S-300 canh giữ Syria: Israel "nóng mắt" nhìn Iran tung hoành mà không dám động thủ?

Quốc Vinh |

Trong lúc Israel còn ngại ngần trong việc tiếp tục không kích ở Syria khi S-300 vừa chuyển đến, Nga có thể đã "khuyên nhủ" Iran nên thừa cơ hội này mà gia tăng hoạt động.

Người Nga vận hành S-300, Israel gặp khó?

Trong những tuần gần đây, Nga đã có một lập trường mạnh mẽ hơn đối với Israel liên quan đến hoạt động của không quân nước này ở phía Bắc, theo Haaretz.

Người Nga đang yêu cầu được cung cấp thêm thông tin từ phía Lực lượng Phòng vệ Israel thông qua "đường dây nóng" nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc đụng độ trên không nào giữa hai bên. Đã có một số trường hợp trong đó radar phòng không của Nga tại Syria được kích hoạt liên quan đến hoạt động của không quân nước này ở phía Bắc.

Động thái của Nga đang được Israel hiểu như là một phản ứng với vụ việc trinh sát cơ Il-20 của nước này bị bắn nhầm hôm 17/9, giữa thời điểm Israel đang tiến hành một cuộc không kích gần Latakia.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman tuần trước nhấn mạnh, Israel sẽ tiếp tục hoạt động tại Syria với mục đích ngăn chặn sự tích tụ quân sự của Hezbollah.

Vào cuối tuần trước, tờ Izvestia của Nga đưa tin rằng, ba hệ thống phòng không do Nga cung cấp cho Syria vào cuối tháng 9 là mô hình tiên tiến nhất của tên lửa S-300. Izvestia cũng thông báo hệ thống phòng không này ban đầu sẽ do các chuyên gia Nga vận hành.

Về phần mình, cơ quan an ninh của Israel vẫn khẳng định, nếu cần thiết, lực lượng không quân Israel vẫn có thể tấn công các mục tiêu ở Syria bất chấp việc hệ thống phòng không mới đang hiện diện.

Quá trình đào tạo binh lính Syria để vận hành tổ hợp tên lửa dự kiến ​​sẽ mất một khoảng thời gian nhất định và bản thân hệ thống vẫn chưa được triển khai đầy đủ.

Tuy nhiên, động thái chính của Nga là trên mặt trận ngoại giao và truyền thông: Moscow đang báo hiệu cho Israel rằng họ dự định sẽ hạn chế quyền tự do của Israel trên bầu trời Syria.

Sự hiện diện của quân đội Nga cũng sẽ làm cho Israel khó tấn công hệ thống này hơn, một khi nó được dùng để tấn công máy bay của Israel, tờ Haaretz nhận định.

Thủ tướng Netanyahu cho biết từ cách đây hai tuần rằng, ông đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin và cả hai đã đồng ý gặp nhau sớm. Tuy nhiên, chưa có ngày gặp mặt chính thức được công bố.

Trong các nỗ lực giảm khủng hoảng trong những ngày sau vụ việc Il-20 bị bắn rơi, người Nga tỏ ra không mặn mà đối với việc tổ chức một cuộc họp cấp cao và cảm thấy chuyến thăm Moscow bởi phái đoàn quân sự - đứng đầu là Thiếu tướng Amikam Norkin, chỉ huy lực lượng không quân - là đủ.

Tại đây, ông Norkin đã chia sẻ với các đối tác Nga về những chi tiết trong vụ việc, đặt trách nhiệm hoàn toàn cho sự cố này vào sai lầm của quân đội Syria.

Nhưng Nga đã bác bỏ những phát hiện này và đã ban hành tuyên bố riêng của mình với cáo buộc Không quân Israel cố tình thực hiện hoạt động bay nguy hiểm.

Một tháng sau khủng hoảng

S-300 canh giữ Syria: Israel nóng mắt nhìn Iran tung hoành mà không dám động thủ? - Ảnh 1.

Trong lúc Israel tạm dừng các cuộc không kích thì các hoạt động của Iran lại được tăng cường.

Theo các nhà phân tích, động thái của Nga không đánh dấu sự kết thúc đối với các cuộc không kích của Israel tại Syria. Nhưng hiện tại, hơn một tháng sau vụ việc, rõ ràng là đã có những thay đổi cơ bản và Israel sẽ phải thực hiện một cách tiếp cận ngoại giao và quân sự mới mẻ hơn, nhằm cứu vãn ít nhất một số quyền tự do hoạt động của mình.

Có lẽ trước khi vụ việc máy bay Nga bị bắn rơi, Israel chưa bao giờ lường trước được rằng sẽ có một sự thay đổi thái độ ở Moscow liên quan đến những lợi ích chính của mình tại đây.

Sau cuộc tấn công ở Latakia, trong đó trinh sát cơ của Israel bị bắn hạ, IDF nói rằng mục tiêu tấn công của nước này bao gồm máy móc để chế tạo thiết bị có thể cải thiện độ chính xác của tên lửa Hezbollah. Theo Israel, các chiến binh Iran và các chiến binh Hezbollah sắp chuyển giao thiết bị này từ Syria tới Lebanon.

Tuần trước, Fox News đưa tin, trích dẫn nguồn tin tình báo phương Tây cho biết, gần đây Iran đã tăng tần suất các chuyến hàng vũ khí của mình cho Hezbollah bằng các chuyến bay dân sự đến Beirut.

Theo báo cáo, các thành phần để cài đặt hệ thống định vị GPS trên tên lửa của Hezbollah (biến chúng thành vũ khí dẫn đường chính xác), đã được chuyển giao trên các máy bay Boeing 747, mà một vài trong số đó đã dừng lại ở sân bay Damascus.

Hezbollah dường như vẫn thiếu khả năng công nghệ cần thiết để lắp đặt nhanh chóng và hiệu quả các thành phần này trên tên lửa của mình ở Lebanon, cũng như cải thiện độ chính xác của chúng.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng trước, Thủ tướng Netanyahu đã cảnh báo về nỗ lực của Iran và Hezbollah trong việc xây dựng các dây chuyền lắp đặt linh kiện tại một số địa điểm ở Beirut, bao gồm một tổ hợp ngầm dưới sân vận động và sân bay. Rất có thể Israel sẽ sớm thực hiện các biện pháp công khai hơn nữa để chứng minh các kế hoạch của Hezbollah.

Đáp lại bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc của ông Netanyahu, lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah nói rằng ông đã nghe đủ các báo cáo của Israel và từ bây giờ, ông sẽ không bình luận công khai về những cáo buộc liên quan đến Hezbollah.

Iran được cho là đang tập trung vào các nỗ lực chuyển giao vũ khí tới Lebanon ngay giữa thời điểm Israel đang phải tạm ngừng các cuộc không kích trong lãnh thổ Syria. Israel không loại trừ khả năng sự thay đổi này đến từ chỉ thị của Nga theo sau vụ việc máy bay nước này bị bắn rơi.

Diễn biến này có thể phản ánh một nỗ lực của Moscow trong việc thiết lập các quy tắc mới của trò chơi Syria và giảm sự va chạm giữa Israel và Iran như một phần nỗ lực để ổn định quyền lực của Tổng thống Assad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại