S-400, Bastion-P thị uy ở Kuril: Mũi tên độc 2 đích

Thiên Nam |

Hiện Nga đang nỗ lực quân sự hóa “một phần” quần đảo Kuril vốn đang có tranh chấp với Nhật. Tại sao là một phần? Điều đó có ý nghĩa gì?

Nga quân sự hóa một phần quần đảo Kuril

Ngày 23/11 vừa qua, Bộ quốc phòng Nga tuyên bố rằng, nước này sẽ bố trí các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển “Bal” và “Bastion P” trên quần đảo Kuril.

Thông báo trên tờ “Boevaya Vakhta” - cơ quan ngôn luận chính thức của Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, trong năm 2016 các đơn vị hỗn hợp đã được nhận trang bị mới, hình thành tiểu đoàn tên lửa bờ biển “Bastion” đầu tiên, hiện nay đang lập tiểu đoàn thứ hai.

Theo thông tin của báo này, ngay từ năm 2015 đơn vị tên lửa bờ biển “Bal” được triển khai từ trước đó đã chuẩn bị tiến hành thao diễn bắn đạn thật và các cuộc tập trận liên hợp trong vùng biển Nhật Bản.

Bộ quốc phòng Nga còn nêu rõ, các tiểu đoàn đảm nhận nhiệm vụ trực chiến tăng cường, với hệ thống tên lửa “Bastion” trên đảo Iturup và tên lửa “Bal” trên đảo Kunashir. Hiện nay, Nga đang tích cực chuẩn bị cho đợt tập luyện bắn pháo bờ biển của tổ hợp “Bastion” kế tiếp.

Tuy nhiên, trong thông báo không nói rõ là tiểu đoàn tên lửa Bastion thứ 2 sẽ được triển khai ở đảo nào. Tuy nhiên, rất có thể nó sẽ được đưa đến đảo Kunashir, hình thành một đơn vị hỗn hợp cả 2 hệ thống Bal và Bastion.

Bên cạnh đó, các chuyên gia quân sự Nga cũng đang kiến nghị triển khai các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 đến quần đảo này, để bổ trợ sức mạnh phòng thủ trên không, còn các hệ thống tên lửa bờ đối hạm (DBK) chuyên cảnh giới mặt biển.

Trong khuôn khổ kế hoạch tăng cường phòng thủ ở vùng Viễn Đông đã được Bộ Quốc phòng Nga công bố trước đây, chuyên gia quân sự Nga Viktor Murakhovski cho rằng, Nga có thể triển khai ở quần đảo Kuril các hệ thống tên lửa phòng không mới nhất S-400.

Ông nhấn mạnh rằng, nếu đọc kỹ các tài liệu của Bộ Quốc phòng năm 2014, năm 2015, kế hoạch tăng cường phòng thủ Kuril cũng đã đề cập”. Theo ông, trong các tài liệu nói trên kế hoạch đặt ra không chỉ triển khai DBK, mà cả hệ thống phòng không S-400.

Ông Murakhovski nhận định, hoạt động này “hoàn toàn mang tính phòng thủ”, nhằm đẩy lùi sự xâm lược bằng đường biển và đường không. Nếu không có sự khiêu khích, Nga sẽ không sử dụng các tổ hợp này trên thực tế, do đó, nó không mang tính chất đe dọa đối với các nước lân cận, trong đó có Nhật Bản.

Ngoài ra, Nga cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Kuril. Căn cứ này sẽ có một là trạm dừng chân mới, là trạm thứ ba của Hạm đội Nga ở vùng Viễn Đông. Hiện công đoạn khảo sát thăm dò nền đáy căn cứ tương lai đã được bắt đầu.

Công trình xây dựng chủ thể quân sự, theo ước tính sơ bộ sẽ mất từ ​​2-3 năm. Nhiều khả năng là địa điểm xây dựng căn cứ mới được lựa chọn sẽ ở trên hòn đảo lớn nhất của chuỗi Kuril là đảo Shumshu. Hiện phương tiện giám sát không người lái “Eleron-3” đã được điều đến đây.

Một vấn đề rất đang chú ý là trong tất cả các tuyên bố của Nga, người ta chỉ thấy Nga triển khai vũ khí phòng thủ tới 2 đảo Iturup và Kunashir - 2 đảo lớn nhất trong chuỗi 4 đảo đang tranh chấp. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

Tại sao Nga quân sự hóa chỉ "một phần" Kuril?

