Lần trước, ngày 4/11, tên lửa của phiến quân Houthi đã nhằm vào sân bay quốc tế ở thủ đô của vương quốc này. Còn lần này, ngày 19/12 tên lửa của Houthi nhằm trực diện vào hoàng cung Yamama ở thủ đô Riyadh, trung tâm quyền lực của vương triều Saudi.
Cả hai lần, tên lửa không tới được mục tiêu, nhưng tác động chính trị và tâm lý mà Houthi nhắm tới đều không vì thế mà không đạt được.
Hai năm rưỡi trước đây, Saudi đã thành lập liên minh quốc tế do Riyadh đứng đầu để phát động cuộc chiến tranh với lực lượng Houthi ở Yemen, không qua giao tranh trực diện trên bộ mà chủ yếu bằng không kích và phong tỏa bờ biển.
Bây giờ, người Houthi đưa chiến sự đến thẳng thủ đô Riyadh và trung tâm quyền lực của Saudi chứ không còn giới hạn ở khu vực giáp biên giữa hai nước. Chiến tranh ở Yemen vốn đã trở thành chuyện không còn lạ lẫm và bất ngờ gì đối với người dân ở đất nước này, nhưng chiến sự ở Riyadh thì lại là chuyện kinh thiên động địa đối với cả vương quốc Ả Rập này.
So với tiềm lực quân sự và tài chính của Saudi, cũng như liên quân quốc tế, thì người Houthi chỉ là "David so với Goliath". Nhưng tác động chính trị và tâm lý của việc đưa chiến tranh đến Riyadh, và cho thấy Houthi thực sự có khả năng tấn công hoàng gia và người dân Saudi, lớn hơn gấp nhiều lần so với tác động của cuộc chiến mà liên quân thực hiện tại Yemen đối với phe Houthi.
Một tên lửa hành trình được nhìn thấy phóng về hướng thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Bức ảnh do phiến quân Houthi công bố ngày 19/12/2017 (Ảnh: HANDOUT/Reuters)
Đòn hiểm của David và thất bại của Goliath?
Tên lửa Houthi bắn vào Riyadh là một cú đòn hiểm của "tý hon David", và hiện thân cho thất bại chiến lược của "người khổng lồ Goliath" Saudi trong chiến sự Yemen.
Về bản chất, cuộc chiến này phản ánh mục tiêu của Saudi Arabia đối phó và ganh đua bằng mọi giá với Iran, mang đậm dấu ấn riêng của thái tử 32 tuổi Mohammed bin Salman. Vì thế, thực trạng hiện tại là thất bại của Saudi nói chung và cá nhân thái tử Salman nói riêng.
Hai năm rưỡi trước đây, ông Salman - trong vai trò Bộ trưởng quốc phòng Saudi - là động lực quyết định trong việc Riyadh phát động chiến tranh ở Yemen, đã cam kết "thắng nhanh, rút nhanh".
Tuy nhiên đến nay, cuộc chiến đã gây thiệt hại lớn về người và của cho Yemen, nhưng liên quân Saudi chưa đạt được mục tiêu đề ra là tiêu diệt lực lượng vũ trang người Houthi và khôi phục thể chế của tổng thống lưu vong Abedrabbo Mansour Hadi ở nước này.
Trái lại, phe Houthi đang củng cố được quyền lực ở Yemen và trở nên mạnh hơn về quân sự, đối phó hiệu quả hơn với liên quân và chuyển dần từ thế bị động sang chủ động tấn công Saudi - thể hiện qua hai vụ nã tên lửa vào Riyadh..
Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy liên quân Saudi sa lầy về quân sự ở Yemen và bắt đầu trả giá về an ninh cho cuộc chiến Yemen. Bên được lợi nhiều nhất trong cục diện này là Iran.
Những dấu hiệu ấy cũng cho thấy cuộc chiến tranh với bên ngoài và các vấn đề trong nước của Saudi sẽ tiếp tục dai dẳng. Bạo lực sẽ leo thang ở Yemen và giải pháp chính trị hòa bình vẫn còn xa vời. Cái chết vừa mới đây của cựu tổng thống Saleh do bị Houthi ám sát làm cho mức độ ác liệt của chiến sự và bạo lực lại tăng lên.
Iran vừa may vừa rủi
Trong bối cảnh như vậy ở Yemen, không khó hiểu khi Mỹ và Saudi Arabia không chỉ cáo buộc mà còn tìm mọi cách chứng minh Iran cung cấp vũ khí và tên lửa cho phiến quân Houthi.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đưa ra bằng chứng, nhưng bằng chứng ấy không được bên ngoài chứng thực, và lòng tin vào bằng chứng của Mỹ cũng đã giảm sút sau nhiều lần Mỹ đưa chứng cứ giả để phục vụ mục tiêu của mình - như trường hợp cuộc chiến Iraq.
Mỹ-Saudi muốn có bằng chứng để chứng minh Iran đứng phía sau chuyện chính trị an ninh ở Yemen, đồng thời có lý do tác động thỏa thuận hạt nhân Iran - vốn đã được LHQ công nhận và có giá trị pháp lý quốc tế. Điều này đặt Iran vào thế phải hành động rất thận trọng.
Xung đột Yemen bắt đầu lây lan tác động tiêu cực tới an ninh và ổn định cũng như cục diện quan hệ của cả khu vực.
Saudi Arabia đánh chặn tên lửa của Houthi nhắm vào Riyadh tháng 12/2017 (Nguồn: The Guardian)