Chiều tối 17-6, bất chấp trời đổ con mưa, đông kín bạn bè thân hữu và thật nhiều bạn trẻ đã đến Đường Sách TP.HCM để dự giao lưu và ra mắt quyển tự truyện "Ông giáo làng trên tầng gác mái" của thầy giáo - nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh.
Lặng im nghe người khác nói về mình.
Trên sân khấu, Nguyễn Thế Vinh ngồi im lặng lẽ nghe lời mọi người nói về mình.
Anh không cắt ngang, không tranh luận, không trao đổi sôi nổi, năng động, không thể hiện phong thái nhân vật hay thể hiện gì cả như nhiều nhân vật ở nhiều buổi ra mắt sách khác. Anh cứ hiền lành ngồi đó nghe và cười.
Khi trả lời về bản thân mình thì anh bình thản, chân phương với chất giọng mộc mạc hồn hậu.
Ấy vậy mà người nghe, bạn bè lại rưng rưng vì thương mến anh – một nhân cách sống đẹp quá kiên cường, hồn hậu, vượt lên bao nghịch cảnh khó khăn để thương người khác, để đùm bọc, dạy dỗ những đứa trẻ mồ côi, bụi đời thành tài.
Rưng rưng vì thương cảm một cuộc đời quá thiệt thòi, cực nhọc, mẹ ra đi từ năm 7 tuổi, lăn lộn với đời để mưu sinh, để giúp đỡ gia đình với đủ nghề đi buôn, dạy kèm, vá xe, làm thuê chỉ với một cánh tay, một tấm thân gầy còm.
Khi trả lời câu hỏi, anh luôn tiến đến gần bạn đọc một cách thân thiện.
Nói về chuyện của mình thì giản dị như vậy, nhưng khi Nguyễn Thế Vinh nói về những vấn đề của xã hội, chuyện lối sống của giới trẻ thì anh trở thành một con người khác.
Anh quyết liệt, mạnh mẽ, sôi nổi hẳn lên. Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ về việc giới trẻ hiện nay thiếu điều gì so với thế hệ trẻ trước đây, Nguyễn Thế Vinh đau đáu:
“Giới trẻ bây giờ không quan tâm xã hội, không quan tâm người khác. Họ chỉ biết sống cho mình, nghĩ cho mình và làm điều và làm điều mình thích là trên hết.
Sống vì cái gì người ta tung hô mình lên, như trên mạng có bạn sẵn sàng đốt mình vì có một ngàn like thì khủng khiếp quá. Giới trẻ bây giờ rất ít người sống có lý tưởng, ít ra chỉ ở suy nghĩ là làm được cái gì giúp ích cho vài người thân quanh mình, cho đến giúp ích cho cộng đồng”.
Mẹ con nghệ sĩ Cẩm Vân đến chia vui.
Không chỉ nói suông, bản thân cuộc sống – cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh chính là một minh chứng cho việc anh sống có lý tưởng, có cống hiến cho cộng đồng, sống vì tình yêu thương những người xung quanh mình, yêu thương những đứa trẻ thiệt thòi để vun bồi, bù đắp cho chúng.
Bị khiếm khuyết mất một cánh tay, mồ côi từ năm 7 tuổi, anh đã vượt khó để sống, làm việc, học hành như một người bình thường khi tốt nghiệp Đại học Kinh Tế, đi buôn bán, dạy kèm, làm thêm đủ việc để kiếm sống và phụ giúp gia đình.
Anh có nghề dạy kèm từ nhỏ và đã dạy rất nhiều học trò đậu đại học, trong đó có nhiều trẻ mồ côi khuyết tật.
Năm 2009 anh gom hết vốn liếng và vận dụng hết mọi công sức, quan hệ của mình để gây dựng Cơ sở Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Hướng Dương và gắn đời mình với nó.
Nhiều bạn trẻ đã đến dự buổi giao lưu ra mắt sách dù Nguyễn Thế Vinh không phải ngôi sao giải trí.
Quyển tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái kể tuần tự những câu chuyện khó khăn, vui buồn, công việc, tình cảm mà Nguyễn Thế Vinh từng trải qua với giọng văn đơn giản.
Song, cứ từng chương, từng chuyện trong quyển sách lại khiến người đọc rưng rưng như cảm giác bùi ngùi, thương cảm, thương mến, quí yêu, quí phục dành cho Nguyễn Thế Vinh tại buổi giao lưu vậy.
Chẳng trách vì sao mà buổi giao lưu ra mắt sách của Nguyễn Thế Vinh lại đông người đến thế dù trời mưa - như MC nói “Ai cũng sợ anh Vinh cô đơn”.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã viết về Nguyễn Thế Vinh:
“Đọc tự truyện Ông giáo làng trên tầng gác mái của Vinh, thú thật đôi chỗ tôi đã phải dừng lại vì lòng rưng rưng một cảm giác khó tả - nhất là câu chuyện về mẹ Vinh, đã làm tim tôi thắt lại…
Trong số những bạn bè, người quen của tôi, không ai có một hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy! Mà chắc cũng không có ai thầm lặng, kiên trì, lì lợm … đeo đuổi một công việc cực nhọc đến vậy!”