Tuy nhiên, các chuyên gia lại có nhận định rằng, phía sau động thái tăng cường lực lượng, phương tiện chiến đấu đến quần đảo Kuril của Nga còn có một ẩn ý khác, mà nó rất có thể là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn chủ quyền giữa hai nước, kéo dài suốt từ sau Thế chiến 2 đến nay.

Từ trước đến nay Nga-Nhật đã dựa vào một số tài liệu như: Tuyên bố Xô-Nhật năm 1956, Tuyên bố Tokyo năm 1993, Tuyên bố Moscow năm 1998, hay Tuyên bố Irkutsk năm 2001 để làm cơ sở trong các cuộc đàm phán song phương, nhưng mọi việc vẫn chưa ngã ngũ.

Các chuyên gia nhận định rằng, việc Nga tăng cường quân sự hóa quần đảo Kuril, đặc biệt là 2 đảo lớn Iturup và Kunashir là một mũi tên nhằm vào 2 đích.

Thứ nhất: Đây là sự đáp trả với kế hoạch tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt là kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, với mục đích bề ngoài là đối phó với Triều Tiên nhưng còn nhắm vào cả Nga và Trung Quốc.

Thứ 2: Việc Nga quân sự hóa quần đảo Kuril cũng là lời cảnh báo Tokyo là: Không nên để Mỹ lân la lại quá gần khu vực chủ quyền của Nga. Nếu Tokyo đưa Mỹ tiến sát đến lãnh thổ của Nga thì coi như sẽ không bao giờ có việc đàm phán về vấn đề chủ quyền nữa.

Thứ 3: Việc Nga chỉ quân sự hóa 2 đảo lớn Iturup và Kunashir, đồng thời tập trung phát triển hạ tầng kinh tế ở 2 đảo nhỏ Shikotan và Habomai là dấu hiệu cho thấy nước này đã nghiêng về phương án thỏa hiệp 2-2 với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp 4 đảo ở Kuril.

Theo đó, hai đảo Iturup và Kunashir sẽ dưới sự quản lý hành chính của Nga trong thời gian nhất định nào đó, rồi sau sẽ đàm phán tiếp; còn các đảo Habomai và Shikotan được bàn giao cho Nhật Bản như một điều kiện để ký kết hiệp ước hòa bình.

S-400, Bastion-P thị uy ở Kuril: Mũi tên độc 2 đích  - Ảnh 1.

Nga và Nhật có thể chia sẻ quyền khai thác 2 đảo Shikotan và Habomai rồi sau đó mới trao trả cho Nhật?

Các đảo được Nga xây dựng cơ sở quân sự đương nhiên không bao giờ trao trả cho Nhật Bản, còn các đảo Nga đã xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế thì Nga sẽ có chính sách ưu đãi "cùng khai thác" với Nhật trong thời hạn nhất định, rồi sau mới bàn giao.

Như vậy, trong khoảng thời gian vài chục năm nữa, mặc dù Nhật có thể nhận được chủ quyền trên danh nghĩa đối với 2 đảo nhỏ nhưng trên thực chất họ vẫn phải chia sẻ quyền khai thác lợi ích kinh tế với Nga, rồi sau mới được nhận lại. Đây là nước cờ rất cao của Nga.

Những lập luận trên là cơ sở kết luận rằng, phép chia đều 2-2 (Nhật 2 đảo, Nga 2 đảo) có thể là phương án mà cả Moscow và Tokyo ưng ý nhất. Cả 2 bên đều có thể nhận được những lợi ích về cả chính trị, ngoại giao, kinh tế mà không ảnh hưởng đến vị thế quốc gia.

Nga-Nhật đều tiếp nhận những vấn đề chủ quyền mang yếu tố lịch sử, Nga là từ Liên Xô, Nhật là từ nước Nhật phát xít bại trận trong Thế chiến thứ 2. Về lí, về tình 2 bên đều có những lí lẽ riêng rất khó phân giải nên một giải pháp trung hòa là điều 2 bên có thể chấp nhận.

Hơn nữa, phương án này cũng là hình thức phân chia được coi là phù hợp với Tuyên bố năm 1956, theo đó, Xô-Nhật mỗi bên nhận 2 trong số 4 đảo tranh chấp. Về hình thức, đây được coi là một thắng lợi đối với Nhật Bản, còn Moscow cũng không mất mặt, mà còn được tiếng là tôn trọng luật lệ quốc tế, mà vẫn thu được cả lợi ích kinh tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại