Robot Trung Quốc phát hiện đột phá trên Mặt Trăng: Bí ẩn này đã có manh mối giải mã

Trang Ly |

Những phát hiện của robot thám hiểm Mặt Trăng Yutu-2 đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học quốc tế.

Sau khi đổ bộ thành công nửa tối Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử, tàu vũ trụ Chang'e-4 cùng với robot thám hiểm Yutu-2 liên tiếp có những phát hiện đột phá tại thế giới vốn được xem là bí ẩn với con người này.

Tháng 7/2019, Yutu-2 (Thỏ Ngọc 2) vô tình phát hiện loại vật chất kỳ lạ, dạng keo và có nhiều màu sắc khác biệt so với bề mặt quanh hố va chạm nhỏ ở nửa tối Mặt Trăng. Lúc đó, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn chưa xác định được tính chất vật lý cũng như nhận dạng được mẫu vật mà Yutu-2 tìm được(đọc chi tiết).

Mới đây nhất, ngày 23/10 Space.com đưa tin, các nhà nghiên cứu thuộc Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc (CLEP) đã công bố bức ảnh liên quan đến vật chất dạng keo bí ẩn mà robot thám hiểm của họ tìm thấy trên Mặt Trăng. Giới khoa học đã tìm ra manh mối về vật chất bí ẩn này?

Manh mối về vật chất bí ẩn trên nửa tối Mặt Trăng

Việc Yutu-2 phát hiện vật chất kỳ lạ này đã khiến CLEP tạm hoãn các lịch trình của robot thám hiểm lại để tập trung tìm hiểu vật chất dạng keo mà nó phát hiện được.

Theo đó, bức ảnh mới nhất này do CLEP công bố được chính Yutu-2 chụp lại bằng hệ thống camera có độ phân giải cao, (xem hình):

Robot Trung Quốc phát hiện đột phá trên Mặt Trăng: Bí ẩn này đã có manh mối giải mã - Ảnh 1.

Bức ảnh cận cảnh vật chất dạng keo trên nửa tối Mặt Trăng của Yutu-2. Ảnh: CNSA/CLEP

Bức ảnh của Yutu-2 cho thấy trung tâm của miệng núi lửa chứa vật liệu có màu sắc và óng ánh khác biệt với môi trường xung quanh.

Truyền thông Trung Quốc đang rất quan tâm đến những phát hiện địa lý của Yutu-2. Trong khi đó, chủ đề này cũng thu hút các nhà nghiên cứu Mỹ.

Clive Neal, một nhà khoa học Mặt Trăng tại Đại học Notre Dame bang Indiana (Mỹ) nói với Space.com rằng hình ảnh mới nhất của Yutu-2 củng cố đề xuất trước đó rằng vật liệu này có bản chất tương tự mẫu vật được các phi hành gia tìm thấy trong sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.

Mẫu 70019, do phi hành gia NASA kiêm nhà địa chất học Harrison "Jack" Schmitt tìm thấy năm 1972, có thành phần từ những mảnh khoáng chất tối và thủy tinh đen, sáng bóng. Sau khi đưa về Trái Đất nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng Mẫu 70019 được tạo ra sau một vụ phun trào núi lửa lớn trên Mặt Trăng khoảng 3,64 tỷ năm trước.

Dan Moriarty, thành viên chương trình sau tiến sĩ của NASA tại Trung tâm bay không gian Goddard ở Greenbelt, Maryland, đã phân tích và xử lý hình ảnh, tìm kiếm manh mối về bản chất chính xác của nó. 

Robot Trung Quốc phát hiện đột phá trên Mặt Trăng: Bí ẩn này đã có manh mối giải mã - Ảnh 2.

Bức ảnh vật chất dạng keo trên nửa tối Mặt Trăng đã được chuyên gia Dan Moriarty của NASA xử lý. Ảnh: CNSA/CLEP/NASA/GSFC/Dan Moriarty

"Hình dạng của vật chất này xuất hiện khá giống với các vật liệu khác trong hố va chạm. Điều này cho phép chúng ta nghĩ rằng vật liệu bí ẩn này có lịch sử tương tự như các vật liệu xung quanh. Sở dĩ nó bị vỡ vụn là do có thể nó được sinh ra từ các vụ va chạm của thiên thạch trên bề mặt Mặt Trăng cách đây hàng tỷ năm. Tôi cho rằng, thông tin đáng tin cậy nhất ở đây là vật liệu tương đối tối màu nhưng lại rất óng ánh." - Dan Moriarty phát biểu trên Space.com.

Các nhà khoa học Trung Quốc và nhiều chuyên gia quốc tế vẫn tiếp tục nghiên cứu bức ảnh liên quan đến vật chất bí ẩn này trên Mặt Trăng. 

Hiện tại, Yutu-2 mới chỉ đóng vai trò là robot thám hiểm nửa tối Mặt Trăng bằng cách thu thập các dữ liệu hình ảnh thông qua hệ thống camera phân giải cao và máy quang phổ cận VNIS, chứ chưa thể thu thập mẫu vật và mang về Trái Đất nghiên cứu. Dự kiến, việc mang mẫu vật Mặt Trăng về nghiên cứu sẽ được Trung Quốc thực hiện trong các sứ mệnh Chang'e-5 và 6 trong tương lai.

"Nếu mẫu vật mà Yutu-2 thu thập được thực sự là vật liệu của lớp phủ, thì đây sẽ là một kỳ tích thực sự. Thành phần của nó sẽ không chỉ ghi lại quá trình tiến hóa nhiệt và mắc-ma, một số đặc điểm lịch sử ban đầu của Trái Đất cũng có thể bị "nhốt" trong thế giới ngầm của Mặt Trăng.", Ông Chunlai Li từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết.

Robot Trung Quốc phát hiện đột phá trên Mặt Trăng: Bí ẩn này đã có manh mối giải mã - Ảnh 4.

Hố va chạm Mặt Trăng Von Kármán ở nửa tối Mặt Trăng, nơi Chang'e-4 đổ bộ ngày 3/1/2019. Nguồn: NASA/GSFC/Đại học bang Arizona.

Tàu đổ bộ Chang'e-4 hạ cánh lần đầu tiên xuống nửa tối Mặt Trăng vào ngày 3/1/2019. Sau đó, robot thám hiểm Yutu-2 đã đi về phía Tây tính từ bãi đáp của Chang'e-4 (nằm trong miệng núi lửa Von Kármán rộng 180 km) để thăm dò bề mặt nửa tối.

Ngày 28/7/2019, Yutu-2 phát hiện một miệng hố đường kính 2 mét chứa loại vật chất bí ẩn, dạng keo, có màu sắc và ánh sáng khác thường.

Bài viết sử dụng nguồn: Space.com

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại