Huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam giữa vùng tam giác kinh tế gồm TP.HCM, Biên Hòa và Vũng Tàu. Huyện giáp ranh với Quận 2 (TP.HCM), ngăn cách bởi sông Đồng Nai vốn kết nối bằng phà Cát Lái.
Được biết, năm 1996, Nhơn Trạch được phê duyệt quy hoạch lên thành phố, là đô thị loại II, dự kiến vào năm 2005 có diện tích 2.000ha, dân số dự kiến năm 2005 vào khoảng 100.000 người. Và đến năm 2020 khoảng 500.000 dân, với diện tích rộng khoảng 8.000 ha, gồm các khu chức năng như công nghiệp, dân dụng, đô thị...
Sau khi có phê duyệt quy hoạch, Nhơn Trạch đã thu hút nhiều dự án đầu tư. Năm 2005, dự án Khu đô thị mới Long Thọ - Phước An (nằm trên 2 xã Phước An và Long Thọ) được triển khai, là một trong những dự án triển khai đầu tiên và có quy mô lớn với diện tích 224 ha.
Theo quy hoạch phê duyệt thì khu đô thị này là “lõi” của Thành phố mới. Khu dân cư hiện đại này sẽ được xây dựng với với các biệt thự phố, nhà liền kề, chung cư, trường học, siêu thị, các trung tâm văn hóa, công viên...
Đến nay sau 21 năm quy hoạch và 12 năm triển khai, một thành phố mới đông dân theo quy hoạch và trên thực tế là một trời một vực…
Người viết đã nghe, đọc nhiều về sự hoang lạnh đến rợn người của Thành phố mới Nhơn Trạch sau thời gian dài triển khai. Nhưng phải đến khi được mục sở thị thì thật sự mới cảm nhận rõ rệt, đến mức “toát mồ hôi hột, nổi da gà” khi đặt chân đến đây.
Sáng ngày 13/7, tôi chạy xe hướng xuống phà Cát Lái (quận 2), lên phà vượt sông Đồng Nai mất vài phút là đến đất Nhơn Trạch (Đồng Nai). Chạy thêm chừng gần 20 cây băng qua trung tâm huyện là tới trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch. Như vậy thành phố này chỉ cách TP.HCM chừng 30km.
Đi theo hướng cổng Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 3 mất chừng 10 phút sẽ tới địa bàn xã Long Thọ. Không bảng hiệu chỉ dẫn, không cổng chào, không còn thông tin về dự án và không tìm thấy thông tin trên “bản đồ mạng” tôi đành hỏi người dân địa phương để xác định phương hướng và tìm đường dẫn vào khu đô thị Long Thọ - Phước An.
Theo chỉ dẫn của người dân, rẽ phải vào con đường đất có nhiều đoạn sình lầy, trơn trượt. Con đường khó đi không làm tôi mảy may bằng sự vắng lặng, yên tĩnh trên con đường không một bóng người, thỉnh thoảng xuất hiện ngôi nhà nhỏ khóa cửa im ỉm còn chủ yếu là các khu đất trống bạt ngàn để trồng keo và khoai mì (sắn).
Chạy khoảng 1km thì hết đường đất và nối ngay vào đường trải nhựa rất rộng. Đầu đường nhựa có bare chốt gác nhưng không có người. Con đường thênh thang nhưng cây cối, cỏ dại đã mọc lấn xuống lòng đường một khoảng, nhìn hun hút khiến tôi thấy gai lạnh dù trời giữa trưa.
Lúc này tôi để ý thấy hai bên là rừng trồng keo đang có người cưa cây thu hoạch. Sau này tìm hiểu thì được biết các chủ khu đất ở đây cho dân thuê đất để trồng loại cây này kiếm chút tiền vốn thay vì để hoang.
Dù đoạn đường này trải nhựa nhưng không thấy một ngôi nhà nào mọc lên, hai bên đường chỉ toàn trồng keo và vườn khoai mì. Phóng tầm mắt ra phía xa cũng chỉ thấy hun hút con đường nhựa có phân làn rộng rãi nhưng không có ai đi lại. Tôi bắt đầu thấy ái ngại và đặt câu hỏi liệu mình có đi nhầm đường?
Thấy tiếng xe máy, lại là người lạ xuất hiện, nhiều tiếng máy cưa cây bên đường dừng lại, nhiều ánh mắt nhìn về phía tôi.
Bất giác tôi bẻ lái quay vòng trở lại, vượt qua quãng đường đất ban nãy để phóng ra ngoài đường nhựa liên xã. Toàn thân tôi vã mồ hôi! Định bụng từ bỏ ý định tìm hiểu thành phố mới mà người ta nói là thành phố ma này. Nhưng đã lỡ cất công xuống chẳng lẽ trắng tay ra về.
Chuyển hướng “đánh” một mình, tôi ghé một quán nước, hỏi dò xem có bác xe ôm nào không để nhờ dẫn đường cho chính xác. Thật may mắn tôi nhờ được một người dân, vốn đang sinh sống ở trong trung tâm “đô thị” Long Thọ - Phước An đang đi mua đồ dùng chuẩn bị trở về nhà.
Có người đồng hành tôi thấy hứng khởi hẳn. Chủ động bắt chuyện thì được biết người dân này đã sống lâu năm ở đây, rất nắm rõ thực trạng ở khu đô thị này.
Khi tới chốt gác vừa nãy, người chỉ đường cho tôi bảo phải chạy thêm vài cây số nữa mới tới “rốn” của khu đô thị. Thì đúng là “rốn” nhưng “rốn” này thật “nông” chứ không “sâu”.
Trung tâm một khu đô thị trước mắt tôi là nhiều căn biệt thự rộng cả trăm mét vuông đã hoàn thiện nhưng ít căn có người ở, đa phần là chốt chặt cửa, im lìm.
Nhiều ngôi nhà rêu phủ, cây cối quanh nhà mọc um tùm, tường vôi bong tróc nhìn cũ kỹ, xuống cấp. Nhiều công trình phục vụ cộng đồng phủ bụi bặm, hoang vắng. Đến đây thì tôi đã hiểu vì sao anh phải chạy mấy cây số để đi mua đồ sinh hoạt hay đơn giản chỉ là ngồi lai rai vài món với bạn.
Dạo một vòng quanh đây thỉnh thoảng mới gặp người trên đường. Chạy thẳng con đường hướng về phía trung tâm huyện Nhơn Trạch, vẫn là con đường trải nhựa đã phân làn với cỏ cây um tùm hai bên.
Cảnh dễ gặp bên đường - Ảnh: Danh Phú.
Trên con đường này nhiều căn nhà phố xây dở dang, trơ bộ khung với gạch đỏ ngả màu có dây leo chằng chịt. Bất chợt tôi thấy xuất hiện một cụm cư dân có vể khá đông người ở, đó là hai khu nhà ở cho nhân viên của một công ty về dầu khí. Ngay phía trước khu dân cư, nhiều đàn bò đang mải mê gặm cỏ trên dải phân cách của con đường lớn…
Tôi còn đi thêm vài vòng nữa và cảnh tượng cũng không khác gì. Ở đây có điện, có đường nhưng thiếu trường, thiếu chợ và quan trọng là thiếu người ở!
Người đồng hành với tôi có tiết lộ, ở thành phố mới này thời điểm “sáng láng” nhất là vào dịp Tết. Lúc đó chính quyền cho người phát quang cỏ cây bui rậm khắp các con đường để cho ra bộ mặt của phố phường. Anh bảo đó là dịp duy nhất trong năm “thành phố ma” này bớt đi sự hoang lạnh.
Thấy đã xong việc, tôi cảm ơn người đã đồng hành cùng mình mà kỳ thực nếu không có anh hỗ trợ chắc tôi đã bỏ dở vì… sợ sệt.
Chạy xe trở về, lại phải lên phà Cát Lái mới sang đất Sài Gòn, đứng trên phà nhìn hàng trăm con người cùng nhiều phương tiên giao thông cùng qua bên kia bờ sông Đồng Nai, tôi nghĩ về câu nói của anh dẫn đường “không biết khi nào cầu Cát Lái mới xây để dân Nhơn Trạch được nhờ”.
Cầu Cát Lái đang là niềm mong chờ của nhiều người dân không chỉ Nhơn Trạch - Ảnh: Danh Phú.
Có lẽ thông tin về làm sân bay Long Thành, cầu Cát Lái và nhiều dự án hạ tầng khác đã “hút” dòng tiền đổ về Nhơn Trạch. Nhưng đến nay khi mọi người vẫn chỉ nằm trên giấy thì dòng vốn của nhiều chủ đầu tư lẫn người dân đã mắc cạn không biết khi nào gỡ ra được…
Và tôi cũng nhớ câu trả lời của anh khi tôi có ý định gửi quà cho anh “thấy giúp được thì giúp thôi, đây có phải như thành phố đâu mà gì cũng tiền!”. Đấy, rõ ràng chỗ anh ở được quy hoạch lên thành phố đó chứ, đã triển khai rồi đó thôi nhưng có điều không biết khi nào thành phố mới nên hình hài như dự định…