng lâu dài chưa được tính toán.

Trước nguy cơ nói trên, nhu cầu đặt ra ngay lập tức với người dân và giới lãnh đạo của các nước Trung Đông là muốn bảo vệ bầu trời của họ một cách hiệu quả hơn.

Hiện tại, các hệ thống phòng không ở Trung Đông bị hạn chế về nhiều mặt, bao gồm cả thiếu thiết bị cải tiến. Chúng phụ thuộc quá nhiều vào các cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Ngay sau các cuộc tấn công được báo cáo đến từ Israel, Nga đã không mất nhiều thời gian để tiến gần hơn tới Iraq về mặt hợp tác kỹ thuật quân sự.

Truyền thông Iraq hồi cuối tháng 8 đưa tin, trong cuộc họp giữa lãnh đạo Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbousi và Đại sứ Nga tại Iraq Maxim Maximov, nhà ngoại giao Nga cho biết Moscow sẵn sàng hỗ trợ sáng kiến ​​của Iraq tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm mở rộng khả năng của phòng thủ của nước này.

Đề xuất của Nga đương nhiên được cho là hấp dẫn hơn Mỹ - quốc gia về cơ bản bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc tấn công của Israel hơn là nghĩ về mối quan tâm của Baghdad.

Các cuộc không kích bị cáo buộc thực hiện bởi Israel đã nổ ra một làn sóng phẫn nộ ở Iraq, kêu gọi người Mỹ rút quân ngay lập tức. Một số liên minh chính trị cáo buộc người Mỹ đã "tiếp tay" cho việc mở không phận Iraq để tạo điều kiện cho các cuộc tấn công của Israel trở nên dễ dàng hơn.

Lãnh đạo Lực lượng Huy động Phổ biến (PMU) của Iraq là Falah al-Fayyad đã đến thăm Moscow vào ngày 3/9 để gặp gỡ với người đứng đầu Hội đồng Bảo an Nga Nikolai Patrushev.

Các bên đã thảo luận về hợp tác chống khủng bố, cách thức để đạt được sự ổn định và an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải tránh sự can thiệp của nước ngoài.

Giới quan sát tin rằng, lý do thực sự cho chuyến thăm của ông Fayyad có lẽ liên quan đến mối quan tâm của Iraq trong việc mở rộng liên lạc kỹ thuật quân sự với Nga và mua các hệ thống phòng không của Nga.

Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Moscow và Baghdad đang gia tăng trong thời gian qua, được chứng minh bởi các hợp đồng mua máy bay và xe tăng.

Mối quan hệ này được mở rộng nhanh chóng sau năm 2014, khi hai nước thực hiện các hợp đồng đã ký trước đó về việc củng cố hệ thống an ninh của Iraq, tạo điều kiện cho cuộc chiến chống khủng bố IS.

Úp mở về S-400

S-400 của Nga chuẩn bị giăng lưới ở nơi không ngờ, bắt gọn máy bay Israel hùng hổ đi không kích vô tội vạ? - Ảnh 1.

Các cuộc không kích của Israel đang khiến nhiều quốc gia Trung Đông lo ngại.

Trước đó, đã có các báo cáo nói về mối quan tâm của Baghdad với hệ thống phòng thủ S-400 của Nga. Tuy nhiên, các quan chức Chính phủ Iraq liên tục phủ nhận những tuyên bố này. Bây giờ, trước mối nguy từ các cuộc tấn công được cho là của Israel, mối quan tâm về vũ khí tối tân của Nga đã mang một ý nghĩa mới ở Iraq.

Tuy nhiên, nếu Baghdad nghiêm túc trong việc mua các hệ thống phòng không S-400, một số vấn đề sẽ cần được cả hai quốc gia cân nhắc, theo Moscow Times.

Trước hết, Iraq sẽ phải trả một khoản "phí chính trị" khổng lồ, vì việc mua hệ thống phòng thủ của Nga sẽ phải đón nhận lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến mua S-400 hoặc thậm chí S-300 (cả hai hệ thống được sản xuất bởi công ty Almaz-Antey) đều có thể khiến Iraq phải chịu các biện pháp trừng phạt như vậy.

Tất nhiên, mối đe dọa trừng phạt từ Mỹ đã không ngăn cản Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ấn Độ mua vũ khí. Nhưng câu hỏi đặt ra là Iraq liệu có "can đảm" tiếp bước những khách hàng trước đó hay không.

Về phần mình, Nga có thể cảm nhận được rằng việc duy trì mối quan hệ đặc biệt với Israel sẽ là một thách thức nếu nước này bán các hệ thống phòng thủ cho Iraq.

Thứ hai, Iraq có thể yên tâm rằng Moscow sẽ thực hiện nghiêm túc mọi lời đề nghị mua vũ khí. Điều này dựa trên những gì Nga đã làm để tìm cách duy trì sự ổn định ở nước này và trong khu vực nói chung, trong khi vẫn giữ nguyên lợi ích của mình.

Những lợi ích này chủ yếu liên quan đến các khoản đầu tư hàng tỷ đô la của Nga vào ngành công nghiệp dầu khí của Iraq.

Cuối cùng, ngay cả khi một hợp đồng cung cấp phòng không được ký kết và thực hiện, các hệ thống sẽ được cung cấp cho quân đội Iraq, chứ không phải PMU. Chính phủ Iraq chắc chắn sẽ giám sát chặt chẽ vấn đề này .

Nếu Nga nghiêm túc trong việc cung cấp các hệ thống phòng không Iraq, động thái này sẽ đặt ra một tình thế khó khăn chính trị, đòi hỏi Moscow phải xem xét cẩn thận xem liệu động thái này có đáp ứng đầy đủ lợi ích của mình hay không và liệu nó có an toàn cho mối quan hệ với các chủ thể khu vực khác hay không – đặc biệt là Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại