Clip: 6 giờ dập lửa vụ cháy nhà kho Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông
Sau vụ cháy xảy ra tại Công ty Rạng Đông , dư luận xôn xao, lo ngại về việc rò rỉ thủy ngân cũng như những chất độc hại từ vụ cháy có thể khiến ô nhiễm môi trường nước, không khí xung quanh khu vực cháy, nguy cơ dẫn đến thảm họa môi trường.
Trả lời VTC News, GS.TS Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện khoa học công nghệ và Quản lý Môi trường Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM) cho biết, trong bóng đèn huỳnh quang có một số các chất hóa học, trong đó có thủy ngân có thể gây hại cho sức khỏe con người.
“Trong bóng đèn có nhiều chất độc và cực độc, trong đó có thủy ngân. Lượng thủy ngân cũng đã có quy định rất cụ thể trong phạm vi, hàm lượng nghiên cứu cho phép. Thủy ngân nếu bị rò rỉ sẽ rất độc hại cho môi trường sống, nếu rò rỉ nhiều có thể dẫn đến thảm họa môi trường.
Do đó, trong vụ cháy Công ty Rạng Đông cần xác định xem có rò rỉ thủy ngân không? Nếu rò rì thì mức độ nào? Điều này cần có xét nghiệm, đo đạc mới biết được”, GS.TS Lê Huy Bá phân tích.
Vị chuyên gia này cũng cho hay những hóa chất dùng để sản xuất bóng đèn nếu phát tán ra bên ngoài sẽ rất độc hại, khó kiểm soát. Những hóa chất này ở dạng hộp đựng, khu vực kín còn có thể khống chế.
Nếu trời mưa sẽ làm giảm khả năng bốc hơi chất độc, khả năng lắng tụ sẽ làm không khí sạch hơn một chút. Tuy nhiên, trời mưa, nước chảy tràn, những ô chứa nước hở, không đậy kín sẽ rất nguy hiểm. GS, TS Lê Huy Bá
Tuy nhiên, nếu thuỷ ngân theo ngọn lửa đám cháy bùng phát, bay lơ lửng, phát tán đi trong môi trường thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chuyên gia môi trường Lê Huy Bá cũng thông tin các hóa chất này khi cháy sẽ bốc lên, phát tán theo chiều gió, lan tỏa đi khắp nơi, càng gần trung tâm thì càng nguy hiểm.
Đặc biệt, trong điều kiện lốc, gió sẽ khiến những chất độc hại phát tán nhanh, không định hướng, lên cao và lan tỏa.
Còn nếu trời mưa sẽ làm giảm khả năng bốc hơi chất độc, khả năng lắng tụ sẽ làm không khí sạch hơn một chút. Tuy nhiên, trời mưa, nước chảy tràn, những ô chứa nước hở, không đậy kín thì sẽ rất nguy hiểm.
Về khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình, GS.TS Lê Huy Bá cho rằng những chỉ dẫn, khuyến cáo này chỉ là cảm tính, chưa có cơ sở, căn cứ để xác thực. Bởi vì, để biết mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước như thế nào thì cần có xét nghiệm, đo đếm mới chính xác.
“Cảnh báo của UBND phường Hạ Đình trong vòng bán kính 1 km hay trong thời gian 21 ngày chỉ là ước lượng, theo cảm tính. Tất nhiên, nếu chất độc vụ cháy bay ra không khí thì mức độ nguy hiểm, độc hại thì nơi nào gần khu vực cháy nhất thì nơi đó sẽ độc hại và ô nhiễm nhất.
Còn con số 21 ngày là ước lượng, áng chừng mang tính tương đối. Bởi vì 21 ngày là trên cơ sở tính toán khả năng lắng tụ chất độc trong không khí, nhất là những kim loại nặng như đồng, kẽm… còn nếu mình thực hiện kéo dài khoảng cách, dài ngày ra thì sẽ rất tốt”, chuyên gia môi trường nói với VTC News.
Ngoài ra, ông Lê Huy Bá chỉ ra rằng giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phía Công ty Rạng Đông cần nhanh chóng công khai, minh bạch hóa chất đã sử dụng để sản xuất bóng đèn, mức độ nguy hiểm như thế nào khi bị cháy nổ, có phóng xạ không.
Trên cơ sở đó, Công ty Rạng Đông cần bàn kỹ với chính quyền địa phương để có giải pháp tối ưu, xử lý kịp thời hậu quả, ngăn chặn thảm họa môi trường.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo người dân cần bịt khẩu trang có than hoạt tính, hạn chế đi lại, tiếp cận gần khu vực cháy, nhất là đối với trẻ em, người già và phụ nữ có thai.
Ngoài ra, người dân cũng không nên sử dụng nước trong các bể chứa để hở để nấu, uống, nhất là nước mưa.
Thịt gia súc và gia cầm trong khu vực này cũng cần tránh bởi gà, vịt, ngan… ở khu vực hít hóa chất, uống nước bị nhiễm hóa chất thì có thể không bị nhiễm độc ngay, nhưng về lâu dài thì có thể tích tụ chất độc hại rất nguy hiểm.
Đồng quan điểm, PGS, TS Trần Yêm (Trường ĐH khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho rằng cảnh báo, chỉ dẫn của UBND phường Hạ Đình về việc không ăn rau, thịt của gia súc, gia cầm trong bán kính 1 km quanh khu vực Công ty Rạng Đông chỉ là giải pháp phòng ngừa.
Ông Yêm cho rằng cần có xét nghiệm, đo đếm để đánh giá mức độ ô nhiễm vì thông báo của phường mang tính chủ quan, chưa thể biết rõ sự phát tán các chất độc như thế nào.
“Tôi cho rằng, chất độc hại đáng quan ngại ở Công ty Rạng Đông thì chắc là phát tán thủy ngân, hơi thủy ngân, thủy ngân lỏng trong bóng đèn. Đây là rất độc hại. Bóng đèn được liệt vào chất thải nguy hại.
Hơn nữa, UBND phường Hạ Đình không nói chung chung thực phẩm cảnh báo mà cần chỉ ra xem liệu rằng loại rau quả, thực phẩm bán trong vòng bán kính 1 km đó có ăn được hay không. Trước đây, vụ nổ phóng xạ ở nhà máy Chernobyl ở Liên Xô mãi sau này họ mới cảnh báo”, PGS, TS Trần Yêm cho biết.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cũng cho hay trong bóng đèn huỳnh quang có nhiều hóa chất, thậm chí là có thủy ngân một loại hóa học rất nguy hại với con người.
"Nếu hít phải thủy ngân ở liều lượng cao thì nó sẽ ngấm vào máu và tích lũy ở xương gây ra nhiều bệnh. Khoảng vài năm sau thì bệnh nhân mới phát bệnh", PGS.TS Trần Hồng Côn cho hay và nói thêm là cơ quan chức năng cần phải tính toán lượng thủy ngân này sau vụ cháy để người dân bớt hoang mang.
Khi được hỏi về việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm do ô nhiễm không khí do vụ cháy Công ty Rạng Đông, PGS, TS Nghiêm Trung Dũng (chuyên gia ô nhiễm không khí, Viện khoa học công nghệ và Môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hiện chưa có minh chứng để khẳng định vụ cháy diễn ra ở khu vực nào, cháy cái gì, có thủy ngân hay không.
Do đó, chưa có cơ sở để đánh giá mức độ độc hại, tính chất nghiêm trọng của chất độc thải ra môi trường.
“Theo tôi, khi vụ cháy xảy ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cần phải nhanh chóng lấy mẫu khói, bụi của đám cháy để xét nghiệm, đo tính chất, mức độ độc hại của không khí.
Và tôi được biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chưa làm việc đó. Tuy nhiên, qua thời gian dài, trời mưa thì cần lấy mẫu tro của đám cháy, mẫu nước bụi rơi xuống để kiểm tra, xét nghiệm.
Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ đem ra so sánh mẫu nước đó với mẫu nước lấy từ đầu nguồn, không bị ô nhiễm xem thành phần có giống nhau không, nếu giống nhau thì không ảnh hưởng gì”, PGS, TS Nghiêm Trung Dũng phân tích.
Sau vụ hỏa hoạn lớn, thiêu rụi 2.000 m2 nhà xưởng của Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, phường Hạ Đình có thông báo người dân phòng tránh khói bụi từ vụ cháy.
UBND phường thông báo và hướng dẫn người dân chăm sóc và tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, đặc biệt là người già và trẻ em.
Theo đó, người dân cần rửa mắt, mũi, súc miệng hàng ngày bằng dung dịch nước muối 9% từ 4 đến 6 lần hoặc nhiều hơn, trong 7-10 ngày sau vụ cháy.
Bên cạnh đó, người dân cần ăn uống đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, đeo khẩu trang khi ra ngoài. Người dân không sử dụng rau, hoa quả, trái cây, gia cầm, cá lợn được nuôi trồng, sử dụng nước từ các bể hở trong bán kính 1 km từ tâm đám cháy trong 21 ngày.
Các gia đình cần sơ tán trẻ em, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của khói bụi từ 1 đến 10 ngày để hạn chế các nguy hại. Các hộ dân theo dõi sức khỏe của các thành viên, nếu thấy có biểu hiện bất thường cần đưa ngay đến các cơ sở ý tế để khám, chữa bệnh kịp thời.