Bất kì Tổng thống Mỹ nào cũng đã từng than phiền về vấn đề rò rỉ thông tin nội bộ (leak) trong nhiệm kì của mình. Nhưng tất cả đều chưa thấm vào đâu nếu so với những gì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã và đang phải trải qua.
Vấn đề rò rỉ thông tin dưới nhiệm kì Trump xảy ra có lẽ nhiều hơn tất cả những đời Tổng thống trong kỉ nguyên hiện đại gộp lại, đó là chưa kể Trump mới chỉ nắm quyền có bốn tháng!
Mỗi khi có cơ hội, những nhân viên Nhà Trắng trung thành với Obama sẽ cố ý "rỉ tai" giới báo chí các thông tin bất lợi cho Trump. Các quan chức an ninh hay chấp pháp thì để lộ thông tin nhằm ngăn chặn những chính sách mà họ không đồng tình.
Bên cạnh đó, các nghị sĩ Cộng hòa bất bình với việc Trump đắc cử vẫn tiếp tục tìm cách vùng vẫy với hi vọng kiểm soát được tân Tổng thống.
Còn phía đảng Dân chủ và phe chống Trump - những người đang nóng lòng lấy lại những gì đã mất sau thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử 2016, sẽ dùng mọi ngón đòn chính trị trong khả năng của mình để ngăn cản những chính sách hoặc đi ngược lại với di sản của người tiền nhiệm Barack Obama, hoặc thể hiện tư duy "dân túy" của tân Tổng thống.
Phức tạp hơn, giới phân tích cho rằng, đại đa số thông tin bị rò rỉ lại xuất phát từ ngay chính nội bộ Nhà Trắng.
Theo nhà bình luận chính trị Doris Goodwin, Trump đã tạo ra một "bộ sậu cạnh tranh lẫn nhau" để cố vấn và hỗ trợ ông. Trong số này có những nhân vật với quan điểm cực đoan, những cố vấn còn non kinh nghiệm, những người "ngoại đạo" (outsider), và thậm chí cả họ hàng thân thích (cụ thể là con rể Jared Kushner và cô con gái Ivanka).
"Bộ sậu" của Trump. Từ trái sang phải: Michael Flynn (đã bị sa thải), Jared Kushner, Ivanka Trump, Steve Bannon, Reince Priebus. Ảnh: NYTimes
Điểm chung của họ là không thuộc nhóm "hệ thống" (establishment) chính trị Washington. Và đáng nói hơn, là thay vì làm việc theo nhóm với quan điểm thống nhất, mỗi người trong số này dường như đều có một hướng đi riêng. Họ cạnh tranh, thậm chí tìm cách phá hoại công việc của nhau nhằm mục đích giành được sự "sủng ái" của Trump cho riêng mình.
Trong những ngày đầu của chính quyền Trump, giám đốc truyền thông kiêm phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer thậm chí còn bắt đội ngũ phụ trách báo chí Nhà Trắng phải nộp điện thoại và các thiết bị điện tử để kiểm tra xem trong số họ có ai đang để lộ thông tin nội bộ ra ngoài hay không.
Mỉa mai thay, một người trong số này đã... tiết lộ với báo chí về màn kiểm tra có phần cực đoan này của Spicer.
Truyền thông và mạng xã hội đang tranh thủ "tận hưởng" lượng thông tin bị rò rỉ từ Nhà Trắng. Kéo theo đó là hàng loạt những bài báo được đăng tải dựa trên các nguồn giấu tên.
Đơn cử là hôm 19-20/5 vừa qua, tất cả các hãng thông tấn cũng như mạng xã hội tại Mỹ đưa tin về tiết lộ của "những nguồn tin giấu tên" rằng một "nhân vật đáng chú ý giấu tên" trong Nhà Trắng có liên quan đến một "nhận định chưa được kiểm chứng" rằng chiến dịch tranh cử của Trump đã thông đồng với Nga để qua đó giành thắng lợi trước Hillary Clinton.
Nhận định nói trên xuất phát từ Washington Post, với mục đích góp phần hủy hoại uy tín của chính quyền Trump.
Truyền thông Mỹ phân trần rằng những đợt công kích liên tiếp của họ nhắm vào chính quyền Trump thực chất "đâu đến nỗi thế". Nhưng một nghiên cứu khoa học mới đây của Đại học Harvard đã khẳng định điều ngược lại.
Tổng hợp tất cả các loại hình tin tức có liên quan đến chính quyền Trump, Đại học Harvard đã thống kê được rằng 93% tin của CNN mang tính tiêu cực. Con số này đối với New York Times là 87%, và với Washington Post là 83%.
Tệ hơn, một lượng không nhỏ các thông tin về Trump thực chất là "tin giả" (fake news). Các thông tin bị rò rỉ khiến vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, bởi nó khiến tin giả nghe có vẻ đáng tin.
Tuy nhiên, kể cả những người thân cận ủng hộ Trump nhất cũng phải than phiền rằng, chính Trump đã tự biến mình thành mục tiêu chỉ trích của truyền thông.
Mitch McConnell, Lãnh đạo Phe Đa số tại Thượng viện Mỹ, mới đây đã công khai khuyên Trump rằng nếu Tổng thống Mỹ muốn các dự luật của mình được thông qua, thì Nhà Trắng nên biết tìm cách tránh những lùm xùm không đáng có.
Còn theo Wall Street Journal, các nhân viên Nhà Trắng đã tìm cách "can thiệp" nhằm ngăn chặn việc Trump liên tiếp công kích và tạo thù địch trên Twitter, nhưng bất thành.
Các cố vấn đang điên đầu vì những sai lầm liên tiếp của Trump. Theo một nguồn tin rò rỉ của FBI, trong một cuộc họp kín với cựu giám đốc FBI James Comey - người mới đây đã bị Trump sa thải, Tổng thống Mỹ được cho là đã đề nghị Comey phải bỏ tù các phóng viên đưa tin rò rỉ lên mặt báo. Điều này rõ ràng đã vi phạm quyền tự do báo chí trong hiến pháp Mỹ.
Vụ lùm xùm giữa Trump và Comey cũng xuất phát từ một vụ rò rỉ thông tin. Ảnh: AP
Không dừng lại ở đó, trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp Học viện Tuần Duyên Mỹ, Trump đã có những phát biểu "ngoài lề" công kích giới truyền thông vì liên tiếp chỉ trích, bêu xấu, và đưa tin thất thiệt về ông.
Cho đến thời điểm này, Nhà Trắng vẫn chưa truy ra được những người đang để lộ thông tin ra bên ngoài. Dù Trump liên tiếp kêu gọi FBI và các cơ quan an ninh quốc gia, công cuộc tìm kiếm vẫn chưa đem lại kết quả đáng kể. Những lời đe dọa của Trump cũng vô hiệu, thậm chí dường như ông đang làm mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn.
Phiền toái thì đã đành, nhưng việc các thông tin bất lợi cho Trump bị rò rỉ đang dần gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nền dân chủ Mỹ.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn bị Trump sa thải với lý do bề nổi là bởi ông đã nói dối về những liên lạc của mình với phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thực chất, một cơ quan an ninh quốc gia đã cố ý để lộ thông tin về Flynn cho báo chí. Đáng nói ở chỗ, cơ quan này chịu ảnh hưởng trực tiếp từ một cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Obama.
Mới đây, Trump đã cho thấy sự "non tay" của mình khi đồng ý gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tại Nhà Trắng. Tệ hơn, Trump đã tiết lộ thông tin tình báo cho phía Nga trong cuộc gặp này.
Những ghi chép của cuộc gặp đã bị rò rỉ đến tay báo chí. Theo đó, Trump đã khoe với hai đại diện phía Nga về việc sa thải Comey, người đứng đầu cuộc điều tra về nghi ngờ phía Nga tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ thông qua chiến dịch tranh cử của Trump.
Thậm chí một cuộc họp kín để bàn chiến lược tranh cử của những nhân vật đứng đầu phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, cũng không thoát khỏi tay các "rò rỉ viên".
Theo đó, một trong những người tham gia cuộc họp này đã nghĩ rằng Trump đang nhận tiền của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuộc họp này diễn ra từ tháng 6/2016, và đến tháng 5/2017 đã được bới lên để đến tay báo chí.
Trong vấn đề liên quan đến Nga, mọi thứ đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Một điều tra viên đặc biệt, cựu giám đốc FBI Robert Mueller, đã được giao nhiệm vụ điều tra cái gọi là "scandal liên quan đến Nga". Các điều tra viên đặc biệt hoạt động độc lập, không chịu ảnh hưởng từ Quốc hội hay Tổng thống.
