Rủ em trai đang học cấp 3 làm game bán kiếm tiền, hơn 10 năm sau cả 2 cùng sở hữu đế chế game tỷ USD, lớn thứ 2 thế giới

Phương Linh |

2 anh em trở thành tỷ phú đôla nhờ cùng nhau làm game từ khi còn học cấp 3.

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một gã khổng lồ game mới, đẩy tài sản của 2 nhà sáng lập lên mức cao kỷ lục.

Nhờ hàng loạt game mới, Playrix đã trở thành nhà phát triển game di động lớn bậc nhất thế giới chỉ sau Tencent. Các nhà sáng lập và cũng là chủ sở hữu duy nhất của công ty gồm Igor 38 tuổi và Dmitry Bukhman, 35 tuổi đã chứng kiến khối tài sản tăng gấp đôi và hiện đạt 3,9 tỷ USD mỗi người theo thống kê của Bloomberg.

Rủ em trai đang học cấp 3 làm game bán kiếm tiền, hơn 10 năm sau cả 2 cùng sở hữu đế chế game tỷ USD, lớn thứ 2 thế giới - Ảnh 1.

Tuy nhiên thành công với 2 anh em Igor và Dmitry không tự nhiên xảy ra. Ở đỉnh điểm của khủng hoảng dịch bệnh, khi các công ty cắt giảm quảng cáo, nhà phát triển game đã có lợi thế về mức giá quảng cáo thấp hơn để tăng cường sức tiếp thị của họ. Lượng người dùng của Playrix tăng 50% lên 180 triệu người ở thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất và doanh thu tăng 60% lên 1,75 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm. Số lượng người chơi game đã ổn định ở mức 150 triệu người mỗi tháng.

"Những game thành công đã trở thành dịch vụ dài hạn tương tự như Netflix – công ty vốn duy trì lượng người dùng bởi việc thường xuyên bổ sung những nội dung mới. Chúng tôi liên tục có thêm những câu chuyện mới, những kỹ xảo và cấp độ game khác biệt để mọi người có thể chơi trong nhiều năm".

Julia de Macfarlane-Smith là một trong những người bị "cắn câu". Sau khi click vào một quảng cáo hồi tháng 2, cô đã bắt đầu dành 6 giờ một ngày để chơi Gardenscapes và chi 64 USD trong 1 tháng để qua các cấp độ trong game nhanh hơn. Trò chơi xếp hình 3 mảnh này là một trong những game được ưa thích nhất trên Playrix.

"Nó khiến cuộc sống trong nhà của tôi không quá buồn chán. Tôi không biết sẽ dành bao nhiêu giờ mỗi ngày để chơi game nếu như đại dịch không xảy ra, có thể ít hơn rất nhiều".

Những công ty game niêm yết từ Tencent ở Trung Quốc tới Zynga ở Mỹ, CD Projekt SA ở Phần Lan và Netmarble ở Hàn Quốc đều chứng kiến cổ phiếu tăng trong năm nay khi mọi người dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn để chơi game. Tuy nhiên, sự nổi lên của Playrix lên vị trí thứ 2 từ vị trí số 7 năm ngoái là một sự kiện đáng kể với 2 anh em người gốc Vologda – một thành phố cách thủ đô Moscow Nga 483 km. Trong một bài phỏng vấn vào năm ngoái, họ nói rằng muốn công ty của mình có cùng đẳng cấp với những gã khổng lồ như Activision Blizzard và NetEase.

2 anh em đã khởi nghiệp vào năm 2001 khi Igor được một giáo sư đại học chỉ cho rằng anh hoàn toàn có thể bán phần mềm trực tuyến. Anh quyết định thử làm việc đó cùng Dmitry – người khi ấy vẫn học cấp 3. Năm 2004, khi doanh nghiệp đạt 10.000 USD doanh thu hàng tháng, họ đã đăng ký kinh doanh và thuê văn phòng ở Vilogda.

Trong khi Tencent vẫn là công ty game dẫn đầu thế giới và chủ tịch của họ là Pony Ma hiện có khối tài sản trị giá 51 tỷ USD, Playrix hiện chỉ có hơn 2.500 nhân viên. Họ có trụ sở Ireland và các nhà phát triển ở Nga và Đông Âu.

Những ngân hàng đầu tư đã khuyến khích Playrix sáp nhập với một công ty lớn hơn hoặc niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán nhưng Dmitry nói hiện chưa có ý định về bất kỳ thỏa thuận nào. 2 anh em vẫn chưa đưa ra lựa chọn cho tương lai.

Trong 2 năm qua, công ty này đã mua 12 nhà phát triển game và hiện đang chờ sản xuất ra những tựa game mới hot. Điều đó để nói rằng những tựa game hiện tại vẫn rất quan trọng với họ.

"Các nhà đầu tư xem game như là một doanh nghiệp rủi ro – cần phải tạo ra một game hot nhưng điều đó không đúng hoàn toàn. Nếu tạo ra một game thành công và điều hành tốt, bạn có thể kiếm tiền trong nhiều năm".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại