Báo “Dân tộc” cho biết, chiếc tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên và cũng là duy nhất hiện đang trong biên chế hải quân Trung Quốc sẽ được bán cho đồng minh “trong mọi thời tiết” Pakistan với giá cả chưa được xác định. Động thái này giúp cho Pakistan có ưu thế cạnh tranh ngày càng lớn hơn so với Ấn Độ.
Ngoài ra, tờ “Dân tộc” cũng cho biết thêm, theo kế hoạch Trung Quốc sẽ sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh trong khoảng thời gian 18 năm. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, Trung Quốc đã quyết định bán chiếc tàu sân bay này cho Pakistan vào trước năm 2020.
Tuy nhiên, thông tin này ngay lập tức đã bị giới truyền thông và học giả Trung Quốc phủ nhận.
Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 11/2 cho biết, thông tin về việc nước này bán tàu sân bay Liêu Ninh cho Pakistan là giả tạo và hoàn toàn bịa đặt. Bởi vì, thông tin này trên thực tế chứa đựng đầy rẫy những nhân tố không có thật.
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự của Trung Quốc, ông Tống Trung Bình hôm 10/2 trả lời phỏng vấn Thời báo Hoàn cầu cho rằng, thông tin về việc Trung Quốc bán tàu sân bay Liêu Ninh cho Pakistan là hoàn toàn bịa đặt.
Thứ nhất tàu Liêu Ninh là “bảo bối của Trung Quốc” không thể bán được. Thứ hai, Pakistan thực hiện chiến lược phòng ngự biển gần, về cơ bản không cần tàu sân bay. Hơn nữa, ngân sách quốc phòng của Pakistan không cho phép nước này duy trì sự hoạt động của tàu sân bay.
Tàu sân bay Liêu Ninh được chính thức đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc ngày 25/9/2012 sau khi đã được cải tạo từ tàu Varyag mua của Ukraine.
Tính tới thời điểm hiện tại Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất đang trong biên chế của hải quân Trung Quốc. Vai trò chủ đạo của tàu sân bay Liêu Ninh là phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và huấn luyện