Nga có thể tự hào với robot MRK (Tổ hợp kỹ thuật robot cơ động), biến thể nặng hơn là Platforma-M (khung gầm xích dạng module, có thể lắp module công binh, module trinh sát hay module chiến đấu) và tổ hợp robot hóa Argo (tương tự Platforma-M, nhưng dùng khung gầm bánh lốp) đã qua thử lửa ở Syria.
Nhiệm vụ chính của các xe robot này là tiến hành trinh sát và tuần tra, cũng như tiêu diệt phương tiện không bọc thép và bọc thép hạng nhẹ của đối phương.
Hãng thông tấn TASS Nga đưa tin, máy bay trực thăng tấn công Mi-28N đang được thử nghiệm hệ thống trí tuệ nhân tạo mới - một hệ thống trinh sát có khả năng tự phân tích, xác định mục tiêu kẻ địch trên thực địa, chọn vũ khí thích hợp từ trực thăng và khai hỏa tấn công.
Theo các chuyên gia, hệ thống mới giúp khắc phục những hạn chế và giới hạn về mặt tâm lý, khả năng phản ứng và sự tập trung của con người.Năm 2005, thiết bị lặn tự hành GNOM đã được Nga thử nghiệm cho nhiệm vụ thám hiểm dưới nước và rà phá bom mìn.
Tháng 5/2018, Nga đã trình làng Korsar - máy bay không người lái đầu tiên, nặng 200kg, vận tốc bay đến 150km/h, có thể hoạt động cách người điều khiển đến hơn 200 m. Ngoài nhiệm vụ trinh sát, chở hàng, nó còn có thể tấn công các mục tiêu mặt đất với tên lửa chống tăng Ataka.
Súng AK biết bay
Truyền thông Nga vừa công bố clip thử nghiệm loại vũ khí đặc biệt, đó là khẩu súng AK-47 biết bay và săn tìm mục tiêu. AK-47 được trang bị 2 động cơ cỡ nhỏ trên 2 bên cánh, cùng với đó có cặp bánh lái và giữ thăng bằng phía sau tương tự thiết kế cánh đuôi của chiến đấu cơ.
Mặc dù có thiết kế khá thô sơ nhưng việc Nga thử nghiệm thành công khẩu AK-47 biết bay cho thấy viễn cảnh đáng sợ về chiến tranh tương lai khi bất kỳ khẩu súng nào cũng có thể được sử dụng để tấn công và tiêu diệt sinh lực đối phương.
Quân đội Nga đang thử nghiệm nhiều loại robot chiến trường, từ tiêu diệt khủng bố, phá mìn, đến chống tăng. Nga là nước đi đầu trong lĩnh vực này với hàng loạt robot chiến đấu mà Uran-9 được đánh giá là tiêu biểu nhất.
Uran-9 là phương tiện chiến đấu mặt đất điều khiển từ xa (UGV) do công ty quốc phòng 766, thuộc tập đoàn Rostec sản xuất và ra mắt tháng 1/2016.
Nó có thể chuyển động với tốc độ khoảng 35km/h, dự trữ hành trình là 200km, nặng 12 tấn, được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát, chiến đấu, yểm trợ hỏa lực và chống khủng bố, thay thế cho binh lính trong các nhiệm vụ có độ nguy hiểm cao. Về vũ khí, hiện Uran-9 được coi là robot có hỏa lực mạnh nhất thế giới.
Các robot chiến đấu được tập đoàn Kalashnikov thử nghiệm trong điều kiện nhiệt độ dưới 0°C là Soratnik (do Kalashnikov phát triển.
Chúng được thiết kế cho nhiệm vụ trinh sát và truyền tải dữ liệu, tuần tra và bảo vệ các khu vực cũng như các cơ sở quan trọng, gỡ mìn và dọn dẹp vật cản, được trang bị súng máy 7,62 mm và 12,7 mm cùng súng phóng lựu AG-17A 30 mm.
Thậm chí có phiên bản với 8 tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM); Nakhlebnik (hỗ trợ tác chiến); MRK-27-BT (được trang bị súng phóng lựu, súng phun lửa và súng máy.
Đồng thời nó có thể phun khói mù và phóng lựu đạn gây choáng); robot cảm tử Nerekhta (có thể bí mật tiến gần mục tiêu, mang theo thuốc nổ và phá hủy xe tăng, công sự địch).
Theo kế hoạch, robot Platform-M và MRK-27-BT sẽ được đưa vào phục vụ trong các lực lượng vũ trang Nga trong vài năm tới.
Xe thiết giáp tự động
Army Recognition dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, xe chiến đấu bộ binh BMP-3 sẽ được trang bị module chiến đấu mới AU-220M đã được thử nghiệm hiệu quả với nhiều tính năng vượt trội.
Với việc trang bị AU-220M, mẫu xe chiến đấu bộ binh này của Nga có thể hoạt động gần như một mẫu UGV khi kíp chiến đấu có thể dễ dàng điều khiển tổ hợp vũ khí này từ xa, dù vậy nó vẫn cần có người lái ngồi bên trong.
Các chuyên gia Nga tuyên bố sắp cho ra mắt xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS phiên bản không người lái trong tương lai gần và sẽ chế tạo đại trà khi có đơn đặt hàng.
Tập đoàn chế tạo xe tăng Uralvagonzavod (UVZ) hiện có đủ công nghệ và mọi điều kiện để sản xuất xe tăng không người lái T-90MS. Hệ thống điều khiển tự động những chiếc xe tăng chủ lực này được thiết kế dưới dạng modul-từng được áp dụng cho xe tăng T-72B3.
Bộ Quốc phòng Nga trong những năm gần đây đã bắt đầu chú ý đến kỹ thuật robot - điều chưa từng có từ khi Liên Xô tan vỡ. Nga đang nghiên cứu robot hóa quân đội của mình với mục tiêu phát triển các robot chiến đấu có thể hoạt động độc lập trên chiến trường.
Nước này đã thông qua chương trình phát triển và sử dụng chiến đấu các tổ hợp kỹ thuật robot, theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng robot trong cơ cấu tổng thể vũ khí trang bị của quân đội Nga sẽ đạt 30%.
(Còn nữa)