Robot làm thay những công việc của con người như lắp ráp, xếp dỡ hàng hóa, vận chuyển… đã trở nên không còn xa lạ gì với chúng ta, thế nhưng đó chỉ là những công việc cần sự chuyển động, những việc cần cả sự tỉ mỉ và cảm nhận khéo léo về mặt xúc giác thì hầu như có rất ít robot làm được. Đó là điều các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để phát triển robot.
Khéo léo đặt những chiếc cốc xếp chồng lên nhau mà không để chúng bị đổ. Hay cầm chú chim giấy lên mà không làm nó bị gập, đó là vì ngón tay robot có thể cảm nhận.
Những gì các nhà sáng chế làm là lấy tín hiệu từ đầu ngón tay nhân tạo từ hình ảnh camera, sau đó trích xuất chuyển động của những hình ảnh này trên máy tính và sử dụng nó làm tín hiệu thần kinh nhân tạo.
Tiến sĩ Nathan Lepora - Giáo sư về Robot & AI, Đại học Bristol, Anh cho biết: "40 năm trước, đã có công trình kinh điển về ghi âm từ các tế bào thần kinh của đầu ngón tay để xem các tín hiệu thần kinh hoạt động như thế nào khi đầu ngón tay được ấn vào vật thể. Và chúng tôi nhận thấy điều này thực sự trùng khớp với những gì chúng tôi có thể trích xuất từ đầu ngón tay nhân tạo của mình. Do đó, chúng ta sẽ thấy rằng thông tin, cảm giác được truyền từ đầu ngón tay nhân tạo hoạt động giống như xúc giác của con người".
Trong tương lai, phát minh này có thể được áp dụng cho tất cả các ngón và tay chân của robot thân mềm, cho phép các robot xử lý các công cụ và hoàn thành nhiệm vụ thao tác theo cách tương tự như con người.
Anh Georg Martius - Trưởng nhóm nghiên cứu Viện Max Planck, Anh: "Ngón tay robot có thể đo lực khi chạm vào vật thể, đó là điều mà da của chúng ta vẫn đang làm. Từ đó, robot có thể kiểm soát và điều chỉnh các hoạt động tốt hơn khi thực hiện nhiệm vụ nào đó".
Điều này mở ra việc phát triển robot có thể thực hiện nhiệm vụ trong nhiều môi trường khác nhau như làm việc nhà, sản xuất trong trang trại hoặc chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân. Phát minh mới này thậm chí có thể được dùng trong việc sản xuất chi giả có cảm giác cho con người.