RT: Nga và Thổ đã "lội ngược dòng ngoạn mục" ở Libya, kết thúc 9 năm hỗn loạn của NATO?

Hoài Giang |

Cả hai quốc gia đã phải hối hận trong cay đắng khi "ngồi ngoài" và thấy Mùa xuân Arab quét qua Trung Đông, kéo cả hai vào các cuộc xung đột ủy nhiệm.

Ngày 20/1/2020, tờ RT xuất bản bài viết "In 2011 Russia and Turkey did not stop NATO in Libya. Now their voices speak loudest as they try to end 9 years of chaos" (tạm dịch: Năm 2011, Nga và Thổ đã không ngăn được NATO ở Libya, nhưng bây giờ vai trò của họ là quan trọng nhất trong nỗ lực chấm dứt 9 năm hỗn loạn) của tác giả Scott Ritter.

Nhằm giúp độc giả có cái nhìn khách quan, đặc biệt là trong bối cảnh chiến sự cũng như các quan hệ chồng chéo và phức tạp trong cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn tại Libya, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Nga-Thổ đang dọn "bãi chiến trường" của NATO?

Moscow và Ankara đều không chịu trách nhiệm trong việc "châm ngòi" cho cuộc xung đột tàn phá Libya 9 năm qua, nhưng họ có thể có vai trò quyết định trong việc chấm dứt nó khi sử dụng các nỗ lực ngoại giao tại hội nghị hòa bình Berlin.

Cả hai nước đã từng phản đối can thiệp quân sự của NATO nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi cách đây 9 năm, nhưng mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và Nga thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cả hai không thực hiện quyền ưu tiên phủ quyết.

RT: Nga và Thổ đã lội ngược dòng ngoạn mục ở Libya, kết thúc 9 năm hỗn loạn của NATO? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan bắt tay trong cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh Libya ở Berlin, Đức ngày 19/1/2020.

Cả hai quốc gia đã phải hối hận trong cay đắng khi "ngồi ngoài" và thấy Mùa xuân Arab quét qua Trung Đông, kéo cả hai vào các cuộc xung đột ủy nhiệm.

Nhưng có vẻ cuối cùng, cuộc can thiệp quân sự của phương Tây đã biến thành lợi thế cho hai cường quốc khi họ cố gắng hòa giải cuộc nội chiến Libya.

Hội nghị cuối tuần qua tại thủ đô của Đức đã kết thúc với một cam kết ngừng bắn được các nhà lãnh đạo của hai bên tham chiến, Thủ tướng Fayez a-Sarraj của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) và Tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Hội nghị Berlin diễn ra sau cuộc họp trước đó tại Moscow vào tháng 1/2020 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, nơi các vấn đề cơ bản của thỏa thuận ngừng bắn hiện tại đã được trao đổi.

Trong khi bản thân cuộc họp ở Moscow không thể biến thành lệnh ngừng bắn, nó đã khởi xướng một quá trình đàm phán trực tiếp giữa lãnh đạo GNA và LNA tại hội nghị Berlin.

"Điều đúng đắn" của ông Obama

Hai ông Putin và Erdogan đang "đi trên than hồng" bởi một thất bại mang tính bước ngoặt của phương Tây trong khu vực, điều mà NATO (Mỹ và đồng minh) cũng phải thừa nhận là một thảm họa.

Mặc dù cựu tổng thống Barack Obama sau đó đã bình luận rằng can thiệp vào Libya là "điều đúng đắn", thì đồng thời ông cũng gọi cuộc can thiệp đó là "sai lầm tồi tệ nhất".

Người Mỹ đã gây sức ép để NATO sử dụng sức mạnh quân sự chống lại một quốc gia có chủ quyền, nhưng liệu Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể làm được nhiều hơn vào thời điểm đó?

Libya có mối quan hệ lịch sử với cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Libya từng là một tỉnh trong Đế chế Ottoman cho đến năm 1912, và sau đó do Libya là khách hàng của Liên Xô cũ.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, phản đối sự can thiệp năm 2011, họ đã chọn cách im lặng thay vì chủ động ngăn chặn chiến dịch quân sự, điều mà họ có thể thực hiện với tư cách là thành viên một tổ chức.