Cựu giám đốc FBI Robert Mueller. Ảnh: NYTimes
Như vậy, nhiệm vụ của Mueller sẽ là tổ chức một cuộc điều tra hình sự quy mô lớn đối với Nhà Trắng và các tay chân của Trump, hay thậm chí điều tra luôn cả Trump. Việc phải hợp tác điều tra sẽ ảnh hưởng tới tiến độ của việc thúc đẩy các đề xuất chính sách mà Trump đã cam kết với người dân Mỹ trong chiến dịch tranh cử của mình.
Trong quá trình điều tra, báo chí sẽ đưa tin hàng ngày, trong đó chắc chắn sẽ có những thông tin rò rỉ, sẽ có fake news, sẽ có những ám chỉ bóng gió. Nghiêm trọng hơn, chính phủ có khả năng sẽ bị tê liệt.
Phe Dân chủ sẽ rất hoan hỉ bởi điều này sẽ tăng khả năng họ có thể lấy lại quyền kiểm soát Quốc hội sau thất bại dưới thời Obama. Tạp chí Federalist thậm chí còn gọi đây là một "màn đảo chính quay chậm".
Và dù kết quả có thế nào đi chăng nữa thì phe chống Trump cũng sẽ hưởng lợi: Nếu quá trình điều tra tìm ra chứng cứ bất lợi, Trump có thể sẽ bị luận tội. Nếu quá trình điều tra không đi đến kết quả, chính quyền Trump cũng vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực. Hãy nhớ lại những cuộc điều tra độc lập đã làm tổn hại các chính quyền Nixon, Reagan, George.W. Bush và Clinton đến mức nào.
Tôi xin nói rõ rằng không phải tôi đang phản đối việc điều tra Trump. Không hề. Quan điểm của tôi là với một quốc gia pháp trị, thì việc cố ý rò rỉ thông tin không phải là cách để chống lại một chính phủ lạm quyền.
Vấn đề rò rỉ thông tin có thể dẫn đến những hệ lụy thảm khốc ở tầm vĩ mô đối với nền dân chủ Mỹ.
Nước Mỹ được điều hành dựa trên nguyên tắc "kiểm soát lẫn nhau" (checks and balances) giữa Tổng thống (hành pháp), Quốc hội (lập pháp), và Tòa án (tư pháp), với những quy trình chi tiết, với sự minh bạch, với trách nhiệm, dựa trên nền tảng pháp trị, dưới sự giám sát của báo chí hoạt động tự do và người dân.
Nhưng việc để rò rỉ thông tin ở mức độ như hiện nay đã tạo điều kiện cho những người bất đồng với chính sách, hành động và quyết định của chính quyền có thể bỏ qua những nền tảng của một nền dân chủ. Thế là một cá nhân có thể phá cả một chính phủ.
Rất nhiều thông tin bị rò rỉ một cách bất hợp pháp và người rò rỉ có thể phải ngồi tù nhiều năm.
Tướng James Cartwright, người tiết lộ thôn tin về virus Stuxnet.
Một ví dụ điển hình xảy ra dưới thời Tổng thống Obama, khi đó tướng James Cartwright đã tiết lộ cho New York Times rằng Mỹ đã cài virus Stuxnet để vô hiệu hóa chương trình hạt nhân của Iran. Tướng Cartwright sau đó đã nhận tội và đáng ra sẽ phải ngồi tù, nhưng được Obama ân xá vào đầu năm nay.
Ngoài vụ của Cartwright, những vụ tiết lộ tài liệu tình báo mật của Edward Snowden hay Chelsea Manning cũng cho thấy vấn nạn này có ảnh hưởng lớn thế nào đến chính sách đối ngoại của Mỹ.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Julian Assange, nhà sáng lập Wikileaks và là một công dân Australia, có phải hầu tòa tại Mỹ vì tội gián điệp trong vụ của Manning hay không.
Những vụ rò rỉ thông tin cũng đang làm trầm trọng thêm quan điểm vốn đã tiêu cực của công chúng đối với chính phủ cũng như giới truyền thông.
Tỉ lệ người dân hài lòng với Trump chỉ đạt khoảng 40%, thấp nhất đối với một Tổng thống mới nhậm chức trong lịch sử Mỹ. Tỉ lệ người dân hài lòng với Quốc hội thậm chí chỉ đạt 20%. Tỉ lệ người dân hài lòng với báo chí/tin tức trên truyền hình cũng chỉ đạt khoảng 20%.
Niềm tin của công chúng vào các cột trụ của một nền dân chủ đang trong tình trạng không thể tệ hơn. Trong một cuộc thăm dò dư luận hồi tháng Hai vừa qua, 40% người tham gia cuộc thăm dò nói rằng họ quan tâm đến vấn đề rò rỉ thông tin hơn là mối liên hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử của Trump.
Vấn đề rò rỉ thông tin chắc chắn cũng sẽ buộc các chính trị gia và giới công chức phải nghĩ lại về tiến trình thúc đẩy "cởi mở hơn" trong các công việc của chính phủ đã diễn ra trong nhiều thập kỉ qua. Bởi hiện nay, bất kì ai tham gia vào một cuộc họp cũng có thể dùng điện thoại quay lại nội dung cuộc họp đó và tiết lộ ra cho cả thế giới.
Còn nhớ, trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, Mitt Romney có lẽ đã thua Barack Obama một phần bởi ai đó đã bí mật quay lại cảnh ông Romney chê bai những người phải sống phụ thuộc vào trợ cấp chính phủ.
Việc "khép kín" các hoạt động của chính phủ thực chất cũng đã có tiền lệ. Dưới thời Obama, quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Hiệp ước hạt nhân Iran diễn ra mà Quốc hội và người dân Mỹ không nắm được nội dung chi tiết.
Đối với TPP, các nghị sĩ Mỹ bị bắt phải tới họp tại một căn phòng kín, không có camera, không được sử dụng máy tính hay điện thoại di động, và chỉ được đọc các tài liệu liên quan đến hiệp định này tại đây mà không được cầm về. Còn đối với hiệp ước hạt nhân Iran, ngoài một vài người trong bộ sậu của Obama ra thì chưa ai nắm cụ thể nội dung của hiệp ước này.
Một hệ lụy khác cũng tệ không kém là việc ranh giới giữa rò rỉ thông tin vì mục đích cao đẹp và rò rỉ thông tin để trục lợi cá nhân giờ gần như không còn. Các điều luật bảo vệ "người thổi còi" (whistleblower) được ban hành để tạo điều kiện cho việc vạch trần những sai trái trong điều hành chính phủ, nhưng giờ đang bị gạt sang một bên.
Obama, vì quá "phát điên" với các vụ rò rỉ, đã trở thành Tổng thống Mỹ có số lần truy tố "người thổi còi" cũng như cánh phóng viên lớn nhất trong lịch sử, nhiều hơn tất cả các Tổng thống trong kỉ nguyên hiện đại gộp lại.
Và hệ lụy cuối cùng, dù còn quá sớm để kết luận, song có thể thấy "trải nghiệm rò rỉ" tại Mỹ đang "tràn" sang cả những nước khác.
Chỉ trước cuộc bầu cử Pháp vài ngày, toàn bộ email của đương kim Tổng thống Emmanuel Marcon đã bị rò rỉ đến tay báo chí. Nội dung cuộc họp giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Thủ tướng Anh Theresa May về vấn đề Brexit cũng bị rò rỉ. Ai đó ở Triều Tiên cũng tiết lộ rằng cả nước này chỉ có 28 trang web vận hành...
Thật khó để giải quyết vấn đề này bằng cách ban hành thêm luật pháp hay các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bởi nước Mỹ giờ đã có nhiều luật và nhiều quy tắc lắm rồi.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là việc có quá nhiều người sẵn sàng bán đứng dân tộc, sẵn sàng từ bỏ đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng vi phạm pháp luật, chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân. Tệ hơn là hàng loạt các quan chức vẫn làm vậy dù đã tuyên thệ sẽ không để mất lòng tin nơi công chúng.
Và thật đáng quan ngại khi truyền thông có thể từ bỏ mọi quy chuẩn về khách quan trong đưa tin để từng bước tiêu diệt một chính quyền và thay bằng một chính quyền khác.
Rốt cuộc, một nền dân chủ chỉ có thể tồn tại nếu con người ta có thể kiềm chế bản thân không theo đuổi những tham vọng và lợi ích cá nhân. Và nếu cứ tiếp diễn thế này, nước Mỹ sẽ còn phải vật lộn với cuộc đấu tranh lương tâm trong một thời gian dài.