Video: Học sinh bất chấp nguy hiểm băng qua cầu treo 'thần chết' ở Thanh Hóa
Đưa vào sử dụng năm 2003, cầu treo bản Lát (Thanh Hóa) có độ cao hàng chục mét so với mực nước sông Mã, dài hơn 100 mét, từng là nút giao thông huyết mạch nối thị trấn Mường Lát với các xã Tam Chung, Mường Lý.
Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, cầu treo bản Lát xuống cấp nghiêm trọng. Vào tháng 5/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định dừng sử dụng cầu treo bản Lát để đảm bảo an toàn cho người dân.
Một cây cầu bê tông cốt thép có trị giá hơn 30 tỷ đồng được xây dựng vào năm 2015, đã đưa vào sử dụng thay thế cho cầu treo bản Lát.
Tuy nhiên, do cầu bê tông nằm cách xa vị trí cầu treo nên để thuận tiện cho việc đi lại, người dân và học sinh vẫn qua lại trên cầu treo này bất chấp sự xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Quan sát thực tế tại cầu treo bản Lát, chúng tôi nhận thấy toàn bộ phần ván gỗ làm mặt sàn cầu đã mục nát, không còn giá trị sử dụng, nhiều chỗ ván sàn rơi xuống sông để lại khoảng trống trên mặt cầu.
Phần dây cáp đỡ cầu cũng như các cáp néo cầu đã hư hỏng nặng khiến thân cầu vặn nghiêng sang một bên.
Thực trạng xuống cấp của cầu treo bản Lát ở mức chỉ cần một người qua lại cây cầu cũng rung lên bần bật.
Dẫu vậy, học sinh ở bản Lát vẫn bất chấp sự xuống cấp của cầu treo, bất chấp hiểm nguy để qua lại trên cây cầu này đến trường học bên thị trấn Mường Lát.
Được biết, vào tháng 1/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đồng ý cho UBND huyện Mường Lát khẩn trương thanh lý cầu treo bản Lát vì cầu này đã quá xuống cấp, không còn giá trị sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn giao thông.
Nguồn vốn thực hiện thanh lý sử dụng từ nguồn thu hồi thanh lý cầu treo và nguồn được giao từ ngân sách huyện. Tuy nhiên, đến nay, cầu treo bản Lát vẫn chưa được phá bỏ và có một thực tế là người dân và học sinh vẫn qua lại trên cầu.
Trả lời PV về sự việc trên, ông Cao Văn Cường – Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Huyện gặp khó khăn trong việc phá dỡ cầu treo bản Lát.
Có 3 doanh nghiệp vào huyện khảo sát công trình nhưng tiền thanh lý cầu không đủ cho chi phí phá dỡ nên các doanh nghiệp đều từ chối. Trong khi đó huyện Mường Lát lại không có nguồn kinh phí để thuê doanh nghiệp phá dỡ cầu.
Việc học sinh và người dân qua lại sông trên cầu treo bản Lát huyện đã nhiều lần nhắc nhở và ra văn bản cấm người dân qua lại.
Thậm chí, huyện cũng làm rào chắn hai phía đầu cầu để ngăn người dân qua lại song vì tiện lợi cá nhân nên người dân lại phá dỡ rào chắn để tiếp tục qua lại trên cầu”.