Phút 90+8, trọng tài người Argentina thổi còi kết thúc trận tứ kết 3 giữa Morocco với Bồ Đào Nha. Đại diện châu Phi giành chiến thắng chung cuộc với tỉ số 1-0, qua đó giành vé vào bán kết, đồng thời lập nên cột mốc lịch sử cho bóng đá lục địa đen.
Ngay sau tiếng còi mãn cuộc đó, Ronaldo đã quỳ gối xuống sân và những giọt nước mắt cũng đã tuôn rơi trên gương mặt của siêu sao 37 tuổi. Sau đó, Ronaldo nhận được sự động viên từ cầu thủ Morocco, HLV Santos và rồi càng bước chân vào đường hầm thì nước mắt của Ronaldo càng tuôn ra nhiều hơn.
Ronaldo bật khóc khi Bồ Đào Nha bị loại khỏi World Cup 2022 (Ảnh: Reuters).
Hình ảnh Ronaldo bật khóc như con nít sau trận thua Morocco được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, gây xôn xao cộng đồng mạng, đồng thời nó cũng chạm đến trái tim của những cổ động viên yêu mến chân sút sinh năm 1985. Không ít người trong số đó cũng bật khóc, khi thấy thần tượng của mình rơi lệ, như một đứa trẻ.
Đây không phải lần đầu tiên Ronaldo khóc sau khi đội bóng của anh bị loại. Kể từ khi lên tuyển Bồ Đào Nha năm 18 tuổi, thi đấu cho Sporting, MU, Real Madrid, Juventus và triều đại thứ 2 ở sân Old Trafford, Ronaldo cũng đã nhiều lần bật khóc như vậy.
Nhưng những giọt nước mắt của Ronaldo trên đất Qatar là những giọt nước mắt chua xót, cay đắng thậm chí là bất lực của CR7. Bất chấp việc ghi bàn vào lưới Ghana, góp công giúp Bồ Đào Nha thắng Uruguay, Ronaldo vẫn bị coi là gánh nặng của đội tuyển.
Ronaldo khóc nức nở trong đường hầm sau trận thua Morocco.
Sau khi Bồ Đào Nha thắng 6-1 trước Thụy Sĩ ở vòng tứ kết World Cup 2022, nhiều tờ báo thể thao đăng bài viết, Seleccao không cần Ronaldo nữa hay bây giờ là thời của Bruno Fernandes chứ không phải của CR7. Anh thậm chí còn bị truyền thông đánh tơi tả, cổ động viên đội nhà quay lưng. Dù đá chính, ngồi dự bị hay bất cứ hành động nào của anh cũng được giới truyền thông “soi” rất kỹ rồi mang ra làm chủ đề câu lượt xem và cho mọi người bàn tán.
Sự bất công mà truyền thông hướng về Ronaldo khiến cho Oezil, người đồng đội cũ tại Real Madrid cũng phải thốt lên rằng: “Tôi thực sự không hiểu vì sao báo chí liên tục có những điều tiêu cực nhắm vào Ronaldo. Truyền thông chỉ đang cố gắng tận dụng hình ảnh Ronaldo để câu người xem. Bên cạnh đó, những cầu thủ hết thời cũng muốn gây sự chú ý bằng cách chỉ trích Ronaldo”.
Oezil là người hiểu rất rõ Ronaldo (Ảnh: Getty),
Ngoài Oezil thì một số đồng đội cũng đứng ra bênh vực Ronaldo, nhưng cá nhân CR7 thì vẫn dũng cảm đối diện với nó. Anh dồn hết tâm sức vào các buổi tập, tận dụng tối đa thời gian được HLV Santos sử dụng để chứng minh cho mọi người thấy rằng, mình chưa hết thời.
Tuy nhiên, không may mắn cho Ronaldo là kể từ trận thua Hàn Quốc thì CR7 đã không thể tỏa sáng để đập tan dư luận, khiến những kẻ ganh ghét, đố kị với mình phải im tiếng như cách anh đã làm trong suốt gần 2 thập kỷ qua nữa.
Ronaldo vẫn khát khao, vẫn muốn chinh phục đỉnh cao của danh vọng, nhưng “kẻ chinh phục vĩ đại này” đã không chiến thắng được kẻ thù lớn nhất của các vận động viên thể thao, đó là thời gian nữa.
Dù tập luyện rất khắt khe, chế độ ăn uống khoa học là thế, nhưng Ronaldo không đi ngược được với quy luật của cuộc sống. Thời gian đã khiến cho những bước chạy của Ronaldo chậm đi, những pha xử lý không còn thanh thoát, sự tự tin và độ chính xác trong từng pha bóng cũng giảm dần.
Ronaldo khóc khi thua chung kết EURO 2008, khóc khi thất bại ở Champions League trước Barca, khóc khi nhiều lần đứng sau Messi trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng thế giới. Nhưng, sau những giọt nước mắt đó, Ronaldo đã trở lại một cách mạnh mẽ. Anh 5 lần vô địch Champions League, vô địch EURO 2016, vô địch UEFA Nations League, 5 lần giành Quả bóng Vàng thế giới.
Ronaldo chưa và có lẽ không thể vô địch World Cup sau khi giải nghệ (Ảnh: BR).
Bên cạnh con số hơn 1.000 trận đấu chuyên nghiệp, hơn 800 bàn thắng, những danh hiệu tập thể và cá nhân cao quý, Ronaldo còn sở hữu rất nhiều kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” mà rất khó để người khác xô đổ.
“Cristiano Ronaldo sắp sửa bước sang tuổi 38. Vậy có gì bất ngờ khi anh ấy không ghi được 50 bàn/mùa như trước kia? Mọi cổ động viên bóng đá nên cảm thấy hạnh phúc vì được thấy Ronaldo duy trì đẳng cấp của mình suốt 20 năm. Tôi không nghĩ một cầu thủ nào ở thế hệ sau này có thể chạm tới những kỷ lục của anh ấy. Ronaldo là một trong những người vĩ đại nhất lịch sử thể thao” - Oezil khẳng định.
Trong sự nghiệp của mình, Ronaldo không bao giờ cho phép mình thỏa mãn với những gì đã có, không bao giờ cầu toàn. Nếu như cầu toàn, Ronaldo đã không rời Real Madrid đến sang Juventus năm 2018. Nếu sợ thất bại, CR7 cũng sẽ không chia tay Juventus để trở về mái nhà xưa để chơi cho MU.
Ronaldo cũng không bao giờ sợ hãi, đầu hàng trước bất cứ áp lực nào. Nếu sợ hãi, cậu nhóc Ronaldo đã không xa gia đình năm 12 tuổi để theo đuổi giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp. Nếu CR7 là người dễ gục ngã thì anh đã không thể vượt qua những biến cố lớn của cuộc đời như suýt chia tay bóng đá ở tuổi 15 vì bệnh hiểm nghèo, mồ côi cha năm 19 tuổi hay chịu nỗi đau mất con vào đầu năm 2022.
World Cup 2022 là kỷ niệm buồn của Ronaldo (Ảnh: Reuters).
Nhưng, hành trình nào rồi cũng có điểm dừng. World Cup 2022 có lẽ là giải đấu cuối cùng mà người hâm mộ có thể thấy Ronaldo thi đấu đỉnh cao trong màu áo ĐT Bồ Đào Nha. Ronaldo nhiều lần nói rằng, anh sẽ thi đấu chuyên nghiệp tới năm 40 tuổi mới nghĩ tới chuyện giải nghệ, nhưng với người hâm mộ bóng đá thế giới, dù CR7 giải nghệ luôn sau World Cup 2022 thì anh vẫn là tượng đài, là huyền thoại sống của bóng đá thế giới.
World Cup 2022 là cái kết buồn cho một kẻ chinh phục vĩ đại như Ronaldo, nhưng di sản mà CR7 để lại cho bóng đá thế giới, cho hậu thế là điều không phải ai cũng làm được.
Từ một cậu bé nhà quê nghèo khó, hai bàn tay trắng, trở thành người hùng dân tộc, trở thành một trong những vận động viên thể thao vĩ đại, giàu có và nhiều fan nhất thế giới. Ronaldo là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ cầu thủ trẻ noi theo./.