Tương tự như vậy, Nga đã từ bỏ trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng của Hội đồng Bảo an cho phép hành động được sử dụng ở Libya để hỗ trợ các "hoạt động nhân đạo".

RT: Nga và Thổ đã lội ngược dòng ngoạn mục ở Libya, kết thúc 9 năm hỗn loạn của NATO? - Ảnh 2.

Các cuộc xung đột có sự tham dự của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông và Bắc Phi.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ở hai phía trên chiến tuyến?

Trong sự hỗn loạn ở Libya hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thấy mình đang ở hai bên chiến tuyến, với Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ GNA và Nga đứng về phía LNA của Tướng Haftar. Trớ trêu thay, cả hai nước đã phải sử dụng biện pháp can thiệp quân sự để tạo điều kiện cho hội nghị Berlin.

Việc 1.500 lính đánh thuê Nga tới Libya ở phía LNA đã giúp lực lượng của Tướng Haftar chiếm được hầu hết Libya và đe dọa pháo đài cuối cùng của GNA là Tripoli (TT Putin thừa nhận lính đánh thuê Nga có mặt ở Libya, mặc dù phủ nhận vai trò của Moscow.)

Việc triển khai nói trên khiến Thổ phải cử các cố vấn quân sự và không vận khoảng 2.000 tay súng phiến quân Syria để hỗ trợ GNA.

Đoạn video ghi lại cảnh các tay súng (được cho là phiến quân Syria được Thổ Nhĩ Kỳ không vận tới Libya) tuần tra tại Tripoli.

"Miếng bánh" nào sẽ được chia cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ?

Động cơ của cả Nga và Thổ tại Libya khá phức tạp. Đối với người Nga, việc đưa Libya "trở lại với thế giới" sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất vũ khí cũng như các công ty năng lượng Nga.

Mặc dù LNA kiểm soát phần lớn các mỏ dầu của Libya nhưng họ bị ngăn bán dầu do lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Các biện pháp trừng phạt này sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi đạt được giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Libya.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường nỗ lực "tái cấu trúc" ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải liên quan tới thỏa thuận hàng hải gần đây đã được đàm phán với GNA.

Cái gọi là "biên giới mới" này mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ đòn bẩy đáng kể khi thực thi tham vọng ở Địa Trung Hải liên quan đến thăm dò các mỏ dầu khí.

Những lợi ích nói trên cho cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể là lý do đem lại một cuộc "hòa giải" giữa GNA và LNA.

Mặc dù hành động dựa trên lợi ích của chính mình, "viên ngọc quý" của hành động nói trên đã kết thúc "chương xấu xí" trong lịch sử Libya sau can thiệp quân sự của NATO.

Cuộc can thiệp năm 2011 ở Libya được NATO xem là tiền thân cho sự thống trị trong tương lai của Bắc Phi, một kết quả mà cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều không ủng hộ.

Bằng cách hợp tác trong cuộc khủng hoảng Libya, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị thế kinh tế và chính trị của họ trong Libya xung đột.

Họ cũng đã chấm dứt một quan niệm về "chỗ đứng" của NATO trong khu vực, và chứng minh rằng phương Tây không còn có thể đơn phương "nhắc nhở" phần còn lại của thế giới vận hành theo các ưu tiên địa chính trị của tổ chức quân sự này.

Tác giả Scott Ritter là cựu sĩ quan tình báo của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Ông từng làm việc tại Liên Xô với tư cách là một thanh tra viên thực hiện Hiệp ước INF và tham chiến trong Chiến tranh vùng Vịnh.

Từ 1991-1998 ông hoạt động với tư cách là một thanh sát viên vũ khí của Liên Hiệp Quốc.

Một mũi tiến quân của LNA khai hỏa vào vị trí đối phương tại Misrata, Libya.